Tận dụng CPTPP thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam – New Zealand
Việt Nam và New Zealand có nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng quy mô thương mại song phương, trước mắt là hướng tới cột mốc 2 tỷ USD vào năm 2024. Trong đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đóng vai trò rất quan trong trong thúc đẩy thương mại giữa hai nước.
Đây là thông tin được đưa ra tại phiên "Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam-New Zealand," diễn ra sáng 15/11, tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nhấn mạnh nền kinh tế New Zealand-Việt Nam có tính bổ trợ cho nhau với những sản phẩm rất phù hợp về sữa, gỗ, trang thiết bị khác trong lĩnh vực thực phẩm...
Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đóng vai trò rất quan trong trong thúc đẩy thương mại giữa hai nước, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và quan hệ đối tác giữa 2 quốc gia.
Thủ tướng Jacinda Ardern nhấn mạnh, việc nền kinh tế 2 nước New Zealand - Việt Nam được kết nối bằng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thời gian qua, 2 nước đã triển khai hiệp định này rất hiệu quả. Hiệp định CPTPP cũng đóng vai trò rất quan trong trong thúc đẩy thương mại giữa 2 nước, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và quan hệ đối tác giữa 2 quốc gia.
Với tiềm năng hợp tác sẵn có, Thủ tướng Jacinda Ardern khẳng định tiếp tục chung tay cùng Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng và trở thành những quốc gia đóng vai trò quan trọng trong khu vực.
"Tại sự kiện ngày hôm nay có rất nhiều doanh nghiệp của 2 quốc gia Việt Nam - New Zealand. Đây sẽ là cơ hội tiếp nối các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, đồ uống, giáo dục, chăm sóc y tế, công nghệ, môi trường… New Zealand sẵn sàng chia sẻ thông tin hợp tác để hai bên cùng đạt tới những mục tiêu chung," Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói.
Hiện Việt Nam và New Zealand có rất nhiều lợi thế khi cả hai quốc gia đều là thành viên của ba hiệp định thương mại tự do lớn là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia/New Zealand (AANZFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hai bên cũng là thành viên của 4 khuôn khổ hợp tác khu vực bao gồm: APEC, ASEAN, EAS, ASEM và gần đây nhất là Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương. Những kết nối kinh tế sâu rộng ở cả cấp song phương và khu vực này sẽ đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng và giảm bớt các rào cản đối với thương mại quốc tế.
Đáng chú ý, cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và New Zealand có tính bổ sung cho nhau, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp và cán cân thương mại luôn được duy trì ở mức cân bằng.
Đây là điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng, củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là những ngành hàng mà một bên có thế mạnh, bên kia có nhu cầu và ngược lại, như: may mặc, da giày, đồ gỗ, nông sản nhiệt đợi, sữa, gỗ, nguyên phụ liệu dệt may và da giày…
Bên cạnh đó, việc hiệp định RCEP được ký kết và đi vào thực thi cho phép cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ nội khối đã mở ra cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, thiết lập chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa để xuất khẩu và khu vực thị trường có quy mô dân số lớn nhất thế giới với khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng (chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu).
Việt Nam là đối tác lớn thứ 16 của New Zealand. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm, từ 300 triệu USD năm 2009 tới 750 triệu USD năm 2013 (tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm). Năm 2021 đạt xấp xỉ 1,3 tỉ USD, tăng 26,7% so với năm 2020. 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1,1 tỉ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Hai bên đã tổ chức thành công kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế - Thương mại Việt Nam - New Zealand theo hình thức trực tuyến (tháng 10/2020).
Về đầu tư, tính đến tháng 10.2022, New Zealand có 49 dự án đầu tư với tổng số vốn 210,18 triệu USD, đứng thứ 39/139 quốc gia và lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Việt Nam có 11 dự án đầu tư tại New Zealand với tổng vốn đăng ký 38,4 triệu USD.