Tái cấu trúc doanh nghiệp ngành cơ khí thích ứng với đại dịch Covid-19
Tái cấu trúc doanh nghiệp lúc này rất quan trọng đối với các doanh nghiệp nhất là khi đại dịch Covid 19 khiến cho doanh nghiệp phải thay đổi phương thức hoạt động thích ứng nhanh với tình hình kinh doanh mới và trước xu hướng hội nhập cao của ngành cơ khí.
Trong nền kinh tế thị trường luôn biến động và phát triển không ngừng, việc mà các doanh nghiệp phải thường xuyên rà soát, củng cố các nguồn lực để thích ứng được xem như một nhiệm vụ không tách dời quá trình sản xuất kinh doanh, nhất là khi doanh nghiệp có những dấu hiệu như thiếu việc làm, hệ thống quản lý và dây chuyền công nghệ lạc hậu, lợi nhuận giảm...
Đặc biệt kể từ khi Covid-19 xuất hiện thì việc tái cấu trúc doanh nghiệp trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết.
Ảnh minh họa
Tái cấu trúc doanh nghiệp là một vấn đề được nhiều nhà quản lý, chuyên gia kinh tế quan tâm, nó là khái niệm khá phổ biến hiện nay và được tiếp cận theo nhiều cách tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện, ý chí của người quản lý cũng như đội ngũ của từng doanh nghiệp. Cho dù có rất nhiều khái niệm, phân tích, nhưng nó vẫn toát lên sự bao hàm việc tái cơ cấu, cải cách các nguồn lực của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, của thị trường và loại bỏ những hạn chế cũng như những dấu hiệu có nguy cơ kìm hãm sự tồn tại, ổn định và phát triển của doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, để dễ tiếp cận, phân tích những hạn chế, bất cập nảy sinh từ thực tiễn của doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam, trước tiên chúng ta cùng nhau xác định các nội dung cơ bản và qui trình tái cấu trúc và cải cách doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất, xác định bối cảnh: Nhiệm vụ là phân tích chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như quốc tế; Những vấn đề định hướng và chính sách phát triển kinh tế ngành; Thị trường cũng như yêu cầu của thị trường về sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp đang theo đuổi; Bối cảnh nguy hiểm của COVID-19 và trạng thái bình thường mới sau đại dịch.
Thứ hai, đánh giá thực trạng của doanh nghiêp: Đánh giá điểm yếu, điểm mạnh, từ đó tìm nguyên nhân, tính lợi thế của những vấn đề chính như: Ngành nghề, thị trường sản phẩm, dịch vụ; Trình độ kỹ thuật công nghệ, dây chuyền sản xuất; Nhân lực, mô hình tổ chức; Hệ thống quản trị và tính tuân thủ pháp lý; Kỷ luật lao động, văn hóa doanh nghiệp, an ninh, an toàn và quản lý sự thay đổi; Tình hình tài chính và sự minh bạch.
Thứ ba, xây dựng chiến lược, xác định mục tiêu tái cấu trúc và cải cách: Việc phải làm là xây dựng, củng cố tầm nhìn chiến lược, xác định lộ trình với từng mục tiêu cải cách và đặt ưu tiên cho một mô hình quản lý tiên tiến bao hàm tính kỷ luật cao, tính nổi bật trong văn hóa doanh nghiệp, phù hợp thông lệ quốc tế.
Thứ tư, xây dựng đề án tái cấu trúc và cải cách doanh nghiệp: Bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới cùng các nguồn lực mà từng doanh nghiệp đang sở hữu, sẽ là những vấn đề rất cơ bản để người quản lý doanh nghiệp quyết định nội dung, qui trình hướng tới mục tiêu tái cấu trúc và cải cách.
Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta nêu ra một số vấn đề mang tính cốt lõi, đang là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam:
Tái cơ cấu ngành nghề, thị trường sản phẩm và dịch vụ: Khẳng định khả năng, mức độ đầu tư cho cải cách các nguồn lực để định hình lại một cách xuyên suốt, rõ ràng sản phẩm chính của doanh nghiệp là gì và phải rất khả thi, đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của khách hàng mục tiêu (giữ nguyên và nâng cao chất lượng, loại bỏ bớt hay bổ sung thêm) và chắc chắn cho việc sản xuất kinh doanh được duy trì vượt đại dịch, từng bước ổn định và có lãi.
Tái cấu trúc tổ chức, nguồn nhân lực: Nhiệm vụ được thực thi trên nguyên tắc thị trường: “Mục tiêu - định việc - định biên” với lực lượng lao động đạt chuẩn phù hợp. Đặc biệt là thiết lập cơ cấu tổ chức tinh gọn, bao gồm đầy đủ tính tuân thủ, kỷ luật, văn hóa doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tái cấu trúc quản trị, thiết lập hệ thống an ninh, an toàn, quản trị rủi ro và quản lý sự thay đổi: Thiết kế, điều chỉnh để có một mô hình quản lý, điều hành tiên tiến với đầy đủ các qui chế, qui định tuân thủ pháp luật, đảm bảo an ninh, an toàn, thân thiện môi trường. Mặt khác, quá trình cải cách ắt phải có những thay đổi, đặc biệt là có những thay đổi mang tầm chiến lược, nên nhất thiết phải tạo lập phương án quản lý sự thay đổi phù hợp, để luôn chủ động, nhất quán trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong và sau đại dịch.
Tái cấu trúc tài chính: Với nguyên tắc công khai minh bạch, huy động và phát huy tối đa nguồn tiền, tài sản mà doanh nghiệp đang có, tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính sách cho cải cách nhất là giai đoạn thảm họa dịch bệnh, thương thảo với đối tác kinh doanh.v.v, sao để có tiền cho duy trì hoạt động hàng ngày. Và những vấn đề cần được lưu tâm, dựa trên phân tích chuyên môn, tuân thủ pháp lý như: Phương án vốn điều lệ và cơ cấu sở hữu (tăng hoặc giảm vốn, thoái hoăc đầu tư thêm vốn ra ngoài doanh nghiệp); Cơ cấu nợ và các giá trị khác để duy trì dòng tiền; Kế hoạch tài chính hợp lý; Chuẩn hóa chính sách ghi nhận doanh thu, phân tích chi phí, lưu chuyển tiền tệ, phân tích hệ số biên lợi nhuận gộp; Kiểm tra, giám sát công tác tác kế toán và báo cáo tài chính.
Lập phương án tổ chức triển khai thực hiện: Trình tự, phương án thực thi cơ cấu, cải cách là nhiệm vụ trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh và được lồng ghép với quản lý sự thay đổi, nó được xác định tiến độ và phân giao cho từng cá nhân, tập thể và yêu cầu thực hiện bài bản, quyết liệt, luôn tuân thủ qui định hiện hành với ý chí quyết tâm của người quản lý cũng như đội ngũ của doanh nghiệp.
Giám sát, kiểm tra, báo cáo: Từ hoạt động thực tiễn, đánh giá kết quả, xem xét tương quan bất cập nảy sinh và lợi thế để kịp thời điều chỉnh mục tiêu cụ thể theo giai đoạn cũng như giải pháp thực hiện cho phù hợp.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, phải khẳng định, doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam đã ý thức sâu sắc và hiểu rất rõ việc tái cơ cấu, cải cách nguồn lực là yếu tố tiên quyết để tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng. Chính vậy nên các doanh nghiệp cũng đã huy động tối đa trí lực và tâm huyết triển khai thực hiện, có nhiều đơn vị đã ký hợp đồng thuê các tổ chức, chuyên gia tư vấn có uy tín, thương hiệu (quốc tế và trong nước) để khảo sát, xây dựng, thẩm định thực hiện đề án tái cấu trúc. Đến thời điểm hiên tại, bên cạnh những thành công của một số doanh nghiệp, thì thực tiễn cũng đã nảy sinh và chỉ ra nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập làm gia tăng sự trăn trở của người quản lý doanh nghiệp.
Những biến động không thể đoán định của bối cảnh làm cản trở, hủy hại lộ trình hướng đến mục tiêu tái cấu trúc doanh nghiệp:
Các yếu tố kỹ thuật công nghệ, dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào cho gia công, chế tạo sản phẩm cơ khí và dịch vụ liên quan về cơ bản đều nhập từ nước ngoài. Vậy nên, khi có biến động kinh tế, chính trị thế giới, sẽ làm sụt giảm thị trường, nguồn cung thiếu ổn định, giá cả tăng cao... đó là những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp cơ khí Việt Nam không thể lường trước được.
Hơn nữa, từ đầu năm 2020 thì Covid-19 bất ngờ xuất hiện, nó tàn phá kinh tế thế giới và gây tổn thất kinh hoàng. Hiện dịch bệnh vẫn đang diễn biến nguy hiểm, phức tạp, gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường sụt giảm, chuỗi cung ứng đứt gẫy, đời sống nhân loại muôn vàn khó khăn, những trật tự vốn có đã bị thay đổi toàn diện và sâu sắc.v.v. Những tác động nguy hiểm, tiêu cực đến doanh nghiệp hiện thời là chưa thể định lượng và nó đã hủy hại những nỗ lực vượt khó hướng tới mục tiêu của từng doanh nghiệp trong công cuộc tái cấu trúc và cải cách.
Thực tế của ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam, ngoài bao gồm những tập đoàn, doanh nghiệp cơ khí có chủ sở hữu vốn là tư nhân hoặc tổ chức kinh tế tư nhân, thì hiện nay có rất nhiều Bộ, Ngành (Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng, Ủy ban quản lý vốn nhà nước...) và tất cả các địa phương trên phạm vi cả nước đều là cơ quan quản lý trực tiếp, sở hữu phần trăm vốn có quyền chi phối hoặc phủ quyết theo luật định tại các doanh nghiệp cơ khí nội địa.
Từ thực tiễn đó, các hội, hiệp hội liên quan đến công nghiệp cơ khí được thành lập (trong đó có Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam - VAMI) trên nguyên tắc tự nguyện tham gia của các thành viên. Một trong những nhiệm vụ cơ bản của các hiệp hội là kết nối hai chiều giữa cơ sở và các cơ quan quản lý để giải quyết những vấn đề thực tiễn liên quan đến định hướng, cơ chế, chính sách, đặc biệt là cập nhật những thông tin mang ý nghĩa chiến lược để giúp tăng nguồn lực cho các đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại có rất nhiều hội, hiệp hội được thành lập và sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong cùng lĩnh vực phân tán, thậm chí theo khu vực, vùng miền. Hơn nữa, hiện tại hoạt động của các hiệp hội chưa được luật hóa, đặc biệt là các điều kiện cho hoạt động của hiệp hội còn hạn hẹp, nên việc cung cấp, bổ sung thêm thông tin cơ bản phục vụ củng cố, tăng cường cho nguồn lực của doanh nghiệp chưa đạt kỳ vọng và còn nhiều trăn trở.
Qua phân tích chúng ta thấy, thực tiễn của việc tiếp cận, nắm bắt thông tin chung về hiện trạng ngành công nghiệp cơ khí nội địa, tiềm năng nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước cũng như quốc tế là rất khó và vô cùng hạn chế, việc cập nhật phân tán và chưa đủ tính bao quát mang tầm chiến lược. Hơn nữa, những số liệu nhập khẩu vật tư thiết bị từ nước ngoài về phục vụ phát triển kinh tế ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp cũng chưa có cơ hội hoặc không nắm được một cách đầy đủ, chính xác theo thời gian và theo kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước. Đó chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sai lệch tầm nhìn chiến lược và nảy sinh nhiều bất cập, chồng chéo, bị động trong suốt quá trình thực thi tái cấu trúc và cải cách doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam.
Trên thực tế, không ít doanh nghiệp cơ khí nội địa bị mắc “bẫy tăng trưởng”, đó là việc mở rộng (thiếu chiều sâu), dồn tổng lực hướng tới tăng doanh thu, đáp ứng yêu cầu của thị trường thiếu ổn định, với những sản phẩm có giá trị thấp, quay vòng vốn chậm, và đến thời điểm quyết toán, thu hồi được vốn, hạch toán đúng, đủ thì không có lãi hoặc không thể duy trì được tỷ suất lợi nhuận tương xứng với vốn cho sản xuất kinh doanh. Và điều đó đã dẫn đến những hệ lụy theo thời gian, tức là lợi nhuận dần bị tăng trưởng bằng không hoặc tăng trưởng âm, nội lực của doanh nghiệp sẽ bị bào mòn, tài chính bị sụt giảm, năng lực cạnh tranh xem như không phát triển và có thể là tụt lùi. Đến một thời điểm nào đó (không quá lâu từ khi vấn đề được khởi xướng), hoạt động của doanh nghiệp luôn như “cơ thể thiếu máu”, và nếu muốn duy trì hoạt động “có đủ lượng máu tối thiểu theo nhu cầu của sự sống” thì phải bằng mọi cách có hợp đồng, có doanh thu, cố tạo dòng tiền trong ngắn hạn để giải quyết tình thế. Đây là vấn đề vô cùng rủi ro và chỉ cần có biến động nhỏ từ thị trường, từ phía đối tác kinh doanh hay trong nội hàm của doanh nghiệp là hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự chênh vênh, thậm chí có trường hợp bị ngưng trệ ngay lập tức.
Có thể những phân tích mang tính khái quát như vậy là còn thiếu, song cũng đủ để chúng ta thấy được những hạn chế, khó khăn, bất cập từ thực tiễn của việc tái cấu trúc và cải cách doanh nghiệp cơ khí nội địa. Trên tinh thần cầu thị, rất mong các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp có thêm những phân tích, chia sẻ về vấn đề mang ý nghĩa chiến lược này.
Với mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp được bổ sung và tăng cường nguồn lực, hướng tới mục tiêu tái cấu trúc và cải cách, tăng năng lực cạnh tranh, từng bước đủ sức để thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng vai trò trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại đất nước. Đề nghị các cấp thẩm quyền có phương án, chính sách phù hợp cho việc định hướng chuyên ngành trong phát triển công nghiệp cơ khí cũng như nhu cầu sản phẩm cơ khí và dịch vụ liên quan. Thiết kế, xác lập qui trình để có hệ thống thông tin cơ bản, đồng bộ về nhu cầu sản phẩm cơ khí cho phát triển kinh tế cũng như tổng quan ngành công nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam và thuận lợi cho các hiệp hội, doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu. Măc khác, từng đơn vị, doanh nghiệp chúng ta cũng cần khách quan hơn, khoa học hơn và đúng quy luật hơn trong tư duy, phân tích, xác định tầm nhìn chiến lược và mục tiêu cũng như tổ chức thực hiện để đạt kết quả tốt nhất nhiệm vụ tái cấu trúc và cải cách doanh nghiệp trong từng hoàn cảnh thực tiễn cụ thể, nhất là giai đoạn COVID-19 và sau đại dịch.