Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cắt giảm kế hoạch sản xuất hơn 1 triệu chiếc
Sáu trong số các nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản, bao gồm cả Toyota Motor, sẽ cắt giảm kế hoạch sản xuất cho năm nay với hơn 1 triệu xe, mức giảm tương đương với năm trước khi họ bắt buộc cắt giảm lớn do đại dịch coronavirus.
Tác động của sự gia tăng các ca nhiễm ở Đông Nam Á, nơi vốn là cơ sở cung cấp chính cho chất bán dẫn trong xe, là nguyên nhân chính dẫn đến việc cắt giảm và cũng đang dần ảnh hưởng tới các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu và Mỹ.
Ảnh minh họa
Toyota đã điều chỉnh dự báo sản lượng toàn cầu cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2022, giảm 3% xuống còn 9 triệu chiếc. Nissan Motor đã công bố kế hoạch giảm sản lượng 250.000 chiếc và Honda Motor dự kiến doanh số sẽ thấp hơn 150.000 xe, nguyên nhân là do việc cắt giảm sản lượng.
Nhưng trong số đó, Suzuki Motor được đánh giá là đang chịu thiệt hại lớn nhất. Hãng đang giảm sản lượng 350.000 xe, hoặc khoảng 10% con số của năm tài chính trước. Nhà sản xuất ô tô này đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp chất bán dẫn ổn định và sẽ tạm dừng hoạt động tại các quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Thái Lan và Hungary. Sản xuất ở Ấn Độ, nơi chiếm phần lớn hoạt động kinh doanh của họ, dự kiến sẽ chỉ hoạt động ở mức khoảng 40% công suất bình thường trong tháng này.
Mazda Motor, Mitsubishi Motors và Subaru cũng đã công bố mức cắt giảm của riêng họ. Do đó, tổng mức cắt giảm chỉ dành cho 6 công ty đã công bố lên tới 1,05 triệu xe.
Việc cắt giảm là do nhà máy STMicroelectronics ở Malaysia ngừng hoạt động, Toyota cho biết. Công ty Thụy Sĩ cung cấp bộ vi điều khiển ô tô cho các nhà cung cấp của Toyota, nhưng sự bùng phát trở lại của dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhân viên không thể đến làm việc. Các bộ phận như bộ phận phanh không được sản xuất, những chiếc xe hoàn chỉnh do đó cũng không được hoàn thiện.
Nhiều nhà sản xuất linh kiện có nhà máy ở Đông Nam Á, nơi mà trong những năm gần đây cũng đã trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn ô tô. Bosch của Đức có bảy nhà máy sản xuất linh kiện điện và các sản phẩm khác trong khu vực. Công ty Continental của Đức cũng sản xuất các bộ phận sử dụng chất bán dẫn tại một số nhà máy ở đây.
Đại dịch xảy ra đúng lúc các nhà sản xuất ô tô đang "tranh giành" những linh kiện điện tử này, được đánh giá là dẫn đến cú sốc về nguồn cung.
Một công ty Đức sản xuất chip ô tô, Infineon Technologies, đã tạm ngừng sản xuất tại nhà máy Malacca ở miền nam Malaysia trong tổng cộng 20 ngày trong khoảng thời gian 5 tuần kể từ tháng 6. Các chất bán dẫn được sử dụng trong các bộ phận lái và phanh được cung cấp cho các nhà sản xuất phụ tùng ô tô.
STMicroelectronics cho biết đơn đặt hàng tồn đọng kéo dài 18 tháng và không thể đáp ứng kịp nhu cầu do các nhà máy hoạt động không nhanh như mong đợi.
"Các nhà sản xuất chất bán dẫn đã thiết lập các hoạt động lắp ráp và kiểm tra ở Đông Nam Á, nơi được đánh giá là có chi phí lao động thấp. Điều này là cho là do các quy trình sử dụng nhiều lao động, nhưng điều này lại phản tác dụng trong bối cảnh đại dịch này", Tomoyuki Suzuki của AlixPartners, một công ty tư vấn của Mỹ cho biết.
Hiệu ứng này không chỉ dừng lại đối với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản. General Motors đã đình chỉ hoạt động tại 8 nhà máy, tương đương 50% các nhà máy lắp ráp xe ở Bắc Mỹ, từ 1 đến 4 tuần kể từ ngày 6 tháng 9. Renault của Pháp cũng đã ngừng hoạt động một số nhà máy ở Tây Ban Nha trong vòng 60 ngày kể từ cuối tháng 8. Cũng vào thời điểm đó, Volkswagen của Đức đã thực hiện cắt giảm sản lượng bổ sung tại nhà máy Wolfsburg chính của mình.
Một lý do phổ biến cho các động thái này là cuộc đấu tranh để mua chất bán dẫn từ Đông Nam Á.
Theo ước tính của một công ty nghiên cứu của Mỹ trong tháng này, sản lượng ô tô toàn cầu sản xuất vào năm 2021 sẽ giảm xuống còn khoảng 80 triệu chiếc, giảm khoảng 6% so với dự đoán ban đầu, lên tới hơn 130 tỷ USD doanh thu. Ảnh hưởng sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu tiếp tục cắt giảm quy mô lớn như Toyota.