Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra hướng phát triển cho ngành sản xuất sản phẩm từ sắt thép
Các nhà máy luyện thép và cán thép hàng đầu của Việt Nam đã trang bị những dây truyền sản xuất với công nghệ tiên tiến trên thế giới (nạp liệu ngang thân vỏ lò) ở mức độ tự động hóa cao, sản xuất thép sạch và tự động loại bỏ sai sót, đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của bộ tiêu chuẩn Việt Nam và thế giới.
Đồng thời, các nhà máy sản xuất thép hàng đầu Việt Nam cũng sớm áp dụng công nghệ và công tác quản trị với việc đầu tư phần mềm quản trị doanh nghiệp (SAP- ERP) từ năm 2008. Một số doanh nghiệp ngành thép đã cải tiến, đầu tư công nghệ, hệ thống quản lý chất lượng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nỗ lực trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao nâng suất và chất lượng sản phẩm nhằm hướng tới thị trường quốc tế, nâng cao vị trí cạnh tranh. Để phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy thế mạnh và chú trọng tiếp cận khoa học, bắt kịp xu hướng cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay.
Những cải tiến, nâng cấp về công nghệ hứa hẹn những bước tiến nổi bật về chất lượng và sản lượng sản phẩm được xuất khẩu. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, dây chuyền sản xuất hiện đại, sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các thị trường. Giai đoạn 2016 – 2020, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam có sự bứt phá mạnh, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 12,3%/năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép ghi nhận mức cao nhất 3,32 tỷ USD vào năm 2019, nhưng sau đó giảm 7,9% vào năm 2020, đạt 3,05 tỷ USD. Nguyên nhân sụt giảm là do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 khiến chuỗi giá trị toàn cầu bị gián đoạn trong những tháng đầu năm 2020.
Nhiều nước áp dụng biện pháp giãn cách xã hội nhằm hạn chế tình trạng lây lan của dịch Covid-19 khiến gián đoạn nguồn cung ứng, trong khi các hoạt động sản xuất bị đình trệ, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ sắt thép chậm lại, giá giảm. Mặc dù vậy, Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, đã trở thành một trong những nguồn cung ứng hàng hóa quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép trong năm 2020 mặc dù giảm so với năm 2019, nhưng vẫn đạt giá trị xuất khẩu ở mức cao so với các năm từ 2016 - 2018.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 và 7 tháng
Năm 2020 do giá sắt thép tăng mạnh, nguyên nhân do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ các thị trường tăng mạnh sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh.
Nguồn cung sản phẩm từ sắt thép toàn cầu giảm do Trung Quốc thực hiện chính sách kiểm soát sản lượng tại khu vực Đường Sơn kết hợp với kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các thành phố sản xuất quặng sắt. Bên cạnh đó, chính sách nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường phế liệu toàn cầu năm 2021 sau khi Trung Quốc kiểm soát được dịch Covid-19 và thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng mở đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021-2025), theo đó nhu cầu nhập khẩu sản phẩm từ sắt thép của Trung Quốc tăng và tác động tăng giá mặt hàng này trên toàn cầu.
Tại châu Âu và Mỹ, việc thiếu hụt nguồn cung sản phẩm từ sắt thép do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời gian giao hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kéo dài là nguyên nhân chính khiến mặt hàng này tăng mạnh. Trong khi đó, Việt Nam nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm 2021 nên sản xuất phục hồi, giúp thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu mặt hàng này.
Cơ cấu thị trường:
Giai đoạn 2016 – 2020, xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính ghi nhận mức tăng trưởng cao. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép lớn nhất của Việt Nam, tốc độ xuất khẩu tăng trưởng bình quân 18,03%/năm, từ 339,56 triệu USD năm 2016 tăng mạnh lên 623,35 triệu USD năm 2020.
Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam sang một số thị trường có tiềm năng lớn như Campuchia, Ấn Độ tăng trưởng bình quân tới 41,57%/năm và 44,54%/năm, từ 68,27 triệu USD và 51,45 triệu USD vào năm 2016 tăng lên 160,83 triệu USD và 137,68 triệu USD vào năm 2020.
Cập nhật số liệu thống kê mới nhất, trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính đều ghi nhận mức tăng cao so với 7 tháng đầu năm 2020. Đơn cử như: tốc độ xuất khẩu mặt hàng sang thị trường Mỹ tăng 62%, đạt 530,1 triệu USD; Đức tăng 54,1%, đạt 103,26 triệu USD; Ấn Độ tăng 56,3%, đạt 99,36 triệu USD; Phần Lan tăng 135,8%, đạt 88,85 triệu USD; Australia tăng 53,5%, đạt 76,88 triệu USD. Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép sang thị trường Bangladesh tăng tới 1.163,4%, đạt 48,87 triệu USD.
Tăng/giảm xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam sang 10 thị trường lớn nhất giai đoạn 2016 – 2020 (ĐVT: nghìn USD)
Thị trường | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Tăng/giảm bình quân (%) |
Mỹ | 339.561 | 361.687 | 503.378 | 674.863 | 623.354 | 18,03 |
Nhật Bản | 289.865 | 343.355 | 865.858 | 479.869 | 483.140 | 31,68 |
Campuchia | 68.272 | 79.127 | 219.092 | 160.341 | 160.826 | 41,57 |
Hàn Quốc | 84.606 | 118.829 | 158.471 | 175.060 | 154.829 | 18,18 |
Ấn Độ | 51.456 | 69.535 | 187.896 | 184.507 | 137.682 | 44,54 |
Đức | 82.776 | 88.313 | 109.688 | 107.795 | 131.260 | 12,73 |
Thái Lan | 131.152 | 168.626 | 228.610 | 180.934 | 122.536 | 2,75 |
Hà Lan | 78.335 | 72.137 | 103.991 | 88.352 | 112.341 | 12,09 |
Canada | 96.751 | 44.851 | 118.166 | 67.091 | 91.599 | 25,78 |
Australia | 62.154 | 84.023 | 185.415 | 116.973 | 80.568 | 21,96 |
Có sự chuyển biến về cơ cấu thị trường xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép trong giai đoạn 2016 - 2020, nhờ đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, nên tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng sắt thép sang các thị trường này tăng.
Nếu như năm 2016, tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng sang thị trường Mỹ chiếm 17,11% trong tổng giá trị thì năm 2020 tăng lên 20,41%; Nhật Bản tăng từ 14,61% trong năm 2016 lên 15,82%; Hàn Quốc tăng từ 4,26% năm 2016 lên 5,07%; Đức tăng từ 4,17% năm 2016 lên 4,30% năm 2020.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam sang các thị trường trên tiếp tục tăng. Cụ thể: tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam sang thị trường Mỹ chiếm 23,54% trong tổng giá trị 7 tháng đầu năm 2021, cao hơn so với tỷ trọng 19,2% trong 7 tháng đầu năm 2020. Tương tự, tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Phần Lan, Australia tăng trong 7 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020.
Nhận định và đánh giá triển vọng xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép thời gian tới
Với kết quả đạt được rất ấn tượng trong giai đoạn 2016 – 2020 và trong 7 tháng đầu năm 2021, bất chấp diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ 4, xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Nhận định trên dựa vào các yếu tố (i) Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ sắt thép sẽ tăng mạnh trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát; (ii) Việt Nam đã thành công trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam nhờ áp dụng công nghệ 4.0 đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm tại các thị trường “khó tính”.
Mặc dù Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép, tốc độ xuất khẩu tăng trưởng cao, nhưng vẫn còn hạn chế về công nghệ. Phát triển ngành sản xuất sắt thép trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở cho ngành này nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc nắm bắt kịp thời cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình sản xuất sản phẩm từ sắt thép là một cơ hội đổi mới và phát triển ngành này trong tương lai. Nếu các doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội này thì sẽ bị bỏ lại phía sau so với các doanh nghiệp quốc tế.
Do đó, việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam gia nhập công nghiệp 4.0. Nhãn mác “sản xuất tại Việt Nam” phải nhanh được thay thế bằng “Nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam”.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ sắt thép cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bởi việc ứng dụng công nghệ số giúp giảm chi phí đồng bộ từ các khâu giao dịch, vận chuyển để hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh mô hình quản lý. Đây chính là tiền đề để hướng các nghiên cứu khoa học vào tìm kiếm sản phẩm từ sắt thép thông minh gắn với xây dựng đô thị văn minh, kiến trúc đô thị. Do đó, phát triển nguồn nhân lực là vấn đề tiên quyết để ngành sản xuất sản phẩm từ sắt thép có thể đáp ứng với yêu cầu phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 theo chuẩn khu vực và quốc tế.