Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của thế giới đối với sản phẩm nhựa dưới tác động của Covid-19
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid - 19 tác động đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề gặp khó khăn, trong đó có ngành công nghiệp nhựa, nhưng năm 2020 ngành nhựa vẫn duy trì khá tốt được hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng.
Sản phẩm nhựa của Việt Nam không chỉ được sử dụng rộng rãi tới các mặt của đời sống, phục vụ cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp, trong đó có cả những ngành công nghệ cao, mà còn xuất khẩu đi hơn 160 thị trường trên thế giới.
Trong giai đoạn năm 2016 - 2019, xuất khẩu mặt hàng sản phẩm nhựa liên tục tăng trưởng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 17,2%/năm, từ kim ngạch 2,14 tỷ USD trong năm 2016, lên mức 3,44 tỷ USD trong năm 2019.
Trong năm 2020, dịch Covid-19 đã làm cho xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong các tháng đầu năm, nhưng đã phục hồi nhanh từ những tháng cuối năm 2020 và bứt phá mạnh trong 7 tháng đầu năm 2021.
Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covìd- 19 nhưng trong năm 2020 xuất khẩu sản phẩm nhựa Việt Nam vẫn tăng trưởng khá. Đây là kết quả của việc nhiều doanh nghiệp nhựa mạnh dạn đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm mới và sử dụng hiệu quả các kênh tiếp thị, bán hàng trực tuyến. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa trong năm 2020 đạt 3,65 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.
7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam đạt 2,33 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy còn nhiều thách thức, nhưng với sự tăng trưởng ổn định và liên tục trong những tháng vừa qua cho thấy xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam đã tăng trở lại so với thời điểm trước dịch và còn tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành Nhựa Việt Nam đã nắm bắt được xu hướng dịch chuyển sản xuất của thế giới. Bên cạnh việc giữ vững, đạt mức tăng trưởng tốt ở những thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và Trung Quốc thì mặt hàng sản phẩm nhựa của Việt Nam đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác.
Túi nhựa là sản phẩm nhựa chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao nhất trong giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng bình quân của mặt hàng túi nhựa không cao vì trong những năm gần đây rất nhiều thị trường lớn của sản phẩm túi nhựa của Việt Nam như Nhật Bản và một số thị trường EU như Hà Lan, Đức đều hạn chế hoặc cấm sử dụng sản phẩm túi nhựa dùng một lần, khó phân hủy ảnh hưởng đến môi trường.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm túi nhựa trong năm 2020 đạt 910 triệu USD, tăng 46,3% so với năm 2016. Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm túi nhựa chiếm 25,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa trong năm 2020, giảm 3,2 điểm phần trăm so với năm 2016.
Các mặt hàng sản phẩm nhựa khác của Việt Nam xuất khẩu trong giai đoạn 2016 - 2020 cũng nhiều biến động theo nhu cầu của các thị trường xuất khẩu nhựa như: tăng cường xuất khẩu các mặt hàng dùng trong cuộc sống hàng ngày hay sử dụng cho xây dựng như tấm, phiến, màng nhựa, sản phẩm nhựa gia dụng, đồ dùng trong xây lắp...
Bên cạnh đó, cơ cấu chủng loại mặt hàng sản phẩm nhựa xuất khẩu của Việt Nam đã dịch chuyển khá rõ dưới tác động của dịch Covid-19. Thói quen mua sắm của người dân như ở một số thị trường lớn của mặt hàng nhựa như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc... đã chuyển từ hàng hoá cơ bản sang những hàng hóa phục vụ cho việc làm đẹp tại nhà hoặc xây dựng, sửa sang trang trí nhà cửa trong thời gian dịch Covid-19 do người dân ở nhà nhiều hơn. Thị trường nhà mới đang được thúc đẩy nhờ số lượng căn tồn ở gần mức thấp kỷ lục, đặc biệt là những nhà cấp thấp. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu về chỗ ở rộng rãi và đắt tiền hơn khi hàng triệu người phải làm việc và học tập tại nhà.
Chính vì vậy, sản phẩm nhựa Việt Nam tập trung xuất khẩu các mặt hàng mà trong thời kỳ dịch bệnh mọi người ở nhà nhiều hơn nên dành nhiều thời gian làm đẹp hay sửa sang, trang trí nhà cửa như tấm, phiến, màng nhựa; sản phẩm nhựa gia dụng; vải bạt; đồ dùng trong xây dựng; linh kiện lắp đặt đồ đạc trong nhà, xe cộ; vỏ mỹ phẩm…và giảm tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng như túi nhựa.
Đáng chú ý, tấm, phiến, màng nhựa là mặt hàng lớn có tỷ trọng xuất khẩu trong năm 2020 đạt 21,5%, tăng 6,3 điểm phần trăm so với năm 2016. Trong 7 tháng đầu năm 2021, sản phẩm tấm, phiến, màng nhựa thay thế túi nhựa trở thành sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam. Sản phẩm nhựa này xuất khẩu tăng trưởng mạnh là do nhu cầu của thị trường Mỹ tăng mạnh nhất là đối với các mặt hàng tấm trải sàn bằng plastic dạng rời; mút xốp; cuộn nhựa…Ngoài ra, sản phẩm nhựa này được xuất khẩu nhiều nhất đến các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và một số thị trường ASEAN với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng rất mạnh.
Ngoài ra, các mặt hàng đồ dùng trong xây lắp, vỏ mỹ phẩm của Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2021 là do xuất khẩu tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Theo dõi tình hình xuất khẩu sản phẩm nhựa Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021 nhận thấy, cơ cấu sản phẩm nhựa xuất khẩu của Việt Nam xuất trong 7 tháng đầu năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2020 có sự thay đổi đáng kể. Trong nhóm cơ cấu về 5 mặt hàng sản phẩm nhựa lớn nhất, sản phẩm đồ dùng trong xây lắp thay thế cho sản phẩm nhựa công nghiệp trở thành một trong 5 sản phẩm nhựa xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021.
Tấm, phiến, màng nhựa thay thế túi nhựa trở thành sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021. Trong khi tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm túi nhựa giảm từ 27,7% trong 7 tháng đầu năm 2020 xuống 19,6% trong 7 tháng đầu năm 2021 thì tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm tấm, phiến màng nhựa tăng từ 19,4% trong 7 tháng đầu năm 2020 lên 20,3% trong 7 tháng đầu năm 2021.
Trong giai đoạn năm 2016-2019, Nhật Bản giữ vững là thị trường lớn nhất của sản phẩm nhựa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2020, do tác động dịch Covid, một số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng rất mạnh như tấm, phiến, màng nhựa và đồ dùng trong xây lắp do nhu cầu cao nên Mỹ thay thế Nhật Bản trở thành thị trường lớn nhất của sản phẩm nhựa xuất khẩu Việt Nam.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, các sản phẩm nhựa của Việt Nam xuất khẩu tới hơn 150 thị trường. Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất của sản phẩm nhựa xuất khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021, chiếm tới 36,8% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa, đạt 1,01 tỷ USD, tăng 93,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Các mặt hàng đồ dùng trong xây lắp của Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ là một trong nguyên nhân dẫn đến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa sang Mỹ tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm 2021. Sản phẩm nhựa này đáp ứng nhu cầu của người Mỹ trong xây dựng, sửa sang trang trí nhà cửa như tấm sàn nhựa, ván sàn nhựa, rèm treo cửa, tấm trải sàn…Và một mặt hàng khác cũng đẩy mạnh sang thị trường Mỹ là các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu làm đẹp như là bộ móng tay nhựa, dũa móng…
Theo ITC, trong 6 tháng đầu năm 2021, mặt hàng nhưạ đồ vật dùng trong xây lắp (HS 3925) xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1,27 tỷ USD. Chứng tỏ nhu cầu sản phẩm nhựa đồ vật dùng trong xây lắp của thị trường Mỹ trong năm 2021 là rất lớn.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 5 cung cấp mặt hàng sản phẩm nhựa này cho thị trường Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2021 với kim ngạch tăng khá mạnh, đạt 108,2 triệu USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8,5% tổng trị giá nhập khẩu của thị trường Mỹ. Sản phẩm nhựa đồ dùng trong xây lắp (HS 3925) của Việt Nam có nhiều triển vọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong năm 2021 do nhu cầu mặt hàng này tại thị trường Mỹ đang tăng mạnh.
Một số thị trường lớn cung cấp mặt hàng đồ vật dùng trong xây lắp (HS 3925) cho thị trường Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2021
Thị trường | 6 tháng/2021 (nghìn USD) | Tỷ trọng (%) | So với 6 tháng/2020 (%) |
Tổng | 1.269.871 | 100,0 | 33,1 |
Canada | 372.576 | 29,3 | 28,8 |
Trung Quốc | 291.132 | 22,9 | 30,6 |
Mêhicô | 171.157 | 13,5 | 47,1 |
Campuchia | 168.646 | 13,3 | 41,7 |
Việt Nam | 108.236 | 8,5 | 29,5 |
Đài Loan | 51.135 | 4,0 | 25,5 |
Đức | 22.492 | 1,8 | 77,7 |
Ba Lan | 15.383 | 1,2 | 19,0 |
Anh | 11.514 | 0,9 | -6,7 |
Bỉ | 8.023 | 0,6 | 118,1 |
Litva | 6.767 | 0,5 | 71,5 |
Malaysia | 4.790 | 0,4 | 153,3 |
Thái Lan | 4.157 | 0,3 | -12,3 |
Ấn Độ | 3.502 | 0,3 | 80,0 |
(Nguồn:Theo thống kê của ITC)
Khả năng cạnh tranh của sản phẩm nhựa Việt Nam được nâng cao, thị phần mặt hàng sản phẩm nhựa xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới tăng. So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam có một số lợi thế để tranh thủ sự dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng, như chính trị - xã hội ổn định, nguồn lao động trẻ dồi dào, tiềm năng thị trường gần 100 triệu dân với tầng lớp khá giả ngày càng tăng... Mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia được nhiều doanh nghiệp đánh giá là một lợi thế lớn của Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư di chuyển sản xuất sang Việt Nam nhằm tiếp cận các thị trường có FTA với Việt Nam. Đơn cử như, FTA Việt Nam - EU (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8-2020, tạo cho Việt Nam lợi thế đi trước hầu hết các nước trong khu vực từ 7 - 10 năm về đặc quyền tiếp cận thị trường EU rộng lớn với cam kết giảm thuế quan đối với gần 100% dòng thuế.
Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhựa trong bối cảnh khó khăn đã cho thấy, các sản phẩm nhựa của Việt Nam đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng, khẳng định vị trí quan trọng của ngành sản xuất nhựa trong tổng thể lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói chung. Tại thị trường nước ngoài, sản phẩm nhựa của Việt Nam đã được đánh giá là có khả năng cạnh tranh cao do công nghệ sản xuất một bộ phận lớn đã tiếp cận với trình độ hiện đại của thế giới. Sản phẩm nhựa của Việt Nam đã được tiêu thụ ở cả những thị trường có nền công nghiệp phát triển và khó tính trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, EU,...
Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của thế giới đối với sản phẩm nhựa dưới tác động của Covid 19:
Dịch COVID-19 đã dẫn đến những biến đổi lớn trên thị trường chất dẻo toàn cầu, khiến cho các nhà sản xuất polyme phải vất vả chuyển hướng và điều chỉnh trong thời gian ngắn. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa xuất khẩu Việt Nam cũng điều chỉnh với xu hướng mới của thế giới.
Dịch bệnh COVID-19 đã làm bộc lộ những khó khăn khi cung ứng các sản phẩm nhựa bị gián đoạn, không kịp thời do mạng lưới chuỗi cung ứng trải rộng toàn cầu cũng như nhiều chuỗi cung ứng quá phụ thuộc vào các trung tâm sản xuất và các thị trường lớn, nhất là Trung Quốc. Bên cạnh việc tối ưu hóa sản xuất và chi phí, việc dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng còn nhằm để phân tán và giảm thiểu rủi ro. Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc ngày càng quyết liệt, xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu đang thể hiện mạnh mẽ, đặt ra cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
Có thể thấy, dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc thực chất là một xu hướng khách quan đã diễn ra trong nhiều năm nay với động lực chính được thúc đẩy bởi mục tiêu lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất, chi phí và sự phát triển của khoa học - công nghệ. Dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, xu hướng này được đẩy mạnh hơn, bởi ngoài các động lực nói trên nay có thêm động lực phân tán và giảm thiểu rủi ro.