Tìm kiếm thị trường mới để cây hồi Lạng Sơn phát triển bền vững
Là loại cây trồng lâu năm mang lại nguồn lợi kinh tế cao, nên điều được nhiều người trồng hồi ở Lạng Sơn quan tâm là cách chăm sóc để cây cho năng suất cao, chất lượng tốt nhất và có thời gian khai thác lâu dài.
Gọi là hoa nhưng hoa hồi thực chất là quả hồi có 5-8 cánh hình thoi. Cây hồi không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, sau khi trồng cây giống khoảng 7-8 năm, cây sẽ cho thu hoạch. Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, hoa hồi Lạng Sơn luôn được đánh giá là sản phẩm có chất lượng tốt nhất, hàm lượng tinh dầu cao và đặc biệt trong tinh dầu không có thành phần gây hại cho sức khỏe con người.
Theo thống kê của Hiệp hội Gia vị thế giới, Việt Nam đứng thứ 2 sau Trung Quốc về sản lượng Hồi. Trong đó, Lạng Sơn hiện là tỉnh có diện tích và sản lượng Hồi lớn nhất cả nước. Tính đến nay, tổng diện tích hoa Hồi toàn tỉnh là hơn 33.738 ha, trong đó, vùng Hồi ở các huyện Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng có diện tích trên 25.000 ha, chiếm 74,1% trong tổng số diện tích Hồi toàn tỉnh.
Hồi là loài cây có giá trị kinh tế cao, cho ra các sản phẩm đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: Dược liệu, hương liệu, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ... với thị trường tiêu thụ rộng, bao gồm các thị trường lớn như Mỹ, các nước châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, một số nước Đông Nam Á. Là một trong những cây trồng lâm nghiệp chủ lực của tỉnh, trong những năm qua, nguồn thu nhập từ cây Hồi đã giúp người dân trong tỉnh nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. Vốn đầu tư trồng Hồi ban đầu tuy cao nhưng giá trị hưởng lợi lâu dài, có thể thu hái hàng chục năm. Từ đó có thể thấy, tiềm năng và giá trị kinh tế cây Hồi mang lại là rất lớn.
Tuy nhiên, với tập quán canh tác lạc hậu, hạn chế về áp dụng khoa học kỹ thuật, chất lượng cây giống chưa đảm bảo, quy trình bón phân, chăm sóc, cắt tỉa cây, phòng trừ sâu bệnh chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật dẫn đến cây kém phát triển, nhiều diện tích rừng Hồi đã cho thu hoạch nhiều năm đang dần thoái hóa, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, làm giảm hiệu quả kinh tế, sản phẩm khó đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, là trở ngại cho việc phát triển bền vững cây Hồi trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cây Hồi, một trong các giải pháp hiệu quả đó là sản xuất Hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ. Trồng Hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ đang được tỉnh khuyến khích và hỗ trợ thông qua các dự án đầu tư tại các huyện, điển hình như tại huyện Chi Lăng (174 ha), Bình Gia (131 ha), Văn Quan (trên 400 ha). Từ tập quán canh tác lạc hậu theo kiểu truyền thống đến áp dụng các quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất như làm đất, chọn giống, bón phân hữu cơ, chế độ tưới tiêu hợp lý, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm an toàn... việc trồng Hồi hữu cơ đang cho thấy những tín hiệu tích cực: cây sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh, sản lượng tăng từ 15-20%. Các sản phẩm tạo ra từ Hồi hữu cơ có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu về an toàn cho người sử dụng, được người tiêu dùng trong nước và thế giới rất ưa chuộng, đã giúp giá trị sản phẩm Hồi tăng cao.
Hiện tỉnh Lạng Sơn đã có một quy trình đầy đủ đối với sản xuất hồi, từ giai đoạn chuẩn bị cây giống cho đến trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế, chế biến… Dù vậy, người trồng hồi vẫn mong muốn các nhà khoa học có những nghiên cứu sâu hơn về loại cây này để bà con có thể thâm canh bền vững, duy trì năng suất theo từng năm và nhất là có hướng chế biến sản phẩm hoa hồi tại chỗ, hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Để phát triển bền vững cây hồi, tỉnh Lạng Sơn cần làm tốt hơn việc định hướng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn về quản lý rừng bền vững và sản xuất hữu cơ, áp dụng các quy trình kỹ thuật mới như làm đất, chọn giống, phân bón và chế độ tưới tiêu hợp lý, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm sinh học an toàn...
“Hương hồi xứ Lạng” không chỉ được biết đến qua các ca từ lấp lánh của nhạc sỹ Ngô Quốc Tính mà còn nổi danh là loại gia vị đặc thù của tỉnh Lạng Sơn. Năm 2007, Chỉ dẫn địa lý Hoa hồi Lạng Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ. Tiếp đó, năm 2020, Chỉ dẫn địa lý Hoa hồi Lạng Sơn tiếp tục được công nhận vào bảo hộ tại Liên minh châu Âu (EU). Năm 2022, Thông qua Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Cục Sở hữu trí tuệ đã có kế hoạch hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Hoa hồi Lạng Sơn tại thị trường khó tính Nhật Bản.