Dừa xiêm xanh - đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bến Tre
Bến Tre là tỉnh có quy mô diện tích trồng dừa chiếm phần lớn diện tích của cả nước và cây dừa được trồng tập trung thành vùng nguyên liệu lớn. Khoảng hơn 20% diện tích dừa Bến Tre trồng các giống dừa thuộc nhóm dừa uống nước.
Trước kia, dừa uống nước Xiêm Xanh được xem là cây trồng phụ, chỉ trồng xen trong những vườn dừa ta và vườn cây ăn quả để lấy nước giải khát hoặc chế biến món ăn. Tuy nhiên, danh tiếng về chất lượng của dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre ngày càng được biết đến rộng rãi nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao và có lợi cho sức khỏe con người. Do đó, nhu cầu tiêu thụ dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre ngày càng tăng cao và cây dừa uống nước Xiêm Xanh dần trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao tại Bến Tre. Trước những lợi thế có được, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã có nhiều chủ trương, chính sách và dự án nhằm thúc đẩy ngành dừa phát triển để phát triển ngành dừa là một ngành kinh tế chủ lực của địa phương, tạo lợi thế cạnh tranh cho dừa uống nước Xiêm Xanh ở thị trường trong và ngoài nước.
Ngày 26/01/2018, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 298/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00063 cho sản phẩm dừa uống nước Xiêm Xanh “Bến Tre” nổi tiếng. Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre có các đặc điểm hình thái nổi bật và dễ nhận biết. Quả dừa nhỏ, vỏ bên ngoài màu xanh, nước có vị ngọt đậm hơn so với nước của quả dừa uống nước Xiêm Xanh trồng ở các vùng khác.
Quả dừa Bến Tre
Vùng trồng dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre có địa hình, đất đai, khí hậu rất thích hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của dừa, vì thế dừa uống nước Xiêm Xanh Bến tre mới có được đặc thù và danh tiếng như vậy. Địa hình của khu vực địa lý bằng phẳng, có độ cao trung bình từ 1 đến 2 mét so với mực nước biển, thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam với những giồng cát hình cánh cung trên vùng ven biển cổ được hình thành qua quá trình bồi lắng trầm tích biển. Vùng đất Bến Tre là một dạng cù lao lớn ở cửa sông Cửu Long, được hình thành do quá trình bồi tụ phù sa của những “đảo cửa sông” từ hàng ngàn năm qua. Những nhánh sông chia cắt giữa các cù lao dần dần bị lấp nghẽn bởi lượng phù sa ngày càng lớn và các cù lao chắp lại với nhau tạo nên Bến Tre ngày nay. Từ trước đến nay, dừa là cây trồng lâu năm và chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống cây trồng của tỉnh Bến Tre do sự thích nghi đặc biệt với sa cấu đất phù sa nơi đây. Cây dừa và hoạt động sản xuất, chế biến dừa đã tạo nên một diện mạo kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường đặc biệt trên vùng đất hạ nguồn sông Cửu Long.
Vùng trồng dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre nằm trọn trên ba dãy cù lao gồm cù lao An Hoá, cù lao Bảo, cù lao Minh. Bến Tre là những cụm cù lao cuối cùng nhận lượng phù sa giàu dinh dưỡngcủa dòng nước sông Cửu Long trước khi chảy ra biển, nhờ đó cây dừa xanh tốt hơn và cho năng suất cao hơn các vùng khác. Đặc thù thổ nhưỡng của khu vực địa lý là đất sét pha thịt, tỷ lệ cát chiếm khoảng 12%. Đất hơi chua, hàm lượng pHH2O trung bình 5,34 ± 0,07, hàm lượng Lân dễ tiêu trung bình 1,81 ± 0,72mg/100g, hàm lượng Kali trung bình 0,38 ± 0,18meq/100g, hàm lượng Kẽm trung bình 7,83 ± 1,38ppm. Khu vực địa lý nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, lượng mưa trung bình trong năm từ 1.200 - 1.600mm, nhiệt độ trung bình năm từ 25 - 29oC. Độ ẩm trung bình năm 81 - 82%. Biên độ dao động nhiệt độ ngày đêm từ 4 - 8oC.
Bên cạnh điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho sự phát triển của cây dừa uống nước Xiêm Xanh, tập quán canh tác của người dân Bến Tre cũng làm cho sản phẩm dừa uống nước Xiêm Xanh thêm đặc thù mà chỉ vùng đất này mới có được. Trong quá trình sản xuất, người dân canh tác vẫn luôn cho đất thở hàng năm bằng cách vét mương, bồi bùn. Phương pháp kết hợp giữa tập quán chăm sóc và việc áp dụng quy trình kỹ thuật mang tính khoa học đã giúp cho cây dừa lúc nào cũng xanh tươi, đạt năng suất và chất lượng cao. Việc đào mương, lên liếp trồng dừa có thể nói là một trong những cách mà người dân Bến Tre đã áp dụng để cây dừa Xiêm Xanh thích nghi với môi trường sống. Và cũng nhờ có hệ thống mương và chế độ bán nhật triều của sông rạch xứ dừa, người dân có thể lấy bùn lắng trong mương vườn từ phù sa sông và chất hữu cơ để vun đắp cho cây dừa xanh tốt. Hệ thống mương vườn còn giúp người dân chủ động dự trữ nước ngọt trong mùa mưa và tưới bổ sung cho dừa vào mùa nắng hạn.
Khu vực địa lý: Huyện Châu Thành, huyện Chợ Lách, huyện Giồng Trôm, huyện Mỏ Cày Nam, huyện Mỏ Cày Bắc, huyện Thạnh Phú, huyện Ba Tri, huyện Bình Đại và thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.