Chính phủ Pakistan cấm nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ và không thiết yếu
Do đồng nội tệ Pakistan mất giá mạnh trong tuần vừa qua, có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng kinh tế, ngày 18/05/2022 Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif ra quyết định cấm nhập khẩu 38 mặt hàng xa xỉ và không thiết yếu.
Ngoài ra thuế nhập khẩu máy móc tăng 10 %, hàng điện lạnh tăng 50 %, máy phát điện tăng 30 %, hàng kim khí 10 %, ô tô dung tích động cơ trên 1000cc tăng 130 %, hàng gốm sứ tăng 40 %, điện thoại di động tăng 6.000-44.000 rupee/chiếc.
Thủ tướng Shehbaz Sharif kêu gọi thắt lưng buộc bụng và động viên các công dân có khả năng tài chính đóng góp nhiều hơn để giải cứu đất nước khỏi tình trạng thiếu ngoại tệ. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp Pakistan tỏ ra không tin vào hiệu quả của quyết định này. Họ cho rằng chính phủ đã ra quyết định mà không tham khảo ý kiến của các thành phần kinh tế liên quan.
Nhiều mặt hàng bị cấm nhập khẩu Pakistan không sản xuất được hoặc sản xuất không đủ cho nhu cầu. Hậu quả là người dân thường sẽ không có hàng để mua hoặc không thể mua được vì giá quá cao.
Ngoài ra quyết định này còn thủ tiêu cạnh tranh, không khuyến khích sản xuất trong nước nâng cao chất lượng. Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng nguyên nhân chính của khó khăn kinh tế hiện nay của Pakistan là những yếu kém trong chính sách điều hành nền kinh tế trong đó có chính sách trợ giá xăng dầu quá mức.
Đã đến lúc chính phủ Pakistan phải chấp nhận những quyết định khó khăn đồng thời xử lý cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay với tinh thần quyết liệt như tuyên bố chiến tranh để lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã xuống thấp tới mức không thể thấp hơn. Đã đến lúc các đảng phái chính trị của Pakistan phải từ bỏ việc lợi dụng thời thế để tranh công đổ lỗi, trái lại nên gác lại quyền lợi và sự khác biệt để cứu đất nước Pakistan và cũng là cứu chính mình.
Đã đến lúc các đảng phái chính trị của Pakistan phải thỏa hiệp và chấp nhận một “Hiến chương kinh tế” cho Pakistan và đảm bảo mọi hoạt động chính trị không được làm thất bại “Hiến chương kinh tế” đó.