Indonesia bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ
Theo tuyên bố của Tổng thổng Indonesia ông Joko Widodo (Jokowi) vào ngày 19/05/2022, kể từ ngày 23/05/2022 tới đây, nước này sẽ bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ (bao gồm cả dầu CPO và dầu ăn) được áp dụng từ ngày 28/04/2022 nhằm mục đích bình ổn giá dầu ăn trong nước vốn ở mức cao, tránh các bất ổn xã hội vào thời điểm đó.
Theo tổng thống Jokowi, việc nước này cho phép xuất khẩu trở lại các sản phẩm dầu cọ được đưa ra trên cở sở nguồn cung dầu ăn đã dồi dào và giá bán dầu ăn tại thị trường nội địa đã có điều chỉnh giảm về mức 17.200 (1.18 USD)-17.600 Rp/lít (1,21 USD) (giá bình quân trên cả nước) cũng như tính đến phúc lợi của khoảng 17 triệu người lao động làm việc trong toàn chuỗi cung ứng ngành dầu cọ. Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thị trường dầu ăn trong nước nhằm đảm bảo duy trì nguồn cung dồi dào với giá cả hợp lý đồng thời sẽ cải cách cơ quan Quản lý Quỹ dầu cọ theo hướng tinh giản và hiệu quả, gia tăng khả năng ứng phó trước những biến động của thị trường dầu ăn trong nước, nhằm bảo vệ người dân. Đồng thời, chính phủ cũng sẽ tiếp tục mở rộng điều tra và truy tố đối tượng liên quan tới vụ việc thao túng thị trường dầu ăn trong nước, gây tổn hại cho người dân.
Chính phủ Indonesia đã phải nhượng bộ trước sức ép to lớn từ chính lệnh cấm này mang lại trong bối cảnh giá thu mua cọ nguyên liệu giảm mạnh xuống thấp hơn giá thành sản xuất, gây ra phản ứng mạnh mẽ của nông dân trồng cọ và nhiều cuộc biểu tình của người nông dân trồng cọ đã nổ ra. Năng lực chứa dầu của Indonesia (khoảng 6 triệu lít) đã gần chạm đỉnh khi đã đạt tới ngưỡng 5,8 triệu lít vào đầu tháng 5/2022 và nếu nước này không cho xuất khẩu dầu trở lại vào cuối tháng 5/2022 thì sẽ không còn đủ chỗ chứa. Theo Hiệp hội dầu cọ Indonesia, ngành dầu cọ của của nước này sẽ phải ngừng hoạt động vào tháng giữa tháng 6/2022 nếu lệnh cấm xuất khẩu tiếp tục được duy trì. Chính phủ cũng phải chịu sức ép gia tăng từ Quốc hội nước này yêu cầu Chính phủ phải xem xét lại quyết định cấm xuất khẩu dầu cọ khi ngày càng có nhiều nghị sĩ quốc hội đã bày tỏ sự phản đối việc áp dụng lệnh cấm này do những tổn thất mang lại đối với người lao động trong ngành dầu cọ cũng như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu dầu.
Theo số liệu thống kê Indonesia, sản lượng dầu cọ của Indonesia sản xuất trong năm 2021 đạt 46,88 triệu tấn, giảm 0,31% so với năm 2020 với mức sản lượng đạt trong năm này là 47,03 triệu tấn. Sản lượng dầu cọ tiêu dùng trong nước đạt mức 18,42 triệu tấn, tăng 6% so với mức 17.34 triệu tấn của năm 2020.
Sản lượng dầu cọ và các sản phẩm dầu cọ xuất khẩu của Indonesia trong năm 2021 đạt 34,2 triệu tấn, tăng 0,6% so với năm 2020 (sản lượng xuất khẩu là 34 triệu tấn). Giá trị kim ngạch xuất khẩu thu được từ dầu cọ năm 2021 đạt 35 tỷ USD, tăng tới 52% so với năm 2020 (ở mức 22,9 tỷ USD) do giá dầu cọ trong năm 2021 tăng mạnh.
Năm 2022, Indonesia phấn đấu đạt mức sản lượng 49 triệu tấn dầu cọ và sản lượng dầu từ hạt dầu cọ là 4,8 triệu tấn. Tổng sản lượng dầu dự kiến đạt 53,8 triệu tấn, tăng 4,87% so với năm 2021 (đạt mức 52,3 triệu tấn trong đó 46,88 triệu tấn dầu và 5,42 triệu tấn dầu từ hạt dầu cọ). Dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu trong năm 2022 của nước này là 20,59 triệu tấn. Sản lượng dầu dự kiến xuất khẩu là 33,21 triệu tấn.