Tổng quan ngành đánh bắt và khai thác hải sản Úc
Ngành công nghiệp đánh bắt đã gặp khó khăn trong năm năm qua. Doanh thu ngành công nghiệp giảm 0,6%/năm và đạt 1,4 tỷ đô la trong năm 2014-15. Sự sụt giảm liên tục của nguồn đánh bắt, sự gia tăng cạnh tranh từ hàng nhập khẩu và thủy sản nuôi trồng, chi phí hoạt động tăng cao, và các quy định chặt chẽ về hạn ngạch đánh bắt để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đã ảnh hưởng đến doanh thu của ngành.
Các nhà khai thác đã phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản. Ngành nuôi trồng thuỷ sản ngày càng bền vững hơn so với ngành đánh bắt tự nhiên. Hơn nữa, thuỷ sản nhập khẩu từ nước ngoài có giá thấp hơn đã tràn ngập thị trường, làm cho sản phẩm đánh bắt tự nhiên có giá cao ít được tiêu thụ hơn. Chi phí hoạt động tiếp tục tăng trong năm năm qua, đặc biệt là chi tiêu cho bảo dưỡng tàu, thiết bị dẫn đường và nhiên liệu. Do vậy, nhiều nhà khai thác đã buộc phải ra khỏi ngành công nghiệp này do lợi nhuận ngày càng suy giảm.
Tuy nhiên, một điểm sáng cho ngành là nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường nước ngoài, đặc biệt là ở châu Á, đã giúp duy trì kim ngạch xuất khẩu trong năm năm qua và dự báo sẽ giúp ngành tăng trưởng 0,9%/năm trong vòng năm năm tới và đạt giá trị 1,5 tỷ đô la vào năm 2019-2020.
Hồng Kông, Trung Quốc và Nhật Bản là ba thị trường xuất khẩu chính, chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp đánh bắt. Thu nhập cao của Hồng Kông và Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm có giá trị cao như tôm hùm, bào ngư, tôm càng. Nhật Bản là khách hàng lớn truyền thống của Úc do cá đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống của nước này. Ngoài ra, nguồn cung trong nước Nhật ngày càng hạn hẹp, đặc biệt là cá ngừ, đã góp phần làm gia tăng nhu cầu nhập khẩu từ Úc trong năm năm qua.
Tổng quan ngành đánh bắt, khai thác hải sản của Úc
Các sản phẩm đánh bắt chính của Úc bao gồm:
Tôm hùm: tôm hùm là mặt hàng đóng góp lớn nhất cho doanh thu của ngành đánh bắt hải sản Úc. Tôm hùm được đánh bắt chủ yếu ở Tây Úc, Nam Úc và Tasmania. Doanh thu mặt hàng tôm hùm phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Giá tôm hùm của Úc tăng trong năm năm vừa qua do nhu cầu quốc tế tăng mạnh và nguồn cung của các đối thủ cạnh tranh của Úc giảm. Đối thủ cạnh tranh chính của tôm hùm Úc là Cu Ba và Mexico.
Cá: cá đánh bắt của Úc phong phú về thể loại, bao gồm cá hồi (salmon), cá mòi (sardines), cá chẽm (barramundi), cá tráp (bream), cá hồi (trout), các loại cá dory, cá chai (flathead), cá gemfish, cá orange roughy, cá thu Tây Ban Nha (Spanish mackerel), cá ngừ (tuna), cá mối (whiting), cá đối (mullet), và cá hồng (pink ling). Cá chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành đánh bắt, chiếm hơn 70% tính theo trọng lượng nhưng chỉ chiếm 32,4% doanh thu của ngành do giá cá luôn thấp hơn giá các loại hải sản khác. Cá mòi chiếm khối lượng lớn nhất, tiếp theo là cá ngừ, cá mập và cá chai.
Một số loại cá hồi (salmon và trout), đã phải đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng từ các ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản trong suốt thập kỷ qua. Doanh thu của mặt hàng này giảm đáng kể mặc dù đây là mặt hàng phổ biến được người tiêu dùng Úc ưa chuộng.
Loài giáp xác: bao gồm tôm, cua và tôm hùm nước ngọt. Loài giáp xác là mặt hàng được bán nhiều nhất, tính theo khối lượng, của ngành công nghiệp đánh bắt. Thị phần của phân khúc này vẫn ổn định trong năm năm qua, nhưng sản lượng đã tăng lên. Tăng cạnh tranh từ các nhà sản xuất ở nước ngoài đã hạn chế tốc độ tăng giá.
Loài nhuyễn thể: bao gồm bào ngư, bạch tuộc, sò điệp và mực. Loài nhuyễn thể là phân khúc sản phẩm nhỏ nhất về khối lượng và giá trị. Giá trị của phân khúc sản phẩm này đã giảm nhẹ một phần doanh thu trong vòng năm năm qua do sản lượng giảm vì việc thắt chặt hạn ngạch đánh bắt.