Bản tin Thương vụ Thái Lan ngày 8/6/2016
Xuất khẩu của Thái Lan giảm 8% trong tháng 4/2016
Xuất khẩu của Thái Lan giảm 8% trong tháng 4/2016 sau hai tháng tăng trưởng liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nhu cầu toàn cầu giảm và giá cả của mặt hàng thiết yếu và giá dầu giảm. So với cùng kỳ năm 2015, giá trị xuất khẩu đạt 15,5 tỉ USD. Nhập khẩu cũng giảm 14,9% đạt mức 14,8 tỉ USD. Trong tháng 4/2016, giá trị thặng dự thương mại đạt 721 triệu USD.
Trong tháng 3/2016, khối lượng xuất khẩu của Thái Lan tăng 1,3% tiếp theo mức tăng 10,3% của tháng 2/2016. Cả hai mức tăng đều do vàng và các sản phẩm phần cứng phục vụ trong quân đội.
Xét về khu vực, các sản phẩm nông nghiệp giảm 2,8% đạt mức 2,52 tỉ USD trong diễn biến giá toàn cầu giảm. Cụ thể, giá gạo giảm -11,5% và đường giảm -15,8%.
Xuất khẩu của các sản phẩm công nghiệp giảm 7,8% trong tháng 4/2016 đạt mức 12,2 tỉ USD chủ yếu do khối lượng xuất khẩu xe và linh kiện giảm 9,7% .
Trong 4 tháng đầu năm 2016, nếu không tinh xuất khẩu vàng và phương tiện quốc phòng, xuất khẩu trong tháng 2 và tháng 3 giảm lần lượt là 3,75% và 1,05%. Chính những sự sụt giảm trên đã khiến cho xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2016 giảm 5,36%.
Chính phủ Thái Lan chuẩn bị đấu thầu 2,24 triệu tấn gạo dự kiến vào ngày 15/6/2016
Bộ Thương mại Thái Lan sẽ tổ chức đấu thầu 2,24 triệu tấn vào ngày 15/6/2016 – khối lượng đấu thầu lớn nhất trong 8 năm qua. Đây là nỗ lực nằm trong kế hoạch của Chính phủ Thái Lan nhằm giải phóng lượng hoàn toàn lượng gạo dự trữ trong kho quốc gia.
Mặc dù khối lượng đấu thầu khá lớn, tuy nhiên, đây không phải là vấn đề ảnh hưởng đến giá thị trường do nhu cầu của thị trường ở mức cao. Đây là đợt đấu thầu gạo lần thứ 4 trong năm nay và lần thứ 16 kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014. Sau 15 phiên đấu thầu gạo, tổng mức đấu thầu đạt 6,12 triệu tấn với tổng giá trị 64 tỉ Bạt (1,8 tỉ USD).
Hiện có khoảng 10 triệu tấn trong kho dự trữ gạo quốc gia. Dự kiến sau phiên đấu thầu lần thứ 16, tổng lượng gạo dự trữ trong kho quốc gia sẽ ở mức 8 triệu tấn. Chính phủ Thái Lan kỳ vọng sẽ xả hoàn toàn lượng gạo dự trữ trong kho quốc gia vào năm 2017.
Về chủng loại gạo, đợt đấu thầu lần thứ 16 sẽ bao gồm loại gạo Hom Mali trắng 5%, 10%, 15% và 25% tấm, gạo thơm, gạo Pathum Thani, gạo nếp và gạo tấm. Nguồn gốc của gạo sẽ đến từ 173 nhà kho tại 35 tỉnh thành tại Thái Lan.
Các bên liên quan có thể kiểm tra gạo trong giai đoạn 6-10/6/2016 trước khi đưa ra đấu thầu vào ngày 15/6/2016 tại trụ sở chính của Bộ Thương mại tại tỉnh Nonthaburi. Chính phủ Thái Lan sẽ tiếp tục tổ chức thêm 3-4 phiên đấu thầu trước thời điểm bắt đầu vụ mùa thu hoặc mới vào cuối năm 2016.
Đợt đấu thầu gạo thứ 4 diễn ra vào đúng thời điểm khi nhu cầu của thị trường ở mức cao. Hiện giá gạo ở mức 14,5 Bạt/kg tăng hơn so với mức 11 Bạt/kg tại thời điểm tháng trước. Trong khi đó, giá thóc ở mức 9.500 Bạt/tấn tăng hơn so với mức 7.500 Bạt/tấn tại thời điểm đầu năm nay.
Lượng gạo đấu thầu của Chính phủ không thể vận chuyển do sự khác biệt về chất lượng
Các công ty trúng đầu trong phiên đấu thầu gạo mới nhất không thể vận chuyển do lượng gạo dự trữ không đáp ứng các tiêu chuẩn về đấu thầu như đã cung cấp. Loại gạo được công bố trong phiên đấu thầu là 5% tấm và gạo nếp nhưng loại gạo thực tế lại khác xa so với những gì được công bố trong phiên đấu thầu.
Đại diện của Vụ Thương mại Thái Lan cho biết nguyên nhân xuất phát từ chủ của các nhà kho và người giám sát không kiểm tra kỹ loại gạo thu mua bởi Chính phủ trước và đã được lưu giữ trong kho có đáp ứng đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật không.
Khi được hỏi về sự khác biệt, đại diện của Bộ Thương mại Thái Lan thừa nhận rằng việc kiểm tra được diễn ra theo hình thức ngẫu nhiên chứ không được xem xét kỹ lưỡng toàn bộ lượng gạo dự trữ trong nhà kho.
Ngoài ra, qua trao đổi, đại diện của Bộ Thương mại Thái Lan cho rằng do lượng gạo dự trữ được phân bổ tại nhiều địa điểm khác nhau nên trong quá trình dự trữ trong kho, chất lượng gạo sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng nên dẫn đến tình trạng khác biệt giữa gạo dự trữ tại kho.
Chất lượng gạo dự trữ hiện nay được phân thành nhiều loại khác nhau, phù hợp với từng mục đích sử dụng phục vụ con người hoặc công nghiệp.
Thái Lan sẵn sàng tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cho biết Thái Lan đã sẵn sàng tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi cơ hội trở thành thành viên được các nước thành viên của TPP hiện nay chấp thuận. Thái Lan sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước thành viên hiện có bao gồm Nhật Bản.
Tại thời điểm hiện nay, Thái Lan sẽ tổ chức cuộc thăm dò ý kiến dư luận từ các quốc gia thành viên – bước đệm chuẩn bị quan trọng có thể kéo dài 1 năm. Hình thức thăm dò ý kiến dư luận được sử dụng để tìm kiếm ý kiến của người dân trước khi ký kết bất kỳ Hiệp định Tự do Thương mại với các quốc gia khác.
Phương thức tiếp cận này sẽ làm giảm những xung dột giữa các nhóm khác nhau trước khi Thái Lan chính thức tham gia Hiệp định TPP. Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha đã xác nhận sự sẵn sàng sự tham gia Hiệp định TPP của Thái Lan.
Một hội đồng do Bộ trưởng Thương mại của Thái Lan Apiradi Tantraporn đứng đầu đã được thành lập. Nhiệm vụ chính của hội đồng này là nghiên cứu tính phù hợp của Thái Lan trong việc trở thành thành viên của Hiệp định TPP. Ngoài ra, hội đồng này sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu tính phù hợp của việc tham gia Hiệp định TPP của Thái Lan. Hội đồng cũng xem xét kinh nghiệm của các quốc gia thành viên khác về tầm ảnh hưởng của các bên liên quan sau khi tham gia Hiệp định TPP.
Hiệp định TPP có ý nghĩa to lớn mang lại nhiều lợi ích hơn những tác động xấu cho Thái Lan. Sau cuộc bầu cử chính thức tới, Chính phủ tương lai cũng sẽ cam kết toàn tâm với Hiệp định TPP do đây là vấn đề có ý nghĩa quan trong đối với đất nước trong thời gian dài hạn.
Vấn đề được nhiều bên liên quan đặc biệt quan tâm hiện nay bao gồm nhiều vấn đề như sở hữu trí tuệ, bản quyền thuốc, bảo mật các thông tin y tế, bảo vệ các loài cây trồng mới, cho phép các nhà đầu tư kiện nhà nước.
Bộ Thương mại Thái Lan sẵn sàng lắng nghe những đề xuất của các nhóm và làm việc với khối khu vực dân sự và các cơ quan khác nhằm bảo vệ quyền lợi nhà nước. Đối với các nhóm chịu ảnh hưởng của Hiệp định TPP, Bộ Thương mại Thái Lan cũng sẵn sàng lắng nghe, chia vẻ và tìm hướng giải quyết những khó khăn.
Hiệp định TPP hiện là một trong những thỏa thuận thương mại đa quốc gia lớn nhất thế giới với tổng sản phẩm quốc nội đạt 27,4 nghìn tỉ USD (978 nghìn tỉ Bạt), chiếm 39,3% tổng sản phẩm quốc nội của toàn cầu. Tổng giá trị thương mại của Hiệp định TPP trị giá 8,7 nghìn tỉ USS chiếm 26,17% giá trị thương mại toàn cầu.
Ủy ban Châu Âu gia hạn thêm 6 tháng để Thái Lan giải quyết vấn đề đánh bắt cá trái phép
Ủy bản Châu Âu vừa quyết định gia hạn thêm 6 tháng để Thái Lan có thời gian giải quyết các vấn đề liên quan đến việc đánh bắt cá trái phép trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng. Trước đó, vào tháng 4/2016, phía Ủy ban Châu Âu đã đưa ra mức phạt thẻ vàng cảnh báo Thái Lan cần phải triển khai nhiều biện pháp đối phó với tình hình đánh bắt cá trái phép, không thông báo và không theo quy định.
Trong trường hợp Thái Lan không đáp ứng được những yêu cầu của Ủy ban Châu Âu, Thái Lan sẽ phải chịu mức phạt thẻ đỏ. Điều này đồng nghĩa với việc các mặt hàng hải sản của Thái Lan sẽ bị cấm nhập khẩu vào Châu Âu, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế của đất nước.
Phía Ủy ban Châu Âu đánh giá cao những nỗ lực của Thái Lan trong việc giải quyết với nhiều vấn đề đánh bắt cá trái phép. Mặc dù nhiều vấn đề còn tồn tại, tuy nhiên, phía Ủy ban Châu Âu ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Thái Lan. Chính phủ Thái Lan sẽ lắp đặt hệ thống theo dõi tàu đánh bắt cá và việc tuân thủ nhiều quy định, luật pháp.
Thái Lan và Ốt-xtrây-li-a lên kế hoạch mở rộng Hiệp định Thương mại Tự do
Chính phủ hai nước Thái Lan và Ốt-xtrây-li-a có kế hoạch mở rộng Hiệp định Thương mại Tự do giữa hai nước trong thời gian tới. Bộ Thương mại Thái Lan sẽ tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng với phía Ốt-xtrây-li-a vào thời điểm nửa cuối năm nay.
Hiệp định Thương mại Tự do giữa Thái Lan và Ốt-xtrây-li-a (Thailand-Austrailia Free Trade Agreement – TAFTA) được ký kết vào ngày 5/7/2004 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2005. Hiệp định kêu gọi tự do hóa thương mại đối với nhóm sản phẩm, dịch vụ và đầu tư cũng như là sự tăng cường hợp tác nhằm vượt qua những rào cản về thương mại do các quy định vệ sinh dịch tế hoặc biện pháp chống bán phá giá.
Việc hợp tác cũng được mở rộng nhằm hỗ trợ thương mại trong nhiều hoạt động cụ thể ví dụ như thủ tục hải quan, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, chính phủ mua sắm và cạnh tranh.
Tại thời điểm Hiệp định TAFTA có hiệu lực, Ốt-xtrây-li-a miễn thuế đối với 83% hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan bao gồm hoa quả và trái cây tươi, dứa đóng hộp và nước dứa, thực phẩm đã qua chế biến, xe chở khách cỡ nhỏ, xe tải, đá quý và nữ trang. Đối với 17% hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Thái Lan bao gồm sản phẩm nhựa, các sản phẩm cao su, vải đã được miễn thuế trong giai đoạn 2010-2015.
Về phía Thái Lan, khi Hiệp định TAFTA có hiệu lực, hơn 50% danh mục hàng hóa nhập khẩu từ Ốt-xtrây-li-a đã được miễn thuế chủ yếu là các mặt hàng quặng khoáng sản, nhiên liệu, hóa chất, nguyên liệu và 45% danh mục hàng hóa được miễn thuế vào năm 2010. 5% danh mục hàng hóa, chủ yếu là các sản phẩm thịt và sữa, trà và cà-phê được miễn thuế trong khoảng thời gian 2010-2015.
Tính đến thời điểm 01/01/2015, Ốt-xtrây-li-a đã miễn thuế toàn bộ đối với mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan. Thái Lan cũng đã miến thuế đối với 98,99% danh mục hàng hóa tại thời điểm cuối năm ngoái. Phía Thái Lan đã yêu cầu việc bảo hộ 1,01% danh mục các mặt hàng thịt và sữa trong vòng 15 năm tính đến thời điểm năm 2020.
So với kim ngạch thương mại hai chiều giữa Thái Lan và Ốt-xtrây-li-a đạt mức 3,84 tỉ USD trong khoảng thời gian 2002-2004, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng đáng kể lên mức 14,8 tỉ USD trong khoảng thời gian 2013-2015. Ốt-xtrây-li-a hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Thái Lan.
Chính phủ Thái Lan tái đấu thầu khai thác dầu mỏ
Các nhà chính sách về năng lượng của Thái Lan có kế hoạch tái đấu thầu khai thác dầu mỏ sau một thời gian bị trì hoãn vào tháng 3/2015. Đây là phiên đấu thầu lần thứ 21 khai thác dầu mỏ và dự kiến sẽ được tổ chức vào thời điểm cuối năm nay khi Hội đồng Luật pháp Quốc gia sửa đổi Luật Dầu mỏ dự kiến sẽ hoàn tất vào Quý III/2016.
Với vòng đấu thầu mới, Chính phủ cũng sẽ thông qua các điều kiện chia sẻ lợi ích. Các công ty khai thác dầu mỏ sẽ được phép lựa chọn giữa hệ thống nhượng quyền hoặc hợp đồng chia sẻ sản xuất (PSC). Vòng đấu thầu lần thứ 21 bao gồm 29 khu ngoài khơi và trên bờ. Phiên đấu thầu đã bị trì hoãn từ năm 2007 do một số nhà ủng hộ chính trị mong muốn giấy phép phải được cấp dựa trên hợp đồng chia sẻ sản xuất thay thế cho hình thức nhượng quyền.
Vòng đấu thầu lần thứ 21 được bắt đầu vào năm 2014. Tuy nhiên, do một số lý do liên quan đến hệ thống nhượng quyền và hợp đồng chia sẻ sản xuất mà phiên đấu thầu bị trì hoãn từ thời điểm tháng 3/2015 đến nay.
Hiện số lượng dự trữ dầu mỏ của Thái Lan chỉ đủ khai thác trong vòng 6 tháng. Bộ Năng lượng Thái Lan khuyến khích các nhà nghiên cứu của Thái Lan nâng cấp công nghệ dự trữ năng lượng hiện nay nhằm quảng bá năng lượng có khả năng tái tạo trong vòng 2 thập niên tới. Chính phủ Thái Lan sẽ cung cấp ngân sách nghiên cứu trị giá 500 triệu Bạt (14 triệu USD).