Tình hình trao đổi thương mại Việt Nam - Châu Phi 9 tháng đầu năm
Về xuất khẩu
Nguyên nhân giá trị xuất khẩu sang Châu Phi nói chung giảm mạnh là do Việt Nam giảm xuất khẩu mặt hàng đá quý và kim loại quý sang Nam Phi. Nếu không tính nhóm hàng này thì kim ngạch xuất khẩu sang châu Phi đạt 1,89 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2011.
9 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sang 49 trên tổng số 55 nước Châu Phi tăng thêm 1 thị trường so với năm 2011.
10 thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là Nam Phi, Ai Cập, Bờ Biển Ngà, Ghana, An-giê-ri, Nigeria, Angola, Senegal, Mozambique và Maroc, chiếm tới 79% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Phi.
Các mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường khu vực này vẫn là gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị, sản phẩm dệt may và giày dép.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 427.071.851 USD, giảm đến 76% so với cùng kỳ năm 2011 nhưng Nam Phi vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Châu Phi. Nguyên nhân của việc giảm xuất khẩu trong năm nay là do xuất khẩu nhóm hàng đá quý và kim loại quý sụt giảm chỉ đạt 56,08 triệu USD trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này lên tới 1,47 tỷ USD. Nếu không tính nhóm hàng này thì kim ngạch xuất khẩu sang Nam Phi đạt 370,49 triệu USD, tăng 53% so với 9 tháng đầu năm 2011. Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác có kim ngạch tăng là điện thoại và linh kiện đạt 146,82 triệu USD, giày dép các loại 52,46 triệu USD, máy vi tính, sản phẩm và linh kiện 32,39 triệu USD, gạo 15,68 triệu USD, cà phê 13,75 triệu USD, hàng dệt may 11,58 triệu USD, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 10,15 triệu USD, sản phẩm hóa chất 7,4 triệu USD, hạt tiêu 7,18 triệu USD, hạt điều 6,36 triệu USD, sản phẩm từ sắt thép 5,2 triệu USD, than đá 5,1 triệu USD…
Kim ngạch xuất khẩu sang Ai Cập đạt 242,2 triệu USD, tăng 33%, trong đó hàng thủy sản đạt 64,39 triệu USD, hạt tiêu 31,89 triệu USD, xơ, sợi dệt các loại 27,31 triệu USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 18,81 triệu USD, phương tiện vận tải và phụ tùng 14,40 triệu USD, cà phê 13,40 triệu USD, hàng dệt may 6,4 triệu USD. Ai Cập tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi sau Nam Phi.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt 204,53 triệu USD, tăng 49%, trong đó gạo chiếm 196,40 triệu USD (464.855 tấn), dệt may đạt 1,74 triệu USD. Bờ Biển Ngà là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam 9 tháng đầu năm nay.
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Ghana đạt 166,23 triệu USD, tăng 60%, trong đó gạo chiếm 124,76 triệu USD (262.578 tấn), hàng dệt may 3,65 triệu USD. Gạo là mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất (73%) và chiếm 75% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
An-giê-ri, với kim ngạch xuất khẩu đạt 102,22 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ 2011, trong đó cà phê chiếm 49,07 triệu USD (24.345 tấn), gạo 29,45 triệu USD (64.268 tấn).
Xuất khẩu sang Nigeria đạt 96,79 triệu USD, tăng 109% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng đến 488%, đạt 46,52 triệu USD. Các mặt hàng quan trọng khác là phương tiện vận tải và phụ tùng 7,46 triệu USD, hàng dệt may 3,36 triệu USD, v.v…
Kim ngạch xuất khẩu sang Angola đạt 89,59 triệu USD, tăng 74%, trong đó gạo chiếm 42,94 triệu USD (96.502 tấn), hàng dệt may 11,35 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu sang Xê-nê-gan đạt 83,60 triệu USD, giảm 55% so với 9 tháng đầu năm 2011, trong đó gạo chiếm 64 triệu USD (-61%), phương tiện vận tải và phụ tùng 10,83 triệu USD.Nguyên nhân là trong những tháng đầu năm nay, Xê-nê-gan đã quay sang nhập khẩu gạo Ấn Độ do giá bán rẻ hơn. Một lý do nữa là nước này đang tích cực triển khai chương trình tự cấp lúa gạo với mục tiêu sản xuất được 1.080.000 tấn gạo trắng tương đương với 1.600.000 tấn thóc vào năm 2018 nhằm đáp ứng nhu cầu của 14,6 triệu dân. Với kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh 9 tháng đầu năm 2012, Xê-nê-gan chỉ còn đứng thứ 8 trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi (năm 2012, Xê-nê-gan xếp vị trí thứ 3).
Kim ngạch xuất khẩu sang Mozambique đạt 61.295.694 USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu gạo đạt 25,86 triệu USD, clanker và xi măng 7,8 triệu USD, dây và cáp điện 7,2 triệu USD, sản phẩm từ thép 5,4 triệu USD, v.v...
Đứng vị trí thứ 10 là thị trường Maroc với kim ngạch xuất khẩu đạt 59.296.698 USD, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2011. Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Maroc chủ yếu là điện thoại và linh kiện 23,52 triệu USD, cà phê 12 triệu USD, hàng thủy sản 3 triệu USD, tàu thuyền các loại 2,8 triệu USD, v.v... Đây là lần đầu tiên Maroc lọt vào danh sách các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi.
Ngoài 10 thị trường kể trên, 5 thị trường khác có kim ngạch xuất khẩu từ 30 triệu USD trở lên gồm có Kenya (50.363.246 USD), Cameroon (42.223.050 USD), Tanzania (34.102.986 USD), Guinea (33.191.116 USD) và Tunisia (29.910.576 USD). Đây là những thị trường tiềm năng có nhiều triển vọng tăng kim ngạch trong thời gian tới.
Về nhập khẩu
9 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu hàng hoá từ 45 trên tổng số 55 nước Châu Phi tăng 2 thị trường so với năm 2011 nhưng kim ngạch lại giảm tại hầu hết các thị trường lớn.
10 thị trường cung cấp hàng quan trọng nhất cho Việt Nam là Bờ Biển Ngà, Nigeria, Nam Phi, Libi, Ghana, Cameroon, Zambia, Benin, Senegal và Tanzania, chiếm tới 75% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ châu Phi.
Ngoài các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như bông, gỗ, điều, sắt thép phế liệu thì Việt Nam đã nhập khẩu thêm các mặt hàng mới như đồng từ Zambia, thức ăn gia súc từ Tanzania, dầu thô từ Libi, khí đốt hoá lỏng từ Nigeria với kim ngạch khá cao.
Mặc dù kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt 111,5 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái song Bờ Biển Ngà đã vươn lên từ vị trí thứ 2 lên số 1 trong số các nước cung cấp hàng hóa cho Việt Nam với các sản phẩm chính là hạt điều 80,54 triệu USD, bông các loại 27,81 triệu USD, sắt thép phế liệu 2,3 triệu USD, cao su 1,5 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ 1,2 triệu USD...
Nigeria đứng vị trí thứ hai với 117 triệu USD, tăng 3%, trong đó hạt điều chiếm 53,65 triệu USD, khí đốt hoá lỏng 29,45 triệu USD, bông 6,56 triệu USD (năm 2011, Nigeria là nước cung cấp hàng lớn thứ 4 của Việt Nam tại châu Phi).
Nam Phi, từ vị trí thứ nhất năm 2011 tụt xuống vị trí thứ ba với kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt 87,64 triệu USD, giảm 49% trong đó mặt hàng sắt thép phế liệu chiếm 32,62 triệu USD, kim loại thường khác 17 triệu USD, sản phẩm hóa chất 7 triệu USD, nguyên phụ liệu dệt may, da giày 5,8 triệu USD, sắt thép các loại 4 triệu USD, hàng rau quả 3 triệu USD, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng 2,7 triệu USD, chất dẻo nguyên liệu 2,2 triệu USD, v.v…
Libi từ nước không xuất khẩu cho Việt Nam năm 2011 đã vươn lên chiếm vị trí thứ 4 (của Nigeria) với kim ngạch đạt 63,61 triệu USD với mặt hàng chính là dầu thô.
Xếp vị trí thứ 5 là Ghana, có kim ngạch nhập khẩu là 47,60 triệu USD, giảm tới 62%, trong đó hạt điều chiếm 25,42 triệu USD, sắt thép phế liệu 19,27 triệu USD, gỗ 1,4 triệu USD.
Thứ sáu là Cameroon với kim ngạch nhập khẩu đạt 46,9 triệu USD, giảm 28%, với các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ 44,82 triệu USD, bông 1,88 triệu USD.
Zambia xếp vị trí thứ 7 với kim ngạch nhập khẩu đạt 46,43 triệu USD, giảm 7% trong đó đồng chiếm tới 44,21 triệu USD, bông các loại 1,84 triệu USD, v.v...
Benin là thị trường nhập khẩu đứng thứ 8 với kim ngạch đạt 38,31 triệu USD, giảm 34% trong đó sắt thép phế liệu chiếm 66,37 triệu USD, hạt điều 8,25 triệu, bông các loại 3,3 triệu USD.
Senegal xếp vị trí thứ 9 với kim ngạch 35 triệu USD, tăng 53% trong đó sắt thép phế liệu đạt 33,33 triệu USD, bông các loại 1 triệu USD. Tuy nhiên mặt hàng sắt thép phế liệu không còn khả năng tăng kim ngạch vì kể từ tháng 10/2012, Chính phủ Senegal đã cấm xuất khẩu mặt hàng này để bảo vệ ngành luyện kim trong nước.
Đứng thứ 10 là thị trường Tanzania với kim ngạch nhập khẩu đạt 29,36 triệu USD, tăng 13% trong đó bông các loại 15,93 triệu USD, thức ăn gia súc và nguyên liệu 11 triệu USD, quặng và khoáng sản 1 triệu USD.
Ngoài những nước trên thì 10 thị trưòng khác cũng có nhiều tiềm năng cung cấp nguyên liệu đầu vào cho Việt Nam. Đó là Gabon, Guinea-Bissau, Congo, Togo, Burkina Faso, Mauritania, Uganda, Guinea, Mozambique và Mali có kim ngạch từ 10 triệu USD trở lên với các mặt hàng chính là gỗ, bông, điều, sắt thép phế liệu, v.v...