Ngoại thương Braxin với thế giới và Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2012
Ngoại thương Braxin với thế giới
Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều của Braxin với thế giới đạt 345,4 tỷ USD, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt 180,5 tỷ USD, giảm 5,2%, nhập khẩu đạt 164,8 tỷ USD, giảm 1,1%. Nhờ một số chính sách tổng thể vĩ mô nhằm kích thích sản xuất và bảo vệ công nghiệp trong nước, trong tháng 8 và tháng 9 năm 2012, cán cân ngoại thương của Braxin với thế giới đã dần được cải thiện, giá trị kim ngạch xuất siêu trong tháng 9 đạt 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian của quý 4 không nhiều, dự báo kết quả ngoại thương cả năm 2012 khó đạt mức tăng trưởng cao như các năm trước. Nguyên nhân chính do cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới kéo dài, diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế thế giới thấp, quy mô thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Tuy không bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng nợ công như một số nước châu Âu nhưng tăng trưởng kinh tế Braxin năm nay chỉ đạt gần 2%.
Quan hệ thương mại Việt Nam với Braxin - một số điểm đáng quan tâm
Mặc dù nền kinh tế hai nước đều bị ảnh hưởng, song trong 9 tháng đầu năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Braxin đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 597,2 triệu USD, tăng 23,0 %, đạt 87,7 % kế hoạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu đạt 709 triệu USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng xuất khẩu chính đạt giá trị từ cao xuống thấp gồm giày dép, thủy sản, máy tính, điện tử, tin học, máy - thiết bị, phụ tùng phương tiện vận tải, dệt may, điện thoại và linh kiện, xơ sợi, dệt may, cao su và sản phẩm từ cao su, sản phẩm từ sắt thép.
Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm thức ăn gia súc và nguyên liệu, bông các loại, nguyên liệu dệt may, da giày, nguyên liệu thuốc lá, sắt thép các loại, máy, thiết bị, phụ tùng ô tô, gỗ và sản phẩm gỗ, hóa chất và chất dẻo nguyên liệu.
So sánh cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2012 với cơ cấu hàng xuất khẩu thời điểm cùng kỳ 3 năm trước (năm 2009) cho thấy một số mặt hàng có tỷ trọng tăng gồm: giày dép các loại (tăng 15 điểm phần trăm), thủy sản (tăng 9 điểm), phương tiện vận tải và phụ tùng (tăng 6 điểm), máy móc, thiết bị (tăng 7 điểm), điện thoại, phụ tùng (tăng 4 điểm), còn lại là các mặt hàng khác trong đó có vật liệu xây dựng. Các mặt hàng xuất khẩu giảm dần tỷ trọng gồm cao su và sản phẩm từ cao su (giảm 5 điểm phần trăm), dệt may, xơ sợi (giảm 2 điểm). Sự chuyển dịch vị thế một mặt hàng xuất khẩu phản ánh sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu chung cả nước, theo bước đi của nền công nghiệp và nhu cầu của thị trường sở tại. Tuy nhiên kim ngạch xuất nhập khẩu dịch vụ hai bên còn rất hạn chế.
Phân tích cụ thể đối với từng mặt hàng cho thấy cần quan quan tâm một số điểm:
Một là : Trong 9 tháng đầu năm 2012, giày dép là mặt hàng xuất khẩu chính với giá trị xuất khẩu đạt 221,3 triệu USD, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm 2011, chiếm tỷ trọng 37 % trong cơ cấu hàng xuất khẩu, tăng 30% về lượng so với cùng kỳ, chiếm 48,3% thị phần giày dép nhập khẩu vào thị trường Braxin. So sánh với các nước xuất khẩu giày dép vào Braxin thấy giày dép Việt Nam chiếm thị phần cao nhất (48,3%), đứng sau là Inđônêxia (18,8 %), Trung Quốc (18,1%), Pagaguay (4,4%), hơn 20 nước khác còn lại, mỗi nước chỉ chiếm thị phần chưa tới 1%.
Bên cạnh hàng giày dép, mặt hàng thủy sản của Việt Nam, chủ yếu là cá tra, basa tuy mới thâm nhập được vào thị trường Braxin từ vài năm gần đây, nhưng đến nay đã có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất và chế biến thủy sản nước ta có tên trong danh sách đủ tiêu chuẩn kỹ thuật xuất khẩu sang Braxin đang tích cực xúc tiến đưa thương hiệu của mình thâm nhập thị trường. Việc đông đảo các doanh nghiệp cùng ngành hàng thi đua đi vào một thị trường là tốt song đòi hỏi sự phối hợp hướng dẫn của hiệp hội ngành hàng để tạo thành hợp lực mạnh mẽ.
Hai là: Chỉ trong vòng hơn 1 năm qua, Braxin đã mở 5 cuộc điều tra bán phá giá và xuất khẩu vòng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Điều đó đã tác động tới tâm lý giao thương giữa các doanh nghiệp đối tác mới được gây dựng và ảnh hưởng không nhỏ tốc độ phát triển thương mại song phương. Nhờ sự phối hợp hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan và giới doanh nghiệp trong xử lý vụ việc, tới nay 2 cuộc điều tra đối với hàng hóa của ta đã được hủy bỏ.
Thông thường, một mặt hàng xuất khẩu chiếm khoảng 3% thị phần sẽ tiềm ẩn nhiều khả năng vấp phải các rào cản, gây khó dễ, khởi kiện bán phá giá. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó, các loại rào cản, biện pháp phòng vệ thương mại càng phát sinh nhiều hơn và tinh vi hơn. Những vụ kiện bán phá giá xảy ra bất thường, khó dự đoán, có thể diễn ra ngay cả đối với các mặt hàng có thị phần rất nhỏ.
Ba là: Để bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu, củng cố đối tác, bạn hàng, giữ vững thị trường, tăng thị phần ở Braxin (hiện chỉ chiếm 0,4%), các doanh nghiệp của ta nên lưu ý làm đúng, làm đủ các quy định, thủ tục giao dịch quốc tế, thực hiện nghiêm ngặt việc khai báo hồ sơ chứng từ, chứng nhận xuất xứ, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, khai đúng giá trị hàng hóa, cảnh giác không tạo cơ hội cho đối thủ cạnh tranh tận dụng khởi kiện và bôi xấu, tẩy tray hàng hóa của ta.
Với sự quan tâm của Nhà nước và sự năng động vượt khó của các doanh nghiệp, dự tính tốc độ tăng trưởng thương mại với thị trường này vẫn được duy trì trong thời gian tới.