Ngành điện tử Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0
Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam tăng trưởng liên tục trong giai đoạn năm 2016 – 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân 23,8%/năm. Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã giúp Việt Nam liên tiếp lập nhiều kỳ tích về xuất khẩu, xuất khẩu không ngừng tăng, trung bình 5,794 tỷ USD/năm, từ vị trí là nước đứng thứ 47 năm 2001 lên vị trí 12 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử với kim ngạch 44,6 tỷ USD trong năm 2020.
Hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020. Trong số 26 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD của nửa đầu năm 2021, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 23,869 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu nhóm hàng này tăng mạnh là do nhu cầu thị trường tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến người lao động bắt buộc phải làm việc tại nhà. Trong 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 12,7%. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021.
Năm 2021, ngành điện tử tiếp tục sẽ tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng phục vụ thông tin liên lạc cũng như phương tiện làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến các công ty sản xuất máy tính, điện tử trên thế giới phải đóng cửa. Do đó xuất khẩu máy vi tính, linh kiện và sản phẩm điện tử cả năm 2021 có thể đạt khoảng 50 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2020.
Trong quy hoạch công nghiệp Việt Nam giai đoạn năm 2016 - 2020 tầm nhìn 2030, tăng trưởng của ngành điện tử trong giai đoạn năm 2016 - 2020 đạt 17 - 18%/năm; giai đoạn đến năm 2030 đạt 19 - 21%/năm. Mục tiêu là xây dựng ngành điện tử trở thành ngành công nghiệp chủ lực và tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành điện tử Việt Nam tập trung phát triển ở lĩnh vực linh kiện điện – điện tử cơ bản, các loại bản mạch in điện tử, mạch vi điện tử cho các điện thoại di động, thiết bị điện tử gia dụng, thiết bị văn phòng, máy vi tính, thiết bị ngoại vi, linh kiện, phụ tùng cho công nghiệp ôtô (thiết bị điện, chiếu sáng, điều khiển...). Giai đoạn sau 2020, các lĩnh vực như thiết bị tự động hóa, thiết bị y tế sẽ có nhu cầu cao về các linh kiện phụ tùng điện – điện tử sản xuất trong nước.
Cơ cấu xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện
Cơ cấu xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong giai đoạn 2016 – 2020 có sự thay đổi lớn. Năm 2016 tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm linh kiện và bán thành phẩm chiếm tỷ trọng lớn như xuất khẩu linh kiện điện tử chiếm 65,7%, đến năm 2020 tỷ trọng giảm còn 59,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Trong khi năm 2020 xuất khẩu sản phẩm nguyên chiếc, thành phầm chiếm tỷ trọng lớn, đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu máy tính và linh kiện chiếm 27,9%, tăng 4,8 điểm phần trăm so với năm 2016, tương tự các nhóm hàng khác như thiết bị máy văn phòng tăng từ 6,7% năm 2016 lên 7,3% trong năm 2020. Nhóm thiế bị nghe nhìn và linh kiện tăng từ 4,4% trong năm 2016 lên 4,9% trong năm 2020.
Cơ cấu xuất khẩu cải thiện theo hướng tích cực của cách mạng công nghiệp 4.0, hàng Việt tham tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng suất ngành công nghiệp. Cơ cấu xuất khẩu sản phẩm điện tử có sự chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng của nhóm hàng nguyên chiếc và bán thành phẩm. Trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nguyên chiếc và bán thành phẩm, chiếm tới 52% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và 70% đối với nhóm điện thoại các loại. Trong đó, tỷ trọng các sản phẩm máy tính bảng, linh kiện máy tính, tivi, thiết bị máy văn phòng, điện thoại nguyên chiếc… ngày càng tăng.
Nhiều mặt hàng công nghệ như ti vi, máy tính bảng, điện thoại các loại…có vị trí xếp hạng xuất khẩu cao so với khu vực và thế giới. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở các thị trường truyền thống của nước ta nhưng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này vẫn có mức tăng trưởng cao.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu
Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam đã khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển các thị trường mới. Việt Nam xuất khẩu sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử đến trên 100 thị trường trên thế giới. Xuất khẩu nhóm hàng sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc và đang xuất khẩu mạnh sang thị trường EU gồm Hà Lan, Đức, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Phần Lan...
Đáng chú ý xuất khẩu tăng mạnh các nước thành viên khác của EU như: Hungary, Ba Lan, Cộng hoà Séc và Slovakia. Đặc biệt, tập trung và tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng tại các khu vực châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Đông và Ấn Độ…
Nhìn chung, mức độ phân bố xuất khẩu là tương đối tốt, với 9 thị trường xuất khẩu hàng đầu gồm: Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ chiếm 86,7% kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện năm 2016. Năm 2020 chiếm 88,6%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2019 do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Trong 9 thị trường xuất khẩu hàng đầu năm 2020, có tới 7 thị trường nằm ở khu vực châu Á gồm: Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, các thị trường trong khối ASEAN, Ấn Độ chiếm 52,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử trong cả nước.
Dự kiến các năm tiếp theo thị trường xuất khẩu sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử chủ yếu từ các thị trường này. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm điện tử khá cao, nhưng thiếu ổn định; xuất khẩu một số mặt hàng đang phải đối mặt với cạnh tranh với sản phẩm cùng loại từ thị trường trong khu vực ASEAN và Trung Quốc như điện thoại các loại, linh kiện máy tính, linh kiện điện tử, thiết bị máy văn phòng... Đạt mức tăng cao về giá trị và tốc độ chỉ diễn ra từ năm 2008, sau khi các công ty đa quốc gia như Samsung, Intel, Canon đưa các nhà máy sản xuất tại Việt Nam vào hoạt động.
Thị trường xuất khẩu nhóm sản phẩm này cũng khá đa dạng, trong đó 10 thị trường hàng đầu năm 2020 có các quốc gia châu Mỹ (Mỹ và Canada); Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản); Đông Nam Á (Singapore); châu Âu (Hà Lan, Đức, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Phần Lan); và Trung Đông (Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất).
Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.
Sản phẩm chính của công nghiệp điện tử là linh kiện điện tử, điện thoại nguyên chiếc, linh kiện điện thoại, ti vi lắp ráp, máy tính bảng, máy vi tính và linh kiện cùng với các thiết bị máy văn phòng… Sản xuất sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử ở Việt Nam chủ yếu do các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty đa quốc gia chi phối. Mặc dù số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ bằng 1/3 tổng số doanh nghiệp công nghiệp điện tử tại Việt Nam nhưng từ năm 2016 đến năm 2020, tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp này đã chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu và bao phủ 80% nhu cầu thị trường trong nước.
Ở Việt Nam, ngành điện tử đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, một phần lớn nhờ sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu và các đơn hàng chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc theo chiến lược “Trung Quốc + 1” (chuyển dịch các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh chi phí lao động đang tăng nhanh tại quốc gia này). Cùng với sự dịch chuyển các nhà máy đến những địa điểm gần với Trung Quốc, để tận dụng được ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển ở Trung Quốc cũng như hướng vào thị trường tiêu thụ lớn. Với lợi thế tương đối về lao động và vị trí địa kinh tế rất thuận lợi, Việt Nam được hưởng lợi từ quá trình này, là thị trường cung cấp điện tử cho các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU.
Tuy nhiên, trong trung hạn, điều này có thể thay đổi do có những công nghệ đột phá (in 3D, người máy và Internet kết nối vạn vật) đang được triển khai áp dụng nhanh chóng trong ngành điện tử. Cụ thể công ty Foxconn (Đài Loan), chuyên về sản xuất các linh kiện máy tính và lắp ráp sản phẩm cho những thương hiệu lớn như Apple, Sony và Nokia đã sử dụng người máy thay thế cho 60.000 lao động tại các nhà máy của công ty này ở một số thành phố của Trung Quốc.
Việc thay thế lao động bằng người máy tiết kiệm được chi phí do giá người máy đang giảm nhanh, đồng thời có thể vận hành liên tục trong thời gian dài giảm nhiều chi phí trong sản xuất. Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành điện tử Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực điện tử ngày càng tăng, nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn, Intel, Apple. Bình quân trong giai đoạn này, chỉ số sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 13,9%, trong đó năm 2017 đạt mức tăng cao nhất 35,2%.
Sản phẩm của ngành điện tử đã theo hướng đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. ‘Năm 2020, sản xuất điện thoại di động đạt 253,2 triệu chiếc, chiếm 20% nguồn cung cho thế giới, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2016; ti vi lắp ráp đạt 18,190 triệu chiếc, gấp 1,7 lần so với năm 2016. Năm 2021, dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp đã gây nhiều khó khăn cho ngành sản xuất điện tử.
Trong 4 tháng đầu năm 2021 sản lượng điện thoại di động sản xuất đạt 76,9 triệu chiếc, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2020; ti vi đạt hơn 5,2 triệu chiếc, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong năm 2021 các doanh nghiệp sản xuất điện tử tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng sản xuất, dự kiến tăng tổng sản lượng sản xuất lên gấp đôi so với năm 2020, nên có nhu cầu lớn về linh kiện bán dẫn như chip và các linh kiện khác.