Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tại Trung Quốc tăng tốc sau đại dịch COVID-19
Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này chủ yếu là do cùng kỳ năm ngoái sản xuất công nghiệp của Trung Quốc sụt giảm do đại dịch COVID-19
Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), trong năm 2020, đại dịch đã khiến tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm khi chỉ tăng 2,8%. Hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong giai đoạn 2017 - 2020 cũng có xu hướng tăng trưởng chậm lại qua các năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này chủ yếu là do cùng kỳ năm ngoái sản xuất công nghiệp của Trung Quốc sụt giảm do đại dịch COVID-19. Trong đó, những ngành hàng ghi nhận đà tăng trưởng cao gồm: ô tô năng lượng mới tăng 205%, robot công nghiệp tăng 69,8%, máy cắt kim loại tăng 45,6%, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 43,9%...
Sau khi kế hoạch 5 năm mới của Trung Quốc liệt kê việc phát triển 7 “công nghệ tiên phong” là ưu tiên chính sách hàng đầu của quốc gia, nước này hiện là nơi có các cơ sở sản xuất tiên tiến hiện đại nhất, trước cả EU, Mỹ và Nhật Bản.
Đầu năm 2021, diễn đàn Kinh tế Thế giới đã thêm 5 địa điểm của Trung Quốc vào danh sách Mạng Hải đăng Toàn cầu gồm các nhà máy tiên tiến nhất trên thế giới đã áp dụng thành công các công nghệ mới để chuyển đổi mô hình kinh doanh và chuỗi giá trị. Bosch Automotive Products Tô Châu, khuôn viên Thành Đô của Foxconn Technology Group, nhà sản xuất thiết bị điện Midea Shunde ở tỉnh Quảng Đông, nhà máy bia Tsingtao ở Thanh Đảo và Wistron InfoComm Manufacturing ở Côn Sơn nằm trong số 15 địa điểm được thêm vào danh sách sau khi đánh giá hơn 1.000 công ty trên toàn cầu từ một loạt các ngành công nghiệp đa dạng từ điện tử đến dược phẩm và ô tô.
Trong số 69 nhà máy trên khắp thế giới hiện được coi là nhà lãnh đạo sử dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0, Trung Quốc hiện có 20 nhà máy, tiếp theo là 19 nhà máy ở Liên minh châu Âu, 7 nhà máy ở Mỹ và 5 nhà máy ở Nhật Bản. Năm 2020, Trung Quốc và EU có 15 nhà máy mỗi nơi, trong đó Mỹ và Nhật Bản cũng có 5 nhà máy mỗi nước. Theo đánh giá của chuyên gia, Trung Quốc đã đạt đến giai đoạn mà các công ty của nước này có thể cạnh tranh với các nước phát triển khác, trong nhiều lĩnh vực, như điện thoại thông minh và ô tô điện.
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến 6 tháng năm 2021, sản lượng ô tô năng lượng mới của Trung Quốc đạt mức tăng trưởng bình quân rất cao, lên tới 61,9%/năm. Chỉ trong nửa đầu năm 2021, sản lượng ô tô năng lượng mới của Trung Quốc đạt 1,19 triệu chiếc, tăng 205% so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 6 lần so với sản lượng đạt được của cả năm 2015. Đà tăng trưởng này là do Trung Quốc đang hướng tới việc giảm dần sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu dầu thô từ nước ngoài và chuyển sang năng lượng điện vốn là thế mạnh của nước này.
Ngoài ra, trong lĩnh vực ô tô truyền thống, các quốc gia có nền công nghiệp phát triển đã xây dựng hàng rào kỹ thuật mạnh mẽ và nắm chắc trong tay các bằng sáng chế khác nhau. Cơ hội cho các công ty Trung Quốc có thể đột phá trong ngành ô tô truyền thống là rất thấp. Sự phát triển của ô tô truyền thống đang chậm lại, nhưng trong lĩnh vực ô tô điện, nhìn chung tất cả quốc gia đều có chung một vạch xuất phát và đây là cơ hội cho Trung Quốc. Sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô năng lượng mới của Trung Quốc cũng có sự hỗ trợ từ các khoản trợ cấp lớn của Chính phủ và các chính sách thuận lợi nhằm thay đổi thái độ người dùng đối với việc bảo vệ môi trường.
Hiện nay, xe điện của Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn nghiên cứu thăm dò sang giai đoạn tăng trưởng. Trung Quốc đang nỗ lực để nắm bắt cơ hội xoay chuyển trong lĩnh vực xe điện và các công ty ô tô lớn cũng đang bắt đầu bắt tay vào sản xuất.
Một trong những ngành khác mà Trung Quốc cũng đẩy mạnh trong những năm gần đây là robot công nghiệp. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến hết 6 tháng đầu năm 2021, sản xuất robot công nghiệp của nước này đạt mức tăng trưởng trung bình 31,6%, đạt 72,4 nghìn bộ trong năm 2016 và tăng lên 186,93 nghìn bộ trong năm 2020. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2021 khi tính đến hết tháng 6 đã có 173,63 nghìn bộ robot công nghiệp được sản xuất tại Trung Quốc, tăng 69,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, tỷ lệ dân số có khả năng lao động tại Trung Quốc ngày càng thấp. Do đó, hàng nghìn nhà máy trên khắp đất nước này phải nỗ lực thay thế con người bằng tự động hóa, robot hóa và số hóa. Theo công ty dịch vụ tài chính Sinolink Securities, đối với ngành công nghiệp robot, Chính phủ Trung Quốc cung cấp các khoản trợ cấp chiếm khoảng 20% lợi nhuận ròng của quốc gia.
Trung Quốc là thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới kể từ năm 2013. Các công ty như Midea đã “mở đường” bằng cách mua lại nhà sản xuất robot công nghiệp Kuka của Đức năm 2017 với giá 4,5 tỉ euro (5,1 tỉ USD). Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đề cập đến quá trình sản xuất truyền thống tự động hóa liên tục và nâng cấp các phương thức công nghiệp, đồng thời sử dụng công nghệ thông minh hiện đại để đạt được tăng trưởng hiệu quả và có lợi hơn. Tuy nhiên, lực lượng lao động robot ở Trung Quốc chưa bằng con người.
Theo số liệu tháng 1/2021 từ Liên đoàn Robot Quốc tế, ở Trung Quốc chỉ có 187 robot/10.000 nhân viên. Trong khi đó, Singapore có mật độ robot cao nhất với 918 robot, theo sau là Hàn Quốc với 868 robot/10.000 nhân viên. Trong những năm qua, ngành sản xuất công nghiệp của Trung Quốc cũng đẩy mạnh sản xuất điện hạt nhân, năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Mức tăng trưởng bình quân các ngành này trong giai đoạn từ năm 2016 đến 6 tháng năm 2021 đạt bình quân 16 – 20%.
Ngày 19/4/2021, Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) công bố bản dự thảo kế hoạch, trong đó, cho biết NEA sẽ tìm cách nâng sản lượng điện từ các nhà máy năng lượng mặt trời và gió từ mức 9,7% năm 2020 lên khoảng 11% tổng lượng điện tiêu thụ của quốc gia này vào năm 2021. Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nước này sẽ tăng tỉ trọng của nhiên liệu phi hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp lên khoảng 25% vào năm 2030. Động thái này nhằm góp phần thực hiện cam kết cắt giảm lượng phát thải carbon của Trung Quốc trước năm 2030.
Theo dự thảo kế hoạch trên, sản lượng điện mặt trời và điện gió của Trung Quốc sẽ cần tăng hàng năm trong vòng 5 năm tới và đạt khoảng 16,5% tổng lượng điện năng sử dụng vào năm 2025. Sản xuất máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Trung Quốc cũng đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2016 - 2021, với mức tăng bình quân khoảng 12,3%/năm. Trong khi đó, hoạt động sản xuất của các ngành sắt thép, xi măng, kim loại màu… tại Trung Quốc trong những năm gần đây không có nhiều biến động.
Việc Trung Quốc cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon đến năm 2060 sẽ cắt giảm đáng kể việc sản xuất kim loại của nước này trong những năm tới. Do thép chiếm 18% lượng khí thải của Trung Quốc, nước này sẽ phải hạn chế tăng trưởng trong ngành này.
Theo Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc, Trung Quốc đã cam kết cắt giảm 236 triệu tấn thép trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, kéo dài từ năm 2021 đến năm 2025. Bên cạnh đó, 221 triệu tấn có thể được cắt giảm thêm nếu cần các quy trình thân thiện với môi trường hơn. Ở chiều ngược lại, các ngành sản xuất như dệt may, vải, điện thoại các loại của Trung Quốc có xu hướng chững lại hoặc giảm trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các nhà đầu tư trong ngành này chuyển dịch một phần sản xuất sang các nước khác.
Giai đoạn từ năm 2016 đến 6 tháng năm 2021, sản xuất vải của Trung Quốc giảm trung bình khoảng 1%/năm. Hàng dệt may tăng trưởng 3,4% nhưng tốc độ tăng trưởng đã giảm từ 5,5% của năm 2016 xuống còn 0,7% trong năm 2020. Sản xuất điện thoại các loại sau khi tăng 20,3% trong năm 2016 cũng đã giảm liên tục trong giai đoạn 2018 - 2020, với mức giảm 4,1% năm 2018, giảm 6% trong năm 2019 và giảm 9,5% năm 2020. Tuy nhiên 6 tháng năm 2021, sản lượng điện thoại các loại của Trung Quốc tăng mạnh lên 21,1%, đạt 754,02 triệu chiếc.
Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu các mặt hàng kim loại và hàng dệt may, da giày
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu của nước này tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2021 nhờ nhu cầu nguyên liệu thô tăng cao. Giá trị nhập khẩu tăng một phần do giá nguyên liệu thô như than, thép, quặng sắt và đồng tăng cao do nhu cầu ở nhiều nền kinh tế cải thiện sau đại dịch và thanh khoản toàn cầu dồi dào. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm bằng da thuộc; yên cương và bộ yên cương; các mặt hàng du lịch, túi xách và các loại đồ chứa tương tự; các sản phẩm làm từ ruột động vật (trừ ruột con tằm) tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch nhập khẩu nhôm, đồng, quặng, xỉ tro và các kim loại cơ bản khác của Trung Quốc cũng tăng từ 70 – 80% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng may mặc và phụ kiện quần áo, dệt kim hoặc móc của Trung Quốc tăng mạnh 69,4% trong 5 tháng đầu năm 2021.
Đánh giá tác động trong việc thay đổi về xu hướng sản xuất và xuất, nhập khẩu của Trung Quốc đến Việt Nam Việc Trung Quốc cắt giảm sản xuất của một số ngành công nghiệp như sắt thép, hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ… do các yếu tố liên quan đến sự chuyển dịch nhu cầu của thị trường Mỹ sau căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và cam kết cắt giảm lượng khí thải sẽ mang đến nhiều lợi thế cho hoạt động đầu tư, sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Thời gian qua, Việt Nam được coi là lựa chọn hàng đầu của các công ty thời trang Mỹ để thay thế một phần nguồn hàng từ Trung Quốc. Nguyên nhân là sản xuất tại Việt Nam có chi phí thấp hơn Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi có hiệu quả cao hơn Bangladesh. Năm 2020, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang Mỹ giảm thấp nhất trong tất cả các nguồn cung cấp nhờ các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc giảm 39,2%, Ấn Độ giảm 25,6%, Bangladesh giảm 11,7% hay Indonesia giảm hơn 20% nhưng Việt Nam chỉ giảm 7,2%.
Ngành nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong năm 2020 cũng đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường xuất khẩu số 1 vào Mỹ. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu các loại nguyên liệu thô của Trung Quốc tăng trong những tháng đầu năm 2021 cũng thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 683,32 triệu USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; Clanhke và xi măng tăng 29,2%; sản phẩm hóa chất tăng 77,8%; quặng và khoáng sản khác tăng 39,4%...