Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng với phương án “3 tại chỗ”
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong phòng chống dịch bệnh, một số địa phương vẫn có chỉ số IIP tăng nhờ việc thực hiện phương án “3 tại chỗ”, quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh tại một số Khu công nghiệp.
Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 7 và 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua (trừ tháng 02 có số ngày làm việc ít nhất). Trong đó ngành khai khoáng tháng 7 giảm 8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Tính chung 7 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,2%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,2%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,3%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất kim loại tăng 34,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 30,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,2%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 13%. Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,4%; khai thác than cứng và than non giảm 2,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 1,1%; Công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 15,8%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng năm 2021 tăng so cao với cùng kỳ năm trước bao gồm: Thép cán tăng 55,9%; linh kiện điện thoại tăng 40%; ô tô tăng 39,6%; giày, dép da tăng 19,3%; sắt, thép thô tăng 16,2%; phân hỗn hợp NPK tăng 15,4%; điện thoại di động tăng 14,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo và sợi tự nhiên cùng tăng 10,6%; quần áo mặc thường tăng 9,5%. Trong khi đó, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 13,4%; tivi các loại giảm 10,3%; phân u rê giảm 5,2%; dầu thô giảm 5,9%; than sạch giảm 2,8%.
Đối với 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg để phòng chống dịch Covid-19, có 7 địa phương có chỉ số IIP tháng 7 giảm so với cùng kỳ năm trước bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%; Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%; Trà Vinh giảm 5,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%; Bến Tre giảm 0,2%. Tuy nhiên, một số địa phương có chỉ số IIP tăng do một số Khu công nghiệp quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh với phương án 3 tại chỗ nên được phép hoạt động để tiếp tục thực hiện các đơn hàng sản xuất đã ký kết hợp đồng trước đó, cụ thể:
Bạc Liêu tăng 13,7% do sản xuất điện tăng 137,6% (bổ sung Nhà máy điện gió Đông Hải 1 hòa lưới điện tháng 2/2021, Nhà máy điện gió Công Lý, Nhà máy điện gió Hòa Bình hòa lưới điện tháng 3/2021); Bình Phước tăng 12,2% do sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 29,5%; Hậu Giang tăng 10,1% do sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,3%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 27,2%; sản xuất đồ uống tăng 76,4%; Kiên Giang tăng 8,8% do sản xuất khoáng phi kim loại khác tăng 6,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 69,5%; sản xuất điện tăng 14%; Cần Thơ tăng 8,1% do sản xuất chế biến thực phẩm tăng 20,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 42,7%; sản xuất thuốc lá tăng 3,9%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 30,6%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 52%; Sóc Trăng tăng 7,6% do sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,6%; sản xuất đồ uống tăng 67,4%; An Giang tăng 6% do ngành dệt tăng 20,2%; sản xuất trang phục tăng 0,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 10,1%; sản xuất khoáng phi kim loại khác tăng 14,6%.
Đáng chú ý, tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, cơ bản đã khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp dần hồi phục. Tốc độ tăng chỉ số IIP các tháng 5, tháng 6 và tháng 7 so với cùng kỳ năm trước của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh lần lượt là: Bắc Giang tháng 5 giảm 26,7%; tháng 6 giảm 49,8% và tháng 7 giảm 15,3%; Bắc Ninh tăng 23,9%; giảm 8,6% và tăng 1,1%.
Thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24 tháng 7 năm 2021, chỉ số IIP tháng 7/2021 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.