Cơ cấu chuyển dịch các ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo của Thụy Điển thuận lợi cho Việt Nam
Với việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại vào trong sản xuất, lĩnh vực công nghiệp sản xuất của Thụy Điển đã đạt được những kết quả tích cực trong những năm gần đây.
Thụy Điển có lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp/ sản xuất mạnh mẽ và thành công, chiếm 20% GDP của Thụy Điển. Ngành này chiếm 75% xuất khẩu của Thụy Điển và tạo ra hơn 1 triệu việc làm. Các phân ngành quan trọng nhất là các ngành công nghiệp truyền thống của Thụy Điển gồm: thép, ô tô, hóa chất và lâm nghiệp, ngoài ra còn có các sản phẩm kim loại, máy móc và thiết bị công nghiệp, tự động hóa và thiết bị chế biến thực phẩm. Năm 2017, Chính phủ Thụy Điển đã khởi động giai đoạn hai của chiến lược phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lộ trình công nghiệp hóa thông minh.
Các lĩnh vực trọng tâm chính là số hóa, sản xuất bền vững và tiết kiệm tài nguyên, tạo ra nhân tài công nghiệp và thúc đẩy đổi mới, và giai đoạn 2 bao gồm 37 biện pháp mới, như các chương trình tự động hóa và robot cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; các phòng thử nghiệm quốc gia về sản xuất xe điện; các chương trình không phát thải và các ưu đãi cho các ngành sử dụng nhiều năng lượng.
Thụy Điển có lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông mạnh mẽ, kết hợp với nền giáo dục trình độ cao và khả năng hợp tác hiệu quả giữa các ngành, học viện và chính phủ, khiến Thụy Điển trở thành một thị trường hấp dẫn cho các công nghệ mới. Thụy Điển có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực như: sản xuất bồi đắp (AM), thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) - đây là những trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp kỹ thuật số…
Có thể thấy, Thụy Điển đang đi đầu trong cuộc đua toàn cầu hướng tới Công nghiệp 4.0. Bằng cách khai thác chuyên môn tự động hóa của quốc gia, các cụm công nghiệp phát triển mạnh và năng lượng sạch, các nhà sản xuất lớn và nhỏ có thể dẫn đường đến một tương lai xanh hơn và thông minh hơn. Với việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại vào trong sản xuất, lĩnh vực công nghiệp sản xuất của Thụy Điển đã đạt được những kết quả tích cực trong những năm gần đây.
Theo Cơ quan Thống kê Thụy Điển, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thụy Điển tăng liên tục trong 5 năm qua (từ năm 2017 đến nay), từ mức 107,4 điểm năm 2017 tăng lên 113 điểm năm 2019, năm 2020 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khiến chỉ số sản xuất công nghiệp của Thụy Điển giảm xuống còn 107,8 điểm. Tuy vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thụy Điển đã nhanh chóng tăng trở lại, đạt mức 115,8 điểm trong 5 tháng đầu năm 2021 cao hơn cả mức trước khi đại dịch xảy ra.
Trong đó, ngành công nghiệp khai thác (mỏ và đá) của Thụy Điển đã giảm trong 5 năm qua (từ năm 2017 đến nay), từ mức 120 điểm năm 2017 xuống còn 117,8 điểm trong năm 2019 và 116,9 điểm trong 5 tháng đầu năm 2021. Ở chiều ngược lại, chỉ số ngành công nghiệp sản xuất của Thụy Điển lại có xu hướng tăng, từ mức 107 điểm năm 2017 lên 112,9 điểm năm 2019. Năm 2020, tác động của dịch Covid-19 trên toàn cầu đã khiến chỉ số sản xuất công nghiệp của Thụy Điển giảm xuống còn 107,4 điểm. Tuy vậy, năm 2021, ngành công nghiệp sản xuất của Thụy Điển lấy lại được đà tăng trưởng khi chỉ số sản xuất trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 116,1 điểm – mức cao nhất từ trước đến nay.
Đối với lĩnh vực sản xuất (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) của Thụy Điển, trong 5 năm qua, Thụy Điển đã và đang chú trọng phát triển các ngành sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ (trừ đồ nội thất); ngành công nghiệp sản xuất giấy; ngành công nghiệp hóa chất, sản phẩm hóa chất và dược phẩm; ngành sản xuất xe có động cơ, rơ moóc và sơ mi rơ moóc… Đây phần lớn là các ngành sản xuất ra nhóm hàng là tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang dần phục hồi sau đại dịch, với chiến dịch tiêm chủng được triển khai rộng khắp… tình hình sản xuất các nhóm ngành công nghiệp trên của Thụy Điển càng tăng mạnh, trong đó, chỉ số sản xuất ngành sản xuất hóa chất, sản phẩm hóa chất và dược phẩm của Thụy Điển đã tăng mạnh lên mức 146,3 điểm trong 5 tháng đầu năm 2021 – mức cao nhất từ trước đến nay; chỉ số sản xuất ngành sản xuất xe có động cơ, rơ moóc và sơ mi rơ moóc tăng lên 143,6 điểm trong 5 tháng đầu năm 2021…
Kết quả này có được là do đơn đặt hàng (nội địa Thụy Điển và xuất khẩu) của các nhóm ngành trên tăng mạnh, đặc biệt tăng so với chỉ số sản xuất trước khi đại dịch xảy ra, trong đó, chỉ số đơn đặt hàng nhóm ngành ngành công nghiệp hóa chất, sản phẩm hóa chất và dược phẩm tăng lên mức 145 điểm, tăng cao hơn so với thời điểm trước khi đại dịch xảy trong năm 2019 là 120,3 điểm chỉ số; chỉ số đơn đặt hàng ngành sản xuất máy móc và thiết bị chưa được phân vào đâu tăng lên mức 145,2 điểm trong 5 tháng đầu năm 2021, từ mức 128,8 điểm của năm 2019; chỉ số đơn đặt hàng ngành sản xuất xe có động cơ, rơ moóc và sơ mi rơ moóc tăng lên mức 155,6 điểm trong 5 tháng đầu năm 2021, từ mức 141 điểm của năm 2019…
Bên cạnh việc mở rộng sản xuất các nhóm ngành công nghiệp sản xuất trên, Thụy Điển lại giảm sản xuất ở các nhóm ngành như: ngành sản xuất thực phẩm, đồ uống và thuốc lá; ngành in ấn và sản xuất các phương tiện truyền thông được ghi lại; ngành sản xuất than cốc và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế; ngành sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy; ngành sản xuất đồ nội thất; ngành sản xuất kim loại cơ bản; ngành sản xuất thiết bị vận tải khác; sửa chữa và lắp đặt máy móc thiết bị…
Nhóm hàng tại thị trường nội địa, để bù đắp cho sự thiếu hụt, Thụy Điển lại đẩy mạnh nhập khẩu. Trong đó, theo tính toán từ số liệu của Cơ quan Thống kê Thụy Điển, chiếm 45,7% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa công nghiệp vào Thụy Điển là nhóm hàng thuộc ngành sản xuất máy móc, thiết bị vận tải. Trong 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu nhóm hàng này vào Thụy Điển đạt 26,4 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, Thụy Điển cũng tăng nhập khẩu các nhóm hàng thuộc các ngành công nghiệp dệt may, quần áo, giày dép; đồ nội thất, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt lần lượt là 13,1% và 10,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra, Thụy Điển cũng tăng nhập khẩu các sản phẩm của ngành khai khoáng như sắt thép tăng 11,1% trong 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020; kim loại màu tăng 24,5%; quặng kim loại màu, phế liệu kim loại tăng 33,6%... Có thể thấy, với những mặt hàng Thụy Điển đang có nhu cầu nhập khẩu lớn cũng như tốc độ nhập khẩu tăng mạnh thì Việt Nam hoàn toàn có thể cung ứng, bởi đây là những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh và đang đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới. Sự chuyển dịch trong cơ cấu các ngành công nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo của Thụy Điển đang là dấu hiệu rất tích cực đối với Việt Nam trong bối cảnh khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa; dịch bệnh vẫn lây lan với những làn sóng mới khiến tổng nhu cầu thế giới giảm.
Đáng chú ý, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU sau gần 1 năm có hiệu lực với nhiều ưu đãi thuế quan sẽ thúc đẩy hơn nữa hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Thụy Điển trong thời gian tới. Việt Nam đang có những yếu tố thuận lợi như trở thành một điểm đến an toàn cho dòng vốn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn và chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19. Để làm được việc đó, Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ vốn vẫn chưa thực sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Tại cuộc hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng” do Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức vào ngày 27/10/2020, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đang có cơ hội đặc biệt để củng cố vị thế của mình như một lựa chọn sản xuất thay thế hàng đầu. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn – đó là tăng giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng, thay vì chỉ tăng giá trị thương mại một cách đơn thuần. Thụy Điển có thể hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ bền vững bằng cách tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, cũng như nâng cao hiệu quả của dây chuyền sản xuất.
Theo đó, các doanh nghiệp Thụy Điển có thể hỗ trợ về mặt công nghệ cũng như tài chính, để Việt Nam được trang bị tốt nhất khi tiếp cận với công nghiệp 4.0, đồng thời nắm bắt các cơ hội mà Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và chuyển dịch chuỗi cung ứng mang lại.
Một số tổ chức tài chính của Chính phủ Thụy Điển như Quỹ tín dụng Xuất khẩu Thụy Điển (EKN) và Tổ chức Tín dụng Xuất khẩu Thụy Điển (SEK) có thể đưa ra các gói hỗ trợ tín dụng cho các công ty Thụy Điển khi hợp tác với các công ty của Việt Nam, cả trong khối chính phủ và tư nhân.