Cách mạng công nghệ 4.0 giúp ngành phân bón của Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm
Ngành phân bón thế giới và trong nước đã bước vào giai đoạn bão hòa, tốc độ tăng trưởng ngành chậm lại, đặt ra thách thức cho động lực phát triển của ngành phân bón giai đoạn tới.
Thế kỷ 21 đi liền với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng nông nghiệp hữu cơ, khiến việc sử dụng phân bón chất lượng cao, hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, sử dụng tiết kiệm và không gây ô nhiễm môi trường được coi trọng hơn.
Xu hướng sử dụng phân NPK chất lượng cao kết hợp với các loại phân bón hữu cơ, vi sinh kỳ vọng là động lực tăng trưởng cho ngành phân bón thế giới và Việt Nam trong giai đoạn tới…
Nhờ chính sách thu hút đầu tư của nhà nước, cũng như những thay đổi về tái cơ cấu ngành phân bón, Việt Nam từ quốc gia phải phụ thuộc vào nguồn phân bón nhập khẩu, trong khoảng nhiều năm trở lại đây, ngành phân bón Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, chủ động được nguồn cung và thậm chí xuất khẩu sản phẩm sang hơn 20 quốc gia.
Mặc dù đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu của thị trường trong nước nhưng thời gian qua, nhiều nhà máy sản xuất phân bón chỉ chú trọng vào số lượng chứ chưa thật sự quan tâm đến việc nâng cấp chất lượng sản phẩm. Cả ba loại phân bón chủ lực là: phân lân, phân urê, phân bón hỗn hợp NPK đang phải đối mặt với nhiều hạn chế, thách thức. Sức cạnh tranh của ngành phân bón Việt Nam vẫn thấp vì những vướng mắc trong công nghệ.
Ðối với phân NPK, giống như nhiều quốc gia khác, các doanh nghiệp phân bón Việt Nam cũng sản xuất theo ba phương pháp chính: phối trộn cơ học, vê viên tạo hạt và phương pháp hóa học. Chỉ một số ít các doanh nghiệp áp dụng phương pháp hóa học vào sản xuất. Hầu hết các doanh nghiệp sử dụng phương pháp phối trộn cơ học và vê viên tạo hạt do quy trình sản xuất này đơn giản, không đòi hỏi công nghệ hiện đại, vốn đầu tư ít. Chính vì điều này mà hiện nay công nghệ sản xuất của nhiều nhà máy NPK trong nước đã lạc hậu. Hệ quả, mặc dù phân NPK của Việt Nam đa dạng về chủng loại nhưng chất lượng chưa cao, hàm lượng chất dinh dưỡng thấp, khó kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra, dễ bị làm nhái, làm giả.
Ðối với phân urê, đây là loại phân đạm được sản xuất nhiều tại Việt Nam do hàm lượng Ni-tơ cao và công nghệ sản xuất phổ biến nhất. Tuy nhiên, nhiều nhà máy phân bón urê xây dựng lâu năm đến nay đã trở nên cũ kỹ, công nghệ sản xuất lỗi thời. Các chỉ tiêu tiêu hao nguyên liệu, năng lượng cao, sức cạnh tranh của sản phẩm thấp.
Ðối với phân lân, ngành phân bón của Việt Nam đã sản xuất được bốn loại phân lân, chia làm hai nhóm chính. Nhóm phân lân đơn gồm phân supe lân và phân lân nung chảy. Nhóm thứ hai là DAP và phân MAP. Trong các sản phẩm nêu trên, phân DAP và MAP có quy trình sản xuất phức tạp, đòi hỏi công nghệ hiện đại. Các nhà máy sản xuất DAP, MAP trong nước hiện tại đều sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến với chi phí đầu tư lớn. Ðối với phân lân đơn, công nghệ sản xuất của Việt Nam chưa được đánh giá cao. Cụ thể, phân supe lân là loại phân bón đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, các nhà máy được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Hiện, các nhà máy này đã cũ, công nghệ ở mức trung bình, tiêu hao nhiều năng lượng, chất lượng sản phẩm không cao.
Nhu cầu phân bón vô cơ trong nước và thế giới đang chững lại, tình trạng dư cung tiếp tục diễn ra. Các sản phẩm phân bón trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn của hàng nhập khẩu. Nguyên nhân là do các nước có lợi thế công nghệ sản xuất và một số nước được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% theo Hiệp định ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN). Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu gây nên tình trạng hạn hán và xâm nhập.
Năm 2020 được xem là một năm thuận lợi đối với việc xuất khẩu phân bón của Việt Nam. Tiếp đà tăng trưởng năm 2020, 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu phân bón của Việt Nam đạt 290 triệu USD, tăng mạnh 43,7% so với cùng kỳ. Yếu tố tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu phân bón của Việt Nam đến từ tình hình hoạt động của thị trường phân bón Trung Quốc. Do tình hình xung đột về chính trị giữa Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng trở nên phức tạp, Ấn độ đã cấm các nhà cung cấp phân Ure từ Trung Quốc tham gia vào các gói thầu cung cấp. Ngoài ra tình trạng lụt lội và dịch bệnh đã làm sụt giảm sản lượng khai thác than và chế biến phân Ure tại Trung Quốc, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung đối với các gói thầu cung cấp phân Ure, vốn là thế mạnh của các nhà phân phối Trung Quốc.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đem lại nhiều nền tảng công nghệ cho doanh nghiệp trong sản xuất phân bón và nâng cao chất lượng sản phẩm đóng góp cho sự phát triển của ngành phân bón, tiến tới ứng dụng những công nghệ then chốt, tạo động lực phát triển cho ngành, đồng thời nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của công nghệ tiên tiến khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần đầu tư tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến, cắt giảm chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hợp lý để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Ðẩy mạnh phát triển phân bón hữu cơ đang là xu thế tất yếu của thế giới và là chủ trương lớn của Chính phủ, do đó các doanh nghiệp cần có kế hoạch, chủ động, tích cực, từng bước chuyển dần một phần sang sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ nhằm cân đối giữa phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ, đáp ứng nhu cầu của người nông dân; hướng đến các mặt hàng chất lượng cao, an toàn sức khỏe, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách để tạo môi trường công bằng cho ngành sản xuất phân bón trong nước phát triển, chủ động nguồn cung, mang lại lợi ích cho người nông dân. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, xây dựng thương hiệu, ưu đãi trong giao và thuê đất cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất phân bón, nhất là sản xuất phân bón hữu cơ…