Sản xuất công nghiệp của Hàn Quốc phục hồi sau đại dịch Covid-19
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế Hàn Quốc năm 2021 vươn lên vị trí thứ 10 thế giới và thứ 4 châu Á, bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Để đạt được kết quả khả quan trên là nhờ sự đầu tư nghiêm túc và kiên trì trong việc áp dụng công nghệ 4.0 vào tất cả các ngành sản xuất công nghiệp của nước này. Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích các doanh nghiệp thích ứng với hướng mới về số hóa sản xuất. Năm 2017, khu vực tư nhân và nhà nước Hàn Quốc đã đồng ý tăng số lượng nhà máy thông minh trong nước, với mục tiêu có hơn 30.000 nhà máy hoạt động với công nghệ phân tích và kỹ thuật số mới nhất vào năm 2025.
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) đã củng cố các kế hoạch của Chính phủ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm giúp họ áp dụng và mở rộng các công nghệ nhà máy thông minh. Hơn 99% công ty ở Hàn Quốc là doanh nghiệp vừa và nhỏ, và dữ liệu của Chính phủ nước này cho thấy xuất khẩu từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục tăng. Chính phủ sẽ hỗ trợ để giúp đào tạo 40.000 công nhân lành nghề để vận hành các cơ sở sản xuất hoàn toàn tự động thông qua các chương trình giáo dục khác nhau, đồng thời đa dạng hóa hỗ trợ. Mục tiêu là 30.000 nhà máy thông minh vào năm 2025 đã được tăng lên so với mục tiêu trước đó là 10.000 nhà máy vào năm 2020, để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của số hóa và tự động hóa hoàn toàn trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Năm 2020, để khôi phục lại nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư 414,4 triệu USD vào các dự án R&D để khuyến khích các công ty vừa và nhỏ phát triển và nâng cao công nghệ tự động. Trong đó, Samsung Electronics và SK Hynix, các nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới, có kế hoạch đầu tư 32,8 tỷ USD vào ngành này vào năm 2024 (Samsung Electronics 19 tỷ USD, SK Hynix 13,8 tỷ USD)… Các nhà máy thông minh đang hướng nhiều hơn đến việc có các cơ sở sản xuất tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và giám sát thời gian thực bằng các thiết bị công nghiệp Internet of Things (IIoT).
Các dự án nghiên cứu và thử nghiệm được tài trợ bởi quỹ chính phủ bao gồm dữ liệu lớn, hệ thống vật lý mạng, cảm biến thông minh, mạng không dây và rô bốt cộng tác. Theo kế hoạch của Chính phủ Hàn Quốc, trong 10 lĩnh vực chính, mỗi lĩnh vực sẽ có 4.500 nhà máy thông minh vào năm 2025. Những công ty vận hành các nhà máy thông minh sau khi nhận được đầu tư từ Chính phủ cho biết năng suất của họ đã cải thiện 25%, trong khi tỷ lệ mất chức năng giảm 27%.
Bước sang năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực lên sự phục hồi kinh tế của Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhờ việc liên tục đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và nghiên cứu phát triển vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp hàng đầu như: điện tử, ô tô, viễn thông, đóng tàu, hóa chất… Hàn Quốc đã khẳng định vị trí là một trong những nước có ngành điện tử tiêu dùng phát triển nhất thế giới. Hiện nay, thế mạnh của Hàn Quốc là các thiết bị điện thoại thông minh, bảng hiển thị, chip, bộ nhớ, mạch…
Thực tế, Hàn Quốc đã đưa ngành điện tử và công nghệ thông tin trở thành động lực chính cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Định hướng của Chính phủ Hàn Quốc thời gian tới là đưa sản xuất chất bán dẫn trở thành ngành chiến lược quan trọng gắn với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Nhờ hướng đi đúng trong việc áp dụng công nghệ 4.0, sản xuất công nghiệp của Hàn Quốc liên tục tăng trưởng trong 5 năm gần đây. Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, giai đoạn 2016 - 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hàn Quốc tăng trưởng bình quân 0,97%/năm, từ 102,3 điểm vào năm 2016 tăng lên 106,3 điểm vào năm 2020.
Trong đó, sản xuất lĩnh vực chế tạo tăng trưởng bình quân 0,49%/năm, từ 102 điểm năm 2016 tăng lên 104 điểm vào 2020; sản xuất hàng hóa cuối cùng tăng mạnh từ 102,4 điểm năm 2016 lên 112,2 điểm năm 2020; sản xuất chất bán dẫn tăng mạnh từ 109,4 điểm năm 2016 lên mức cao kỷ lục 183,9 điểm năm 2020; sản xuất đồ nội thất tăng từ 103 điểm năm 2016 lên 105,5 điểm năm 2020; sản xuất đồ thể thao tăng từ mức thấp 99,2 điểm năm 2016 lên 117,1 điểm năm 2020. Ngược lại, sản xuất hàng hóa trung gian của Hàn Quốc giảm từ 101,3 điểm năm 2016 xuống mức thấp nhất 98,9 điểm năm 2020. Đối với nhóm hàng dệt may, sản xuất hàng dệt may, trừ quần áo giảm từ 104,4 điểm năm 2016 xuống 93,9 điểm năm 2020; sản xuất kéo sợi và chế biến chỉ và sợi giảm từ 96,9 điểm năm 2016 xuống 77,7 điểm năm 2020; sản xuất các sản phẩm dệt giảm từ 99,7 điểm năm 2016 xuống 93 điểm năm 2020; sản xuất nhuộm và hoàn thiện hàng dệt may giảm từ 105,1 điểm năm 2016 xuống 91,4 điểm năm 2020. Bên cạnh đó, sản xuất nhiều mặt hàng công nghiệp khác giảm, như: các mặt hàng giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giấy và sản phẩm từ giấy, cao su, sản phẩm từ cao su và nhựa, sản xuất thép, kim loại cơ bản, linh kiện điện tử, máy tính.
Dữ liệu sản xuất công nghiệp của Hàn Quốc cho thấy, sản xuất công nghiệp của nước này trong 7 tháng đầu năm 2021 phục hồi mạnh mẽ. Do đó, Hàn Quốc tăng nhập khẩu hàng hóa nhằm phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến và tiêu dùng nội địa.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, giai đoạn 2016 - 2020, nhập khẩu hàng hóa của Hàn Quốc tăng trưởng bình quân 4,2%/năm, từ mức thấp nhất 406,06 tỷ USD năm 2016 tăng lên 467,54 tỷ USD năm 2020.
Nửa đầu năm 2021, nhập khẩu hàng hóa của Hàn Quốc tiếp tục tăng mạnh 24,1% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 285,17 tỷ USD. Tốc độ nhập khẩu nhiều mặt hàng thuộc lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng của Hàn Quốc tăng mạnh. Đơn cử, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị cơ khí, lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi và các bộ phận của chúng (HS 84) tăng 29,1%, đạt gần 36 tỷ USD. Trong đó, Hàn Quốc nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam đạt 1,47 tỷ USD, tăng 74%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 31,9% trong giai đoạn 2016 - 2020. Thị phần máy móc, thiết bị cơ khí, lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi và các bộ phận của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Hàn Quốc chiếm 4,1% trong 6 tháng đầu năm 2021.
6 tháng đầu năm 2021 so với 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng may mặc và phụ kiện quần, áo, không dệt kim hoặc móc (HS 62) của Hàn Quốc tăng 11,7%, đạt 3,54 tỷ USD. Trong đó, Hàn Quốc nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam đạt 819 triệu USD, tăng 6,2%, cao hơn so với tốc độ nhập khẩu bình quân 4,5%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020. Thị phần mặt hàng may mặc và phụ kiện quần, áo, không dệt kim hoặc móc của Việt Nam trong tổng giá trị nhập khẩu của Hàn Quốc chiếm 32,17% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Qua số liệu thống kê trên có thể thấy, Hàn Quốc tăng nhập khẩu hầu hết các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 và trong nửa đẩu năm 2021, bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhập khẩu các mặt hàng trên chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc. Điều này có thể thấy Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho Hàn Quốc.
Nền kinh tế Hàn Quốc phục hồi tốt nhờ được hỗ trợ bởi ngành sản xuất công nghiệp hiện đại, giúp xuất khẩu hàng hóa của nước này tăng trưởng khả quan. Sự phục hồi kinh tế của Hàn Quốc giúp nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và thực phẩm tăng cao. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; gỗ và sản phẩm từ gỗ; hàng thủy sản; giày dép các loại; xơ, sợi dệt các loại …
Cập nhật số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng khả quan 12% so với 7 tháng đầu năm 2020, đạt 12,15 tỷ USD. Trong đó, có tới 36/40 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng. Đáng chú ý, có 3 mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 3 con số như: Cao su (tăng 100,1%); đá quý, kim loại quý và các sản phẩm (tăng 140%); than các loại (tăng 190,6%). Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng cao, như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 35,9%); phương tiện vận tải và phụ tùng (tăng 47,5%); xơ, sợi dệt các loại (tăng 57,6%); kim loại thường khác và sản phẩm (tăng 42,2%); sản phẩm từ chất dẻo (tăng 44,1%); dây điện và dây cáp điện (tăng 41,2%); sắt thép các loại (tăng 47,1%); sản phẩm từ sắt thép (tăng 36,1%); hóa chất (tăng 60%).