Vai trò quan trọng của CNHT trong sự phát triển ngành ô tô (Kỳ 2)
CNHT cho ngành công nghiệp ô tô có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô mà còn có vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
>>>Kỳ I: Công nghiệp hỗ trợ trong mối tương quan với ngành công nghiệp
Vai trò đó thể hiện ở các điểm sau:
Sự phát triển của CNHT ngành ô tô sẽ tạo thêm điều kiện để hội nhập kinh tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Hiện nay, nền công nghiệp ô tô thế giới do các tập đoàn đa quốc gia chiếm lĩnh và chi phối về nghiên cứu và phát triển, công nghệ, thị trường, trong đó, 15 Tập đoàn hàng đầu chiếm 82% thị trường ô tô toàn cầu. Chuỗi giá trị toàn cầu ô tô hiện nay được tổ chức rất chặt chẽ, với một số ít thành viên dẫn dắt hay “người tích hợp hệ thống” là các tập đoàn đa quốc gia (MNCs) đóng vai trò đầu mối trong việc đổi mới, phát triển sản phẩm, đảm bảo nguyên liệu, định vị sản xuất, chuyển giao thông tin và công nghệ, tổ chức hậu cần vận chuyển, thực hiện marketing, đẩy mạnh tiêu thụ và dẫn dắt trong từng chuỗi giá trị đóng vai trò quan trọng. Họ kiểm soát mặt hàng được sản xuất, nơi sản xuất, người sản xuất, số lượng, giá cả và quy trình. Các tập đoàn có quy định, thỏa thuận về thị phần, phân khúc cụ thể cho sản xuất và nhập khẩu tùy thuộc vào điều kiện thị trường. Các tập đoàn thường hợp tác, sở hữu chéo để tận dụng công nghệ, thị trường và nhà cung cấp nhằm giảm giá thành sản phẩm.
Trên cơ sở đó, CNHT ngành ô tô chính là một lĩnh vực tạo cơ sở để thực hiện hội nhập kinh tế. Trong bối cảnh hội nhập, khi các quan hệ hợp tác được thiết lập, sản phẩm CNHT sẽ là một bộ phận hiện hữu, không tách rời, cấu thành trong các sản phẩm của các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia hàng đầu thế giới của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu,... CNHT nhờ đó mà trở thành một bộ phận tham gia vào hệ thống chuỗi sản xuất chuyên môn hóa quốc tế. Với việc phát triển CNHT, các quốc gia có cơ hội phối hợp với nhau trong quá trình tham gia sản xuất linh kiện, từ đó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
CNHT ngành ô tô phát triển có hiệu quả sẽ tạo điều kiện mở rộng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), góp phần tạo tăng trưởng bền vững
Nhân tố lao động giá rẻ ngày nay không còn nhiều sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư, phát triển bền vững. Nếu chỉ phát triển các ngành công nghiệp lắp ráp trong bối cảnh chi phí nhân công đang tăng dần với tốc độ tăng nhanh hơn năng suất lao động, các Tập đoàn công nghiệp (công ty xuyên quốc gia – TNCs hay công ty đa quốc gia - MNCs) sẽ sớm rời bỏ Việt Nam. Thay vào đó, xu thế ngày nay TNCs, MNCs sẽ chú trọng đầu tư sản xuất vào những khu vực mà tại đó họ có thể tận dụng được một ngành CNHT tốt, đáp ứng được nhu cầu cung ứng linh kiện, chi tiết sản phẩm phục vụ cho dây chuyền sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm, bởi tỷ lệ của chi phí về CNHT cao hơn nhiều so với chi phí lao động. Thực tế gần đây, nhiều nhà đầu tư trong ngành sản xuất ô tô đã lựa chọn Thái Lan hoặc Indonesia vì hệ thống cung ứng nội địa của Việt Nam kém cạnh tranh hơn nhiều so với các quốc gia này.
Tuy nhiên, cũng không nhất thiết phải là CNHT ngành ô tô phát triển đồng bộ rồi mới thu hút được FDI. Giữa FDI và CNHT ngành ô tô có mối quan hệ tương hỗ. Trong nhiều trường hợp, FDI đi trước và lôi kéo các công ty khác trong và ngoài nước đầu tư phát triển CNHT ngành ô tô.
Phát triển CNHT cho ngành ô tô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực sản xuất của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa
Sự phong phú, đa dạng của các loại chi tiết, linh kiện phụ tùng sẽ thu hút hàng ngàn các DNNVV trong nước tham gia vào quá trình sản xuất, qua đó góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, đặc biệt tạo cơ hội to lớn cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp nhận và làm chủ công nghệ nước ngoài, học hỏi những kinh nghiệm quản lý tiên tiến cho hệ thống DNNVV của Việt Nam.
Phát triển CNHT cho ngành ô tô giúp nền kinh tế tăng trưởng trong dài hạn, đồng thời tạo sự phát triển bền vững
Nếu CNHT ngành ô tô không phát triển thì ngành sản xuất ô tô của một quốc gia sẽ phải phụ thuộc vào nguyên liệu và các bán thành phẩm nhập khẩu. Điều này sẽ làm gia tăng tình trạng nhập siêu. Do đó, phát triển CNHT sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để hạn chế nhập siêu, theo đó sẽ có tác động tăng nguồn thu ngoại tệ, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
CNHT ngành ô tô phát triển sẽ có tác động tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hoàn chỉnh. Ngoài ra, CNHT ngành ô tô sẽ tạo ra hiệu ứng kéo theo các ngành công nghiệp khác phát triển (như các ngành luyện kim, nhựa, cao su, hóa chất, dệt may, điện – điện tử...), góp phần giải quyết việc làm, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, kích thích tiêu dùng trong nước, mở rộng quy mô thị trường của các ngành công nghiệp này.
Việc phát triển CNHT ngành ô tô cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng các cụm liên kết ngành, một công cụ rất hữu hiệu giúp nâng cao sức năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế vùng, tạo lập mạng lưới các nhà cung ứng sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế quốc gia.
Phát triển CNHT cũng sẽ tăng cường liên kết chặt chẽ ổn định lâu dài giữa các doanh nghiệp CNHT với các hãng ô tô đứng đầu trong mạng lưới sản xuất hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong điều kiện toàn cầu hóa, các quốc gia không cần thiết phải có lợi thế cạnh tranh trong tất cả các ngành mà chỉ cần tập trung vào một số lĩnh vực CNHT chuyên môn hóa với chất lượng, năng suất cao và chi phí sản xuất thấp cũng có thể duy trì sự tăng trưởng trong dài hạn. Sự liên kết kinh tế giúp các doanh nghiệp CNHT tranh thủ được nguồn vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lý từ các hãng ô tô lớn nước ngoài để nâng cao năng lực sản xuất. Khi tham gia vào sản xuất một bộ phận ô tô của các hãng ô tô nổi tiếng trên thế giới sẽ giúp các doanh nghiệp CNHT nâng cao vị thế, uy tín và phát triển thương hiệu trên thị trường quốc tế.