Hội thảo về Tính toán thiết kế che chắn thiết bị chiếu xạ công nghiệp
Từ 21-25/11/2022, trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật VIE9020 “Tăng cường hạ tầng pháp quy cho ứng dụng bức xạ và hạt nhân trong y tế và công nghiệp tại Việt Nam”, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức Hội thảo về Tính toán thiết kế che chắn thiết bị chiếu xạ công nghiệp.
Tham dự Hội thảo có các chuyên gia của IAEA và đại biểu Việt Nam đại diện các đơn vị có liên quan của Cục ATBXHN, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân và Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội.
Mục đích của Hội thảo nhằm tăng cường năng lực kỹ thuật cho cán bộ của Cục ATBXHN cũng như các đơn vị có liên quan trong việc tính toán thiết kế che chắn nhằm bảo đảm an toàn bức xạ tại các cơ sở có thiết bị chiếu xạ công nghiệp.
Trong tuần Hội thảo, các chuyên gia chia sẻ các kiến thức tính toán thiết kế che chắn bằng phần mềm Monte Carlo (MCNP) đồng thời có những bài thực hành, thẩm định về tính toán thiết kế che chắn cho cơ sở chiếu xạ công nghiệp sử dụng máy gia tốc
Thiết kế che chắn bức xạ được quy định tại Điều 7 Thông tư 19/2012/TT-BKHCN quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và công chúng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành như sau:
1. Khi tính toán thiết kế che chắn bức xạ cho khu vực kiểm soát và khu vực giám sát, tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải áp dụng mức kiềm chế liều bức xạ nghề nghiệp nhỏ hơn hoặc bằng 3/10 giá trị giới hạn liều đối với nhân viên bức xạ.
2. Khi tính toán thiết kế che chắn bức xạ cho khu vực công chúng, tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải áp dụng mức kiềm chế liều bức xạ công chúng nhỏ hơn hoặc bằng 3/10 giá trị giới hạn liều đối với công chúng trên cơ sở xem xét các yếu tố sau:
a) Sự đóng góp liều từ các nguồn bức xạ và công việc bức xạ khác, kể cả các nguồn và các công việc bức xạ có thể phát sinh trong tương lai;
b) Những thay đổi tiềm tàng có thể ảnh hưởng đến chiếu xạ công chúng như thay đổi đặc tính và vận hành của nguồn;
c) Những kinh nghiệm vận hành tốt các nguồn bức xạ hoặc tiến hành tốt các công việc bức xạ tương tự.
3. Cơ sở hạt nhân có xử lý hoặc lưu giữ chất thải phóng xạ trong hồ sơ thiết kế cơ sở phải có dữ liệu về nền móng công trình, nước ngầm, nước bề mặt, nước sinh hoạt; đánh giá khả năng thẩm thấu, vận chuyển nhân phóng xạ trong đất, nước; chứng minh thiết kế có khả năng ngăn ngừa rò rỉ chất phóng xạ vào đất, nước và không khí.