Chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho địa phương
Xác định được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số và những định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, trong thời gian qua Sở Công Thương đã tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số.
Các hoạt động này hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp; nhằm tạo môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang.
Nhận thức rõ việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà trở thành hướng đi bắt buộc đối với mọi tổ chức, doanh nghiệp khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động ngày càng sâu, rộng, Sở Công Thương đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022 – 2025 với một số chỉ tiêu phấn đấu cơ bản như: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập, bao gồm cả thiết bị di động; 50% hàng hóa được chứng nhận OCOP, chỉ dẫn địa lý có mặt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; 30% doanh nghiệp, HTX thuộc lĩnh vực công thương được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số …
Sở Công Thương Hà Giang tổ chức các lớp tập huấn cho học viên là cán bộ quản lý và doanh nghiệp, HTX, HKD trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số, thương mại điện tử.
Với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao chỉ số xếp hạng, Sở Công Thương đã xây dựng Kế hoạch số 49/KH-SCT ngày 10.2.2023 về cải thiện thứ bậc chuyển đổi số Sở Công Thương năm 2023, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phân công nhiệm vụ cho các phòng, đơn vị của Sở triển khai thực hiện 4 tiêu chí theo Bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số của tỉnh. Đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục triệt để những hạn chế đối với các tiêu chí thành phần thực hiện trong năm 2022; xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của các phòng, đơn vị thuộc Sở trong thực hiện chuyển đổi số; phấn đấu cải thiện thứ bậc về chuyển đổi số của Sở Công thương đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng của tỉnh về thực hiện chuyển đổi số năm 2023 và các năm tiếp theo.
Hiện nay, ngành Công Thương đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị; nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, công nhân viên lao động… về tính cấp thiết của chuyển đổi số. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số với nghị quyết, chương trình hành động của ngành. Nghiên cứu, hướng dẫn cho các huyện, thành phố thực hiện các quy định của ngành Công Thương về chuyển đổi số. Cùng với đó, tập trung rà soát danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công mức độ 4; áp dụng thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ công mức độ 4; phối hợp với đơn vị tư vấn của Tập đoàn FPT để xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, đảm bảo cho các hoạt động lãnh đạo, điều hành của Sở được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.
Sản phẩm Cam Vàng Hà Giang được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh chuyển đổi số phục vụ công tác chuyên môn, ngành Công Thương chú trọng tập trung đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các Sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong nước. Tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hạ tầng (hỗ trợ xây dựng website bán hàng, gian hàng trên Sàn TMĐT tỉnh Hà Giang và một số sàn phổ biến khác) và các giải pháp giao dịch, thanh toán điện tử trong thương mại và dịch vụ công. Chú trọng ứng dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa và phát triển các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR Code, POS.
Trao đổi với lãnh đạo Sở Công Thương, được biết tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, trong thời gian tới Sở sẽ duy trì và sử dụng có hiệu quả hơn nữa các phần mềm, hệ thống, website. Đầu tư nâng cấp lại toàn bộ cơ sở hạ tầng về hệ thống mạng trong nội bộ cơ quan, nhằm thực hiện tốt hoạt động quản lý, điều hành. Tập trung đẩy mạnh truyền thông số tiêu thụ nông sản, tiếp tục hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, góp phần tạo thói quen tiêu dùng số, thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước xây dựng kỹ năng số trong mua bán, giao dịch hàng hóa sản phẩm cho người tiêu dùng. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong quá trình chuyển đổi số của ngành Công Thương Hà Giang.