Thêm 9 món ăn được được Tổ chức Kỷ lục Châu Á ghi nhận: Khẳng định thương hiệu ẩm thực Việt
Theo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, năm 2023, có thêm 9 món ăn được Tổ chức Kỷ lục Châu Á ghi nhận đạt giá trị Kỷ lục Ẩm thực – Đặc sản Châu Á gồm: Các loại bánh dân gian Cần Thơ, xôi chiên phồng, bánh Phu Thê, trái thanh long Bình Thuận, trái vải thiều Lục Ngạn, Nước mắm Con Cá Vàng, Atiso Đà Lạt, Cơm tấm Long Xuyên, Các món ăn từ Khóm Cầu Đúc… là những món ăn tinh tuý của các vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam, khẳng định niềm tự hào của mỗi người con đất Việt đối với nét đẹp văn hoá ẩm thực của dân tộc.
Xác định Ẩm thực và Đặc sản là một thế mạnh đặc biệt của đất nước, ngay từ những ngày đầu thành lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã lên kế hoạch thực hiện các Hành trình nhằm tôn vinh những giá trị tinh hoa của đất nước, con người Việt Nam và đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực ẩm thực ẩm thực.
Trước đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã 4 lần công bố 41 món ăn Việt được xác lập kỷ lục châu Á vào các năm: 2012, 2013, 2022 và 2023. Như vậy Việt Nam đã có 50 kỷ lục châu Á trong lĩnh vực ẩm thực - đặc sản. Đầu tháng 4/2023, Tổ chức Kỷ lục Châu Á chính thức công nhận thêm 09 Kỷ lục Châu Á cho các món ăn/nhóm món ăn, đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Với số lượng này cũng đánh dấu cột mốc 50 Kỷ lục Châu Á trong lĩnh vực Ẩm thực của Việt Nam, theo bộ tiêu chí xác lập “Giá trị Ẩm thực Châu Á”.
Những món ăn Việt xác lập kỷ lục lần trước rất quen thuộc với người dân như:Phở (Hà Nội), bánh đa cua (Hải Phòng), cháo lươn (Nghệ An), cơm tấm Sài Gòn (TP.HCM), bún bò Huế (Thừa Thiên Huế), bún chả (Hà Nội), phở khô (Gia Lai), bánh khọt (Bà Rịa - Vũng Tàu), mì Quảng (Quảng Nam), hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang), bún suông (Trà Vinh), bún cá Châu Đốc (An Giang), các món ăn từ cá ngừ đại dương (Phú Yên), các món ăn từ sen (Đồng Tháp), các món ăn từ dừa (Bến Tre)…
Danh sách 09 Kỷ lục Châu Á cho các món ăn/nhóm món ăn, đặc sản nổi tiếng Việt Nam năm 2023:
Các loại bánh dân gian Cần Thơ
Bánh dân gian Cần Thơ có hàng trăm loại vô cùng đa dạng, có thể kể đến một số bánh như: Bánh tằm bì, bánh ướt, bánh in, bánh đùm, bánh còng, bánh bột nếp, bánh gói, bánh hẹ, bánh da lợn, bánh bột rán, bánh ít nước tro, bánh lá mít, bánh lá mơ, bánh kẹp ngò, bánh chuối hoa cúc, bánh lọt, bánh con sùng ngũ sắc,…
Đối với người dân Cần Thơ, các loại bánh dân gian không chỉ dùng để ăn mà còn là những giá trị văn hóa lâu đời cần được gìn giữ và phát huy.
Bánh Phu Thê Đình Bảng (Tỉnh Bắc Ninh)
Bánh phu thê Đình Bảng (tỉnh Bắc Ninh) sử dụng những nguyên liệu truyền thống quen thuộc như gạo nếp, đỗ xanh, quả dành dành, đu đủ, hạt sen, dừa… nhưng lại mang đến hương vị dẻo thơm riêng biệt. Vỏ bánh làm từ gạo nếp cái hoa vàng, nhân được làm bằng đậu xanh đãi sạch vỏ, giã nhuyễn trộn với đường cát trắng, nước cốt dừa và dừa nạo. Sau khi gói, bánh được đun chín và vớt ra buộc lại từng cặp bằng một chiếc lạt màu hồng với ý nghĩa cầu mong cho tình cảm vợ chồng mãi nồng thắm.
Xôi chiên phồng (Tỉnh Đồng Nai)
Xôi chiên phồng (tỉnh Đồng Nai) là món ăn được chế biến có phần công phu và tỉ mỉ. Điều tạo nên sự khác biệt của xôi chiên phồng là sau khi đồ chín nếp, xôi được giã và nhồi với đường và đậu xanh, sau đó đem chiên cho phồng lên. Nhồi và chiên là hai khâu quan trọng nhất. Địa danh Biên Hòa - Đồng Nai được xem là cái nôi sản sinh ra món ăn độc đáo này. Với xôi chiên phồng, ăn không phải chỉ để no, để thấy ngon mà còn để cảm nhận được công sức, sự khéo léo, kỹ thuật và tâm hồn của người đầu bếp, vì thế xôi chiên phồng không đơn thuần là món ăn mà còn là một tác phẩm nghệ thuật.
Thanh long (Tỉnh Bình Thuận)
Thanh long là loại quả có tác dụng giải khát, giải nhiệt nhanh; bảo vệ và tăng cường sức khỏe với nhiều vitamin, chất xơ và muối khoáng. Hiện nay, Thanh long được trồng tại Bình Thuận ngoài ruột trắng vỏ hồng loại ruột đỏ vỏ hồng, ruột tím vỏ hồng và ruột trắng vỏ vàng. Thanh long Bình Thuận hiện chiếm đến 90% sản lượng Thanh long xuất khẩu của cả nước, được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, ở thị trường quốc tế, Thanh long Bình Thuận được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý tại các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU).
Thanh Long Bình Thuận chiếm đến 90% sản lượng thanh long xuất khẩu của cả nước
Nước mắm Con Cá Vàng Phan Thiết (Tỉnh Bình Thuận)
Nước mắm được làm từ cá cơm lên men được ủ trong những thùng gỗ lớn suốt một thời gian dài, được xem là gia vị làm nên nét riêng biệt cho nền ẩm thực Việt Nam. Điểm đặc biệt của nước mắm Phan Thiết so với nước mắm các vùng khác của Việt Nam là ở sắc vàng rơm (nếu nguyên liệu là cá cơm) hay màu nâu nhạt (cá nục), chất nước mắm trong và sánh, có mùi thơm nồng và vị ngọt đậm do đạm cao.
Vải thiều Lục Ngạn (Tỉnh Bắc Giang)
Vải thiều được trồng ở Lục Ngạn khoảng vào những năm 90 của thế kỷ trước bởi những người nông dân quê gốc Hải Dương. Vải thiều Lục Ngạn khi chín có màu đỏ tươi, hạt nhỏ, cùi dày, ngọt sắc và giàu chất dinh dưỡng. Vải thiều Lục Ngạn có thể ăn tươi hoặc chế biến thành các món ăn, đóng hộp, làm nước vải… hay sấy khô để thưởng thức quanh năm hoặc làm vị thuốc, ngâm rượu… Trong quả vải chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, có tác dụng tuyệt vời như kháng ung thư, điều hòa huyết áp, tăng cường miễn dịch, giảm đau tự nhiên, tốt cho da… và vô vàn những lợi ích khác từ thức quả đặc sản của vùng Lục Ngạn.
Atiso Lâm Đồng (Tỉnh Lâm Đồng)
Atiso là giống cây ôn đới, được người Pháp mang đến Đà Lạt trồng vào cuối thế kỷ XIX và dần trở thành loài cây có tiềm năng kinh tế. Thực tế không có nhiều loại cây nào mà toàn bộ từ cây, rễ, gốc, thân cho đến lá, hoa đều sử dụng như cây Atiso. Hoa và cụm lá Atisô dùng làm rau ăn, nấu canh hoặc hầm với xương hoặc gan heo. Lá Atisô và các chế phẩm chiết xuất toàn phần như cao lỏng, cao đặc, cao khô Atisô có tác dụng lợi tiểu, tăng tiết mật, thông mật, hạ cholesterol máu. Ngoài cao Atiso lỏng, rễ và lá còn được dùng làm trà túi lọc. Thổ nhưỡng và khí hậu của Đà Lạt là hai điều kiện quan trọng để cho ra đời những cây Atiso tươi ngon nhất, với hàm lượng cynarine cao nhất Việt Nam.
Cơm tấm Long Xuyên (Tỉnh An Giang)
Cơm tấm Long Xuyên có thể xem là một “biến thể” khác của món cơm tấm vốn đã rất nổi danh ở Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên nó không “nhạt màu” hơn mà trái lại còn đậm đà cái riêng của ẩm thực vùng miền Tây sông nước. Điều đặc biệt của Cơm tấm Long Xuyên là được nấu bằng hạt tấm nhuyễn, nhỏ nên tạo độ bùi và dường như tan ra trong miệng khi thưởng thức. Cơm tấm không thể nấu theo cách thông thường mà phải hấp cách thủy, liên tục canh chừng để thêm nước thế nào cho vừa đủ để cơm chín đều và không bị nhão. Điểm đặc biệt của món ăn này là các thành phần kèm theo đều được cắt nhỏ dạng sợi. Ngày nay, cơm tấm Long Xuyên đã nổi danh gần xa, có người tìm đến tỉnh An Giang du lịch để thưởng thức món cơm tấm này.
Cơm tấm Long Xuyên đã nổi danh gần xa
Các món ăn từ Khóm Cầu Đúc (Hậu Giang)
Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen (Nữ hoàng), có nguồn gốc từ Thái Lan. Đặc điểm của giống Khóm này là trái có hình dáng thanh nhã, mắt lồi, cuống ngắn, hố mắt hơi sâu, lõi nhỏ, thịt màu vàng đậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn và ngọt. Do đặc thù của thổ nhưỡng nên Khóm ở khu vực này có vị ngọt thanh, ăn ít rát lưỡi. Khóm gọt vỏ xong có màu vàng rất bắt mắt, hương vị ngọt thơm ngon miệng. Đặc biệt, trái Khóm Cầu Đúc có thể để khoảng 10-15 ngày mà không hư.
Theo người dân ở đây thì bất cứ đám tiệc, lễ, Tết nào cũng có sự góp mặt của Khóm: Khóm ăn sống tráng miệng, làm mứt khóm, làm các món ăn từ khóm vô cùng ngon miệng mang hương vị đồng quê như: Gà hấp Khóm, La gu Khóm, Thịt ba rọi xào Khóm chua ngọt, Canh chua Khóm nấu với cá rô đồng hay Khóm kho với cá he…