Đa dạng giải pháp xúc tiến tiêu thụ hàng Việt tại các tỉnh, thành phố
Trong 9 tháng năm 2023, nhiều hoạt động kết nối cung cầu đã được các tỉnh, thành phố triển khai nhằm nâng cao hiệu quả tiêu dùng hàng Việt, góp phần tích cực trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng Việt Nam” tỉnh Thái Bình đã tập trung tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, định hướng và tạo thói quen cho người dân có ý thức trong ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Theo đó, trong nửa đầu năm 2023, các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo kịp thời, đầy đủ biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý, tạo ra sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao, giá cả hợp lý nhằm từng bước chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các sở, ngành đã tập trung triển khai rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất kinh doanh. Mặt khác, công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng giả, hàng nhập lậu... được chỉ đạo quyết liệt và triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của các doanh nghiệp, nhà sản xuất hàng nội địa chân chính.
Đáng chú ý, trong nửa đầu năm, các hoạt động phối hợp xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường được đẩy mạnh. Điển hình, mới đây, Sở Công Thương Thái Bình đã phối hợp với UBND huyện Hưng Hà tổ chức khai trương điểm bán hàng Việt tại siêu thị Phú Sơn, thị trấn Hưng Nhân. Đây là điểm bán hàng Việt Nam thứ 7 của tỉnh được xây dựng và đưa vào sử dụng nhằm phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng Việt Nam có thế mạnh đến tay người tiêu dùng. Theo Sở Công Thương tỉnh Thái Bình, các điểm bán hàng Việt không chỉ dừng lại ở khu vực thành phố mà còn được lan toả rộng rãi tới các huyện, xã thông qua hội chợ, triển lãm hàng Việt.
Tương tự, để giúp người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa Việt, Sở Công Thương Nghệ An đã làm tốt vai trò cầu nối giúp lan tỏa, đưa hàng Việt về nông thôn. Trong nhiều năm qua, Sở Công Thương tỉnh Nghệ An đã phối hợp tổ chức nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, góp phần tích cực trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tạo được hiệu quả kép khi giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, đồng thời góp phần tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt cho người dân địa bàn nông thôn, miền núi.
Đơn cử, thị trấn Kim Sơn, huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) có quy mô 20 gian hàng bán sản phẩm hàng hóa do doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh sản xuất như: thực phẩm chế biến, rượu bia, nước giải khát, quần áo may sẵn, giày dép, túi xách, đồ dùng gia đình nhựa, nhôm; đồ gia dụng, điện tử, viễn thông, phương tiện nghe nhìn...
Bà Trần Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Nghệ An cho biết, Phiên chợ hàng Việt là dịp tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận với hàng Việt Nam có chất lượng, mẫu mã phong phú và giá cả hợp lý. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân địa phương trong mua sắm và tiêu dùng hàng Việt; phân biệt hàng thật - hàng giả, hướng dẫn cách sử dụng và bảo quản sản phẩm... Bên cạnh đó, các phiên chợ hàng Việt còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quảng bá hình ảnh, sản phẩm, tiếp cận thị trường nông thôn đầy tiềm năng.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, để tăng độ phủ sóng hàng Việt, nhất là ở khu vực vùng sâu vùng xa, khu vực miền núi thì cần thêm các biện pháp như tăng cường tuyên truyền, quảng bá giới thiệu hàng Việt Nam. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kênh tiêu thụ, nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm. Mặt khác, tổ chức kiểm tra, giám sát thị trường để đánh giá đúng chất lượng, mức tiêu thụ hàng Việt và nhu cầu tiêu dùng trong nhân dân. Tăng cường các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp và địa phương. Thường xuyên tổ chức các hội trợ, triển lãm, quảng bá giới thiệu sản phẩm, nhất là ở khu vực nông thôn.