Xây dựng thương hiệu cho Chuối Cảnh Hưng, Bắc Ninh
Với lợi thế bãi bồi ven sông phù sa màu mỡ, những năm gần đây, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du đang mở rộng diện tích trồng chuối theo hướng quy mô lớn, tạo ra vùng hàng hóa tập trung.
Sản phẩm làm ra ngày càng nhiều, thị trường đa dạng nên việc bảo vệ và phát triển thương hiệu chuối Cảnh Hưng đang trở nên cấp thiết nhằm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Cảnh Hưng là một xã thuần nông thuộc huyện Tiên Du, cách Trung tâm huyện 10km về phía đông. Với tổng diện đất canh tác là 254ha, trong đó diện tích đất lúa 104,8ha, chuối 101ha, còn lại là diện tích cây rau màu, cây khác. Dân số của xã là 1883hộ với 6.830 nhân khẩu. Nông nghiệp được xã cơ giới hóa từng khâu như làm đất, phun thuốc sâu, thu hoạch,... Ngoài nông nghiệp, một số ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ,... những năm gần đây phát triển mạnh.
Kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi từ cây trồng truyền thống (lúa) sang trồng rau, trồng hoa, cây ăn quả. Xã cũng đã áp dụng việc chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, chuyển dịch kinh tế theo hướng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tạo công ăn việc làm cho người dân trong xã để có thu nhập cao. Thời gian tới, trên địa bàn xã định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, du lịch đường sông tạo đầu ra tại chỗ, mang lại môi trường sống thân thiện.
Hiện nay, toàn xã Cảnh Hưng và vùng lân cận có hơn 180 ha trồng chuối, tập trung chủ yếu tại bãi bồi thôn Rền, thôn Thượng... Nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, năng suất chuối tăng dần, bình quân đạt 25-30 tấn/ha. Hầu hết, chuối được trồng và tiêu thụ bởi chính các hộ dân, chỉ có HTX nông nghiệp và thủy sản Cảnh Hưng có quy mô sản xuất lớn hơn. Khoảng 70% sản phẩm chuối Cảnh Hưng xuất sang Trung Quốc, doanh thu từ 200-250 triệu đồng/ha/ năm, với giá 6.000 – 7.000 đồng/kg. Thương lái trực tiếp đến thu mua tại các vườn, chặt buồng và mang đi tiêu thụ. Quả chuối tươi vẫn chưa có bao bì hay tem nhãn nào thể hiện được nguồn gốc xuất xứ. Hai năm gần đây do tình hình dịch bệnh, giá chuối giảm, dẫu vậy, loại cây trồng này vẫn là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân.
Nắm bắt nhu cầu của người dân, năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa triển khai dự án Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho 1 sản phẩm nông nghiệp của huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, cụ thể là sản phẩm Chuối Cảnh Hưng. Nội dung chính của dự án là Xác lập được quyền sở hữu trí tuệ Nhãn hiệu tập thể Chuối Cảnh Hưng. Thiết lập được cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác Nhãn hiệu tập thể sau khi được bảo hộ, bảo đảm quy trình sản xuất, chất lượng. Quảng bá và xúc tiến thương mại cho Nhãn hiệu tập thể Chuối Cảnh Hưng.
Nhãn hiệu tập thể này sẽ là công cụ quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu, khai thác, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ của vùng sản xuất. Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt, việc được bảo hộ thương hiệu giúp cho các chủ sở hữu duy trì được lợi thế giá trị, tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng.
Tới thời điểm này, đơn vị thực hiện dự án nộp đơn bảo hộ lên Cục Sở hữu trí tuệ và được chấp thuận. Cùng với quá trình bảo hộ nhãn hiệu, các đơn vị phối hợp tập huấn về kỹ thuật sản xuất, kỹ năng, quy trình quản lý, khai thác giá trị nhãn hiệu Chuối Cảnh Hưng. Triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, đi kèm bộ nhận diện thương hiệu.
Hy vọng, việc xây dựng nhãn hiệu Chuối Cảnh Hưng sớm hoàn tất, qua đó, nông dân địa phương thêm quyết tâm tổ chức lại quy trình sản xuất theo hướng VietGap, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu chính ngạch, tiến tới xây dựng các mô hình chế biến, bảo quản để hạn chế tình trạng nông sản bị ép giá khi vào thời vụ thu hoạch. Đồng thời, Chuối Cảnh Hưng khẳng định được chỗ đứng vững vững chắc trên thị trường, nâng cao giá trị kinh tế và đời sống cho người dân nơi đây.