Nông sản Sơn La được ưa chuộng trên sàn thương mại điện tử
Thời gian qua, nông sản thế mạnh của Sơn La đã được tiêu thụ hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội
Tích cực tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội
Bà Đỗ Thị Bích Châu - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 3.250 doanh nghiệp và 806 hợp tác xã. Các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử vào các hoạt động kinh doanh vào các khâu trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh với mức độ khác nhau.
Các hợp tác xã, hộ nông dân đã tận dụng các công cụ như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để quảng bá cũng như tiêu thụ hàng hóa nông sản. Sở Công Thương đã thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tập trung đẩy mạnh việc tập huấn, phổ biến các kiến thức, kỹ năng trong thương mại điện tử cho các HTX, người dân trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức các hội nghị tập huấn cho trên lượt 400 lượt doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về các văn bản quy phạm pháp luật cùng các kiến thức cần thiết khi tham gia kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.
Phối hợp với các sàn thương mại điện tử như Postmart, Sendo, Voso tổ chức buổi hướng dẫn cho các HTX trên địa bàn các huyện, thành phố Sơn La, Sông Mã, Mộc Châu, Yên Châu cách thực hành tạo lập gian hàng và thực hiện việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn xây dựng các website thương mại điện tử và phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh.
Đơn cử, Yên Châu là một những địa phương có diện tích và sản lượng cây ăn quả lớn của tỉnh Sơn La, trong đó, nhiều loại quả có chất lượng cao và xây dựng được thương hiệu, như: xoài, mận hậu, chuối… Đưa các sản phẩm nông sản đến gần hơn người tiêu dùng, mở rộng thị trường, huyện đã tăng cường hỗ trợ các HTX, hộ sản xuất tiếp cận, nâng cao kỹ năng, nắm được quy trình tham gia quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên kênh thương mại điện tử, mạng xã hội. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, tổ chức tập huấn về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh.
Từ năm 2022 đến nay, huyện phối hợp tổ chức 4 hội nghị tập huấn về quy trình tham gia quảng bá, giới thiệu bán hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn, như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, Postmart... hay các nền tảng số đa kênh tiktok, zalo, facebook... Các đơn vị còn trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất, kinh doanh thực hành các kỹ năng livestream, chỉnh sửa, hậu kỳ video… để thu hút người xem, quảng bá, bán hàng. Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh từng bước tiếp cận, hiểu vai trò, lợi ích của thương mại điện tử mang lại, từ đó có kỹ năng triển khai ứng dụng, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Đến nay, huyện có gần 10 mặt hàng nông sản, 6 sản phẩm OCOP đưa lên các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến.
Ông Trần Văn Hồng - Giám đốc HTX Tiến Đạt chia sẻ, HTX Tiến Đạt được thành lập từ năm 2018 và trước đây vẫn bán các sản phẩm theo cách truyền thống, đó là dựa vào thương lái cũng như tự tìm nguồn tiêu thụ nhỏ lẻ thông qua quen biết. Tuy nhiên, năm 2022, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, đặc biệt là Bưu điện huyện Yên Châu xuống tận nơi nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi đưa sản phẩm lên sàn Postmart.vn, nguồn cung sản phẩm đã ổn định hơn rất nhiều.
Cũng theo ông Hồng, mặc dù là năm đầu tiên đưa nông sản lên sàn, nhưng đã cho thấy những ưu điểm và tính ổn định cao. Thông qua sàn thương mại điện tử, nhiều người đã biết đến chất lượng của quả mận Yên Châu, biết đến những nông sản của HTX Tiến Đạt.
Hơn 500 tấn trái cây được tiêu thụ hiệu quả
Tích cực chuyển đổi số trong sản xuất, quảng bá và tiêu thụ nông sản, từ đầu năm đến cuối tháng 7, hơn 500 tấn trái cây của nông dân Sơn La đã được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử.
Riêng Hội nông dân Sơn La, đến nay đã phối hợp với Bưu điện tỉnh hỗ trợ nông dân đưa hơn 130 sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn. Đồng thời, hỗ trợ trên 19.500 hộ nông dân tiếp cận, kết nối với các sàn thương mại điện tử.
Trong sản xuất nông nghiệp, Hội nông dân Sơn La đã xây dựng thí điểm các mô hình, như áp dụng công nghệ để theo dõi độ ẩm của đất, độ ẩm không khí, độ PH, lượng phân, hoạt động tưới tiêu... cho các HTX, hộ nông dân. Từ đó, tích cực nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Tuy nhiên, việc đẩy mạnh đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử hiện nay cũng gặp không ít khó khăn, bởi đây là phương thức tiêu thụ mới với bà con nông dân; sản phẩm nông sản của huyện đa số sản xuất với quy mô nhỏ, mang tính thời vụ; thông tin về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế...
Do đó, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng và các khách hàng khi giao dịch, mua bán sản phẩm qua sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, đòi hỏi doanh nghiệp, HTX tiếp tục kết nối, tăng số lượng các sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản; từng bước thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.