"Quả ngọt" từ cây trồng giá trị cao vùng Tây Nguyên
Chỉ sau nửa năm được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng đã mang lại gần 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, là mặt hàng có sự tăng trưởng xuất khẩu tốt nhất thời gian qua. Giá trị xuất khẩu sầu riêng tăng cao cho thấy đây là điểm tích cực trong chuyển đổi và phát triển cây trồng giá trị cao vùng Tây Nguyên.
Xuất khẩu sầu riêng tăng cao
Thông tin Tổng cục Hải quan vừa đưa ra cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả trong tháng 6 đạt 662 triệu USD, tăng 0,9% so với tháng trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt tới 2,68 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng tới 60,1% so với cùng kỳ năm trước, tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 1 tỷ USD.
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu tăng cao đột biến, đặc biệt trong 2 tháng gần đây. Cụ thể, tháng 5 xuất khẩu đạt 332 triệu USD và tháng 6 đạt 375 triệu USD.
Tính chung 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 876 triệu USD, tăng tới 832 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng gần 19 lần (cùng kỳ 44,2 triệu USD).
Như vậy, riêng mặt hàng sầu riêng chiếm gần 32,7% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước trong 6 tháng đầu năm.
Đối với thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sâu riêng đạt 835 triệu USD, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Sầu riêng sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu tỉ USD ngay trong năm đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nhất là khi mùa sầu riêng Tây Nguyên sẽ bắt đầu cho thu hoạch vào quý 3.
Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tiếp tục tăng do giá bán tăng khá trong thời gian gần đây. Hiện tại, nguồn cung sầu riêng của các nước đang giảm dần vì vào cuối vụ thu hoạch. Sầu riêng Tây nguyên của Việt Nam đang dần trở lại thế "một mình một chợ" trên thị trường.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, nhu cầu và tiềm năng của thị trường Trung Quốc còn rất lớn, trị giá hơn 4 tỉ USD năm 2022. Đây là thị trường tiềm năng của sầu riêng Việt Nam.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, Chính phủ đưa ra nhiều quyết sách, ký nhiều nghị định thư, FTA mở cửa thị trường cho ngành rau quả phát triển. Đây là cơ hội lớn cho trái sầu riêng.
Riêng tại Trung Quốc, gần đây, giá sầu riêng Việt Nam được doanh nghiệp và tiểu thương Trung Quốc mua giá cao. Nguyên nhân bởi khoảng cách địa lý gần, thời gian vận chuyển ngắn, sản phẩm của Việt Nam luôn tươi ngon nên có sức cạnh tranh mạnh so với hàng Thái.
Cuối tháng 5 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 47 mã số vùng và 18 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đạt yêu cầu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Nâng tổng số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên con số tương ứng là 293 và 115 cơ sở đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính ngạch. Đây là những điều kiện để có thể tin tưởng xuất khẩu sầu riêng vẫn còn nhiều cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu.
Quả ngọt cho việc chuyển đổi kịp thời cơ cấu cây trồng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có khoảng 90.000ha sầu riêng đang cho thu hoạch với sản lượng 1,3 triệu tấn quả mỗi năm. Trong đó, Đắk Lắk là địa phương đứng thứ hai cả nước (sau Tiền Giang) về diện tích lẫn sản lượng, khoảng 15.000ha và hơn 115.000 tấn quả mỗi vụ.
Lâu nay, hơn 70% quả sầu riêng tại Đắk Lắk chỉ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Vì vậy, việc có con đường chính ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đã, đang và sẽ nâng tầm giá trị của loại trái cây này trong tương lai.
Nghị định thư kiểm dịch vào Trung Quốc được ký tháng 9/2022, đã nhanh chóng tác động tích cực đến thị trường thu mua sầu riêng ở địa phương này nói riêng và cả nước nói chung. Tuy chớm vào chính vụ nhưng thương lái đã đến tận vườn đặt cọc, chốt giá và nông dân thì đang nghe ngóng biến động về giá cả để chốt bán sầu riêng ngay tại vườn với tâm trạng phấn khởi hơn những năm qua. Vì từ đây, loại cây trái này đã rộng đường sang thị trường rộng lớn, giàu tiềm năng như Trung Quốc bằng con đường chính ngạch. Sầu riêng là loại trái cây mang lại giá trị kinh tế cao nhất trong số các loại trái cây xuất khẩu của Việt Nam, do vậy, nơi nào có “duyên” với loại cây này thì cơ hội xóa đói giảm nghèo càng rộng mở. Huyện Krông Pắc - nơi được coi là vựa sầu riêng lớn nhất của Đắk Lắk - đang thực sự đứng trước cơ hội lớn.
Ông Lê Văn Thành, chủ vườn sầu riêng ở thôn Phước Hòa (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) cho hay, đây là loại cây trồng giúp bà con nông dân thoát nghèo hiệu quả và bền vững, bởi đầu tư vào sầu riêng không lớn như các loại trái cây khác. 1ha sầu riêng chỉ đầu tư khoảng 150 triệu đồng, thu nhập lên tới 700 - 800 triệu đồng. Với con đường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đang rộng mở như hiện nay, ngành hàng sầu riêng chắc chắn góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội ở địa phương ngày càng phát triển, đời sống nhà vườn ngày càng nâng cao.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng của xuất khẩu sầu riêng cũng gây ra nhiều lo ngại, đặc biệt về vấn đề gian lận mã số vùng trồng. Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ, phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan chức năng, địa phương và doanh nghiệp để hạn chế tối đa tình trạng này, tránh việc các mã sống vùng trồng đã được cấp rồi lại bị thu hồi, ảnh hưởng đến thương hiệu trái cây Việt Nam.
Để phát triển bền vững, mới đây Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các Sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát diện tích sầu riêng; xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến.
Các địa phương cũng cần khẩn trương rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng, chanh leo xuất khẩu phù hợp. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích.
Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng mà điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp, không tự phát chuyển đổi từ cây trồng khác sang cây sầu riêng.