FTA - Động lực cho thực phẩm sạch và phát triển bền vững
EVFTA được coi là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với mức độ cam kết sâu rộng và tiêu chuẩn cao. Để xuất khẩu sang thị trường các nước liên minh châu Âu, thực phẩm cần đảm bảo các loại tiêu chuẩn khác nhau về thực phẩm sạch, không có dư lượng thuốc trừ sâu cũng như đáp ứng các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường.
Đối với nhiều doanh nghiệp, họ coi đây là những “rào cản” bởi yêu cầu cao và rất khó đáp ứng dẫn đến việc tận dụng và hưởng lợi từ ưu đãi trong Hiệp định còn hạn chế. Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp khác, những tiêu chuẩn cao này lại trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao giá trị của sản phẩm và phát triển theo hướng bền vững. Tập đoàn HANFIMEX Việt Nam là một ví dụ.
Theo thông tin do Cục Xúc tiến thương mại và Doanh nghiệp cung cấp, Tập đoàn HANFIMEX Việt Nam được thành lập năm 2013 với sứ mệnh cung cấp chuỗi thực phẩm sạch. Đây là một trong những nhà cung cấp cũng như xuất khẩu hàng đầu Việt Nam về thực phẩm và gia vị như hạt điều, hạt tiêu đen, hạt tiêu trắng, quế, cà phê vối, dừa khô, v.v…Nhờ việc lựa chọn nguyên liệu sạch và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mà tất cả các sản phẩm đầu ra đều giữ được hương vị và chất lượng nguyên bản. Thành công của Tập đoàn HANFIMEX là nhờ tầm nhìn của họ khi hình thành hệ thống với tư duy 6F: Fresh Farm - Fair Factory - Fine Food (Nông trại sạch–Nhà máy công bằng–Thực phẩm chất lượng). Thêm vào đó là những cam kết tạo ra giá trị từ những nông sản xanh sạch.
Với tầm nhìn dài hạn và bền vững như vậy, HANFIMEX đã thành công xuất khẩu sang những thị trường “khó tính” như Liên minh châu Âu, Trung Đông và nhiều nước châu Á khác. Hiện tại, cả 6 nhà máy của tập đoàn đã đáp ứng được tất tiêu chuẩn xuất khẩu của Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v…HANFIMEX cũng hợp tác với hơn 2.000 nông dân tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, những người cam kết không sử dụng chất hóa học trong các nông trại của họ.
Bên cạnh việc tự nâng cao giá trị sản phẩm để đáp ứng những tiêu chuẩn cao về chất lượng, trong quá trình vận hành nhà máy, tập đoàn cũng tập trung vào các giải pháp bảo vệ môi trường như sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời với chi phí lắp đặt lên tới gần 10 tỷ đồng, chi phí vận hành khoảng 100 triệu đồng/ năm thay cho sử dụng hệ thống lưới điện quốc gia. Công ty cũng đầu tư hệ thống xử lý nước thải trước khi nước thải được thải ra môi trường, hệ thống phòng cháy chữa cháy đủ tiêu chuẩn đảm bảo an toàn cho người lao động.
Sau khi Việt Nam gia nhập EVFTA, các loai thuế liên quan đến nông sản được cắt giảm là cơ hội lớn cho công ty mở rộng thị trường, tăng lượng khách hàng mới, đặc biệt là các sản phẩm chế biến. Với nỗ lực sản xuất theo hướng bền vững để theo đuổi mục tiêu xuất khẩu, các sản phẩm của công ty như hạt điều, quế,… đã được cấp giấy chứng nhận của USDA và EU NOIP cho sản phẩm hữu cơ, thành công xuất khẩu và được hưởng ưu đãi theo Hiệp định EVFTA sang các nước liên minh châu Âu. Hiện tại, Hanfimex đang tập trung vào dự án về các loại hạt dinh dưỡng Hansia với mục tiêu doanh số xuất khẩu sang Châu Âu năm 2025 lên đến 50 triệu đô la.
Trên thực tế, phát triển bền vững trở thành quan điểm xuyên suốt trong các chính sách của Đảng và Nhà nước và đã được lồng ghép trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm. Gần đây nhất, ngày 25/9/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 136/CP-NQ về phát triển bền vững.
Một trong những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 136 là con người là trung tâm của phát triển bền vững. Có thể thấy quan điểm này trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt trong các FTA mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định UKVFTA.
Xuất phát từ quan điểm con người là trung tâm của phát triển bền vững, trong các quy định của FTA thế hệ mới có đến hai trong ba trụ cột liên quan đến con người, đó là thương mại an toàn và thương mại trách nhiệm xã hội, trụ cột còn lại là thương mại tự do.
Có hai quy định về thương mại an toàn liên quan đến an toàn về sức khỏe con người, đó là rào cản kỹ thuật (technical barriers to trade - TBT) và biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (sanitary and physosanitary measures - SPS).
TBT quy định về đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu, được sử dụng để bảo vệ sức khỏe và an toàn của con người và môi trường sinh thái.
SPS được áp dụng nhằm bảo vệ cuộc sống, sức khỏe con người, động vật và thực vật thông qua việc bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn chặn sự xâm nhập của các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật và thực vật. Biện pháp SPS là các yêu cầu về chất lượng, quy trình đóng gói, bao bì, kiểm dịch, cách lấy mẫu, phương thức vận chuyển động vật và thực vật.
Nhằm tạo cầu nối và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả EVFTA, các Hiệp hội ngành hàng cũng đang đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu sang thị trường EU cho các thành viên thông qua các chương trình trực tuyến và trực tiếp về cơ hội hợp tác sau đại dịch Covid-19. Trong đó, tập trung tổ chức hoạt động hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp về các FTA cũng như EVFTA rộng rãi, đi vào chiều sâu. Trọng tâm mà hiệp hội hướng tới là cung cấp những thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật, nhu cầu hàng hóa, thói quen người tiêu dùng của thị trường EU; xây dựng tiêu chí để khuyến khích hội viên áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản xuất hàng hóa.
Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, các FTA thế hệ mới đòi hỏi những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại và dịch vụ với mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0%, có thể có lộ trình); có cơ chế thực thi chặt chẽ và gồm cả những lĩnh vực như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư...
Việc đàm phán thành công và tham gia các FTA thế hệ mới đã chứng tỏ sự trưởng thành của nền ngoại giao, kinh tế Việt Nam, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp nước ta. Tuy vậy, việc tham gia các FTA thế hệ mới cùng các nền kinh tế hàng đầu thế giới và khu vực mới chỉ là bệ phóng tốt để phát triển kinh tế. “Trái ngọt” từ các cơ hội hợp tác này vẫn chờ những doanh nghiệp có đủ năng lực để tham gia tích cực, chủ động hơn vào “sân chơi” kinh tế quốc tế thời đại mới.