Năm 2022, dự báo xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang EU sẽ tăng khoảng 15% nhờ tận dụng tốt EVFTA
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang EU trong năm 2021 vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực nhờ lợi thế về các ưu đãi thuế quan.
Trước khi EVFTA có hiệu lực, rau quả Việt Nam xuất khẩu vào EU đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), nhưng vẫn ở mức khá cao từ 10 - 20%. Từ ngày 1/8/2020, EVFTA có hiệu lực, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng nông sản của các nước ở châu Á (vì có nhiều mặt hàng tương đồng), đặc biệt với hai thị trường nông sản lớn Thái Lan và Trung Quốc, do chưa có Hiệp định thương mại tự do với EU.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang Liên minh EU trong 11 tháng năm 2021 đạt 172,64 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang EU chiếm 5,3% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong 11 tháng năm 2021, cao hơn so với tỷ trọng 4,6% trong 11 tháng năm 2020. Ước tính, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang EU năm 2021 đạt 193,7 triệu USD, tăng 7,6% so với năm 2020.
Về cơ cấu thị trường: 11 tháng năm 2021, hàng rau quả của Việt Nam được xuất khẩu sang 25 nước thành viên EU với các thị trường xuất khẩu chủ lực là Hà Lan, Pháp, Đức, Italy, Bỉ. Trong đó, ngoại trừ kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường chủ lực như Hà Lan, Italy và Tây Ban Nha giảm so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường còn lại đều đạt tốc độ tăng trưởng tương đối khả quan. Tiêu biểu như: Kim ngạch xuất khẩu sang Pháp tăng 35,5%, đạt 35,39 triệu USD; Bỉ tăng 12,1%, đạt 7,55 triệu USD; Ba Lan tăng 19,9%, đạt 7,23 triệu USD. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang Phần Lan tăng tới 1.591,9%; Séc tăng 130,6%; Latvia tăng 300,3%; Ai Len tăng 255,2%. Như vậy, có thể thấy, ngành hàng rau quả Việt Nam đã có sự chuyển dịch khá thành công khi tăng mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường thành viên EU, giúp hoạt động xuất khẩu của toàn ngành giữ vững tốc độ tăng trưởng trong 11 tháng năm 2021. Trong đó, các doanh nghiệp đã nỗ lực khai thác, gia tăng xuất khẩu vào những thị trường có dung lượng nhập khẩu lớn như Pháp, Tây Ban Nha; đồng thời, khai thác khá tốt các thị trường ngách trong EU như Phần Lan, Ba Lan, Đan Mạch, CH Séc, Ai Len, Hungary.
Cơ cấu chủng loại: 11 tháng năm 2021, cơ cấu chủng loại hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu sang EU khá đa dạng, lên tới 150 sản phẩm (nếu tính theo mã HS). Trong đó, đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất là nhóm mặt hàng có mã HS 20098999 (gồm các sản phẩm chế biến từ chanh leo, lạc tiên, dừa, thanh long, mãng cầu, vải, gừng, măng cụt, xoài, dưa hấu, me, ổi, tắc …), kim ngạch đạt 27,68 triệu USD, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, một số nhóm mặt hàng đạt tốc độ tăng trưởng khá cao như nhóm mặt hàng có mã HS 08109094 (gồm chanh leo, thanh long, sấu, chôm chôm) có kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng năm 2021 đạt 22,38 triệu USD, tăng 19,8%; HS 08119000 (gồm các loại trái cây đông lạnh như xoài, dứa, sầu riêng, mít, vải, đu đủ, thanh long, chanh), kim ngạch xuất khẩu đạt 17,94 triệu USD, tăng 23,8%. Nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tận dụng tốt cơ hội mà FTA Việt Nam - EU mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh tốt như: Thanh long và sản phẩm chế biến từ thanh long, xoài và sản phẩm chế biến từ xoài, chanh và nước chanh, dừa và sản phẩm chế biến từ dừa, dứa và sản phẩm chế biến từ dứa, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, chuối, ngô, sả, đậu bắp, khoai lang, khoai môn, ớt, nghệ.
Rau quả của thị trường EU lên tới khoảng 100 tỷ USD/năm, do đó với những lợi thế mà EVFTA mang lại, dự kiến xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang khối thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong những năm tiếp theo. Năm 2022, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang EU tăng khoảng 10 - 15% so với năm 2021, đạt xấp xỉ 200 triệu USD trong bối cảnh nhiều mặt hàng rau quả của Việt Nam đã dần đáp ứng được những yêu cầu khắt khe từ thị trường EU. Bên cạnh đó, hoạt động thông quan hàng hóa được kỳ vọng sẽ diễn ra thuận lợi hơn vào năm 2022, nhờ việc kiểm soát tốt dịch Covid-19. Năm 2021, những lô vải thiều đầu tiên đã được xuất khẩu vào Cộng hòa Séc, Pháp, theo kế hoạch sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều nước trong EU. Việc này có ý nghĩa “khai thông” vô cùng quan trọng cho xuất khẩu trái vải nói riêng và là hướng đi chung trong việc phát triển xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Theo số liệu của Eurostat, kim ngạch nhập khẩu hàng rau quả (HS 07, 20, 08 – không bao gồm hạt điều có mã HS 080131, 080132) của Liên minh EU trong quý III/2021 đạt xấp xỉ 22 tỷ EUR (24,84 tỷ USD) tăng 4,6% so với quý III/2020. Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng rau quả của EU đạt 70,55 tỷ EUR (tương đương 79,72 tỷ USD), tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020. Đối với khu vực châu Á, ngoài Trung Quốc thì Việt Nam là nguồn cung hàng rau quả lớn thứ 2 trong khu vực cho EU. Quý III/2021, mặc dù hoạt động sản xuất tại Việt Nam bị gián đoạn do các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, tuy nhiên EU vẫn tăng nhập khẩu hàng rau quả từ Việt Nam.
Theo Eurostat, quý III/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng rau quả của EU từ Việt Nam đạt 43 triệu EUR (tương đương 49 triệu USD), tăng 10% so với quý II/2021 và tăng 39,4% so với quý III/2020. Tính chung 9 tháng năm 2021, EU nhập khẩu hàng rau quả từ Việt Nam đạt 115 triệu EUR (tương đương 130 triệu USD), tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hàng rau quả của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU tăng từ 0,47% trong quý III/2020 và 0,52% trong quý II/2021, lên 0,62% trong quý III/2021. Trong 9 tháng đầu năm 2021, thị phần hàng rau quả của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU chiếm 0,53%, cao hơn so với 0,44% trong 9 tháng đầu năm 2020.
Thị trường EU ưa chuộng các sản phẩm chế biến sâu, tuy nhiên hiện nay, xuất khẩu rau quả chế biến của nước ta mới chỉ chiếm chưa tới 19% trong tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả. Do đó, phát triển công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến sâu giúp trái cây khai thác tốt hơn thị trường EU, nhất là trong điều kiện thuế suất của 85,6% dòng sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam vào EU được giảm về 0% ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, một số nước thành viên EU đã tái áp dụng một phần biện pháp giãn cách xã hội, do đó, để gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại EU, ngành hàng rau quả Việt Nam cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương trực tuyến và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến tại các sự kiện hội chợ và triển lãm quốc tế tại các nước thành viên.