Các cam kết EVFTA về xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức
Là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, EVFTA có phạm vi điều chỉnh rộng, với các cam kết trong nhiều lĩnh vực. Phần này giới thiệu các cam kết EVFTA có liên quan hoặc ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU, trong đó có Đức.
Các cam kết này bao gồm nhóm các cam kết trực tiếp về thương mại hàng hóa (nêu tại các Chương từ 2 đến 7 Văn kiện EVFTA) và một số cam kết trong các lĩnh vực khác như sở hữu trí tuệ, mua sắm công, dịch vụ, đầu tư, phát triển bền vững… có tác động gián tiếp tới hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai Bên. Chú ý là trong EVFTA, EU với 27 nước thành viên là một Bên thống nhất. Do đó, ngoại trừ một số ít các trường hợp có cam kết riêng cho từng nước thành viên EU (ví dụ về các chỉ dẫn địa lý, mở cửa thị trường mua sắm công, mở cửa thị trường dịch vụ đầu tư phía EU), tất cả các cam kết của EU trong EVFTA đều là cam kết thống nhất của tất cả các nước thành viên EU, trong đó có Đức. Do đó, trong EVFTA, ngoại trừ các trường hợp nêu cụ thể, tất cả các cam kết mà EU dành cho Việt Nam cũng là các cam kết mà Đức dành cho Việt Nam, và ngược lại, các cam kết của Việt Nam cho EU cũng là cam kết dành cho Đức, theo Trung tâm WTO.
Cam kết về thuế nhập khẩu
Tương tự như Việt Nam, trong EVFTA, EU có cam kết thuế quan nhập khẩu ưu đãi cụ thể cho từng dòng thuế, theo đó EU (trong đó có Đức) sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu cho phần lớn hàng hóa Việt Nam ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực (01/08/2020), số còn lại sẽ loại bỏ thuế quan theo lộ trình hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan. Cụ thể, thuế quan ưu đãi EVFTA mà Đức dành cho các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam như sau: Tại thời điểm 01/08/2020 khi EVFTA có hiệu lực: xoá bỏ thuế quan đối với 85,6% số dòng thuế; Đến thời điểm 01/01/2027, sẽ xóa bỏ thuế quan đối với tổng cộng 99,2% số dòng thuế; Đối với khoảng 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được áp dụng hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Các sản phẩm của Việt Nam được áp dụng hạn ngạch trong EVFTA là: Trứng và lòng đỏ trứng gia cầm; tỏi; ngô ngọt; gạo đã xát; gạo đã xay; gạo đã xay đáp ứng yêu cầu đúng chủng loại; tinh bột sắn; cá ngừ; surimi; đường và các sản phẩm khác chứa hàm lượng đường cao; đường đặc biệt; nấm; ethanol; và mannitol, sorbitol, dextrin và các dạng tinh bột biến tính khác.
Lưu ý cơ chế phân bổ hạn ngạch cho Việt Nam theo EVFTA sẽ do EU quy định chung cho toàn lãnh thổ EU theo từng sản phẩm/nhóm sản phẩm cụ thể. Vì vậy sẽ không có hạn ngạch riêng cho thị trường Đức đối với bất kỳ sản phẩm nào. Cho tới trước EVFTA, EU chưa có FTA nào với Việt Nam. Do đó về nguyên tắc hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Đức – thành viên EU phải chịu mức thuế MFN mà EU áp dụng cho các nước thành viên WTO. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, EU (trong đó có Đức) đã và đang duy trì cơ chế Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP) dành cho các nước đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo cơ chế này, nhiều sản phẩm xuất khẩu đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như may mặc, da giày, thủy sản… thuộc diện GSP được hưởng mức thuế ưu đãi thấp hơn đáng kể so với mức thuế MFN khi nhập khẩu vào thị trường Đức (năm 2021, mức thuế MFN trung bình áp dụng của EU là 4,71%, còn thuế GSP trung bình là 2,35%). Tuy nhiên, EU có quy định về “ngưỡng trưởng thành” đối với các nước/các sản phẩm được hưởng GSP. Quy định này hiểu đơn giản là khi tổng thu nhập quốc gia hoặc kim ngạch xuất khẩu một loại hàng hóa nào đó của Việt Nam đạt đến một ngưỡng nhất định thì không được hưởng ưu đãi GSP nữa.
Cho đến thời điểm hiện tại, mức thuế GSP mà EU đơn phương dành cho Việt Nam ở mức tương đối thấp. Trong so sánh ở giai đoạn đầu thực hiện EVFTA, một số sản phẩm xuất khẩu có lộ trình xóa bỏ thuế quan dài (5-7 năm) nên thuế EVFTA áp dụng đối với các sản phẩm này có thể cao hơn so với thuế GSP hiện tại mà sản phẩm đó đang được hưởng. Tuy nhiên, xét trên tổng thể, trong EVFTA, EU cam kết xóa bỏ tới 85,6% dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 99,2% số dòng thuế được xóa bỏ sau 7 năm. Như vậy, đến cuối lộ trình gần như toàn bộ sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang EU (trong đó có Đức) sẽ được xóa bỏ hoàn toàn thuế quan, trong khi GSP chỉ có ưu đãi với một số nhóm sản phẩm và mức ưu đãi không phải lúc nào cũng là 0%. Do đó, xét về lâu dài, so với thuế GSP thì thuế EVFTA sẽ có lợi hơn cho doanh nghiệp. Sổ tay doanh nghiệp Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức .
Lưu ý với doanh nghiệp: Theo quy định của EU về GSP khi có FTA, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng cơ chế GSP song song cùng EVFTA trong thời gian 02 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực (tức là đến hết 31/07/2022). Đồng thời, theo quy định trong EVFTA thì mức thuế ưu đãi EVFTA áp dụng đối với hàng hóa của Việt Nam sẽ không cao hơn các mức thuế mà EU áp dụng đối với hàng hóa đó tại thời điểm ngay trước khi EVFTA có hiệu lực. Điều này có nghĩa là: Trong khoảng thời gian từ 01/08/2020 đến 31/07/2022: Doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng EVFTA hay GSP tùy thuộc vào thuế quan ưu đãi theo cơ chế nào có lợi cho doanh nghiệp. Trường hợp chọn ưu đãi GSP thì sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ của GSP; trường hợp chọn ưu đãi thuế quan theo EVFTA thì sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ EVFTA. Kể từ ngày 01/08/2022: Cơ chế ưu đãi thuế quan GSP sẽ tự động chấm dứt, doanh nghiệp áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Tuy nhiên EVFTA cho phép trong trường hợp thuế EVFTA cao hơn thuế GSP thì vẫn được hưởng thuế GSP. Dù chọn mức thuế ưu đãi nào, sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ EVFTA. Đây là cam kết linh hoạt, rất có lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU do được đảm bảo rằng mức thuế EVFTA áp dụng sẽ luôn là mức thuế thấp hơn hoặc ít nhất là bằng mức thuế GSP tại thời điểm 01/08/2020.
Cam kết về thuế xuất khẩu
Trong WTO, mặc dù đã cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu, Việt Nam vẫn bảo lưu quyền tiếp tục áp thuế xuất khẩu đối với một danh sách liệt kê gồm 603 mặt hàng. Trong EVFTA, Việt Nam cam kết cắt giảm tiếp danh sách 603 dòng thuế xuất khẩu bảo lưu theo WTO này. Cụ thể, Việt Nam cam kết: Giữ nguyên mức thuế 0% hiện hành đối với 134 dòng thuế; Loại bỏ thuế xuất khẩu đối với 412 dòng thuế sau một thời gian (lộ trình 5, 7, 10, 12 hoặc 15 năm tùy dòng thuế); Bảo lưu thuế xuất khẩu đối với 57 dòng thuế, gồm các sản phẩm như cát, đá phiến, đá granit, một số loại quặng và tinh quặng, dầu thô, than đá, than cốc, vàng… Trong đó giới hạn thuế xuất khẩu ở 20% đối với 56 dòng thuế sau 05 năm, riêng với quặng măng-gan (mangan) thì giới hạn là 10%.
Lưu ý doanh nghiệp: Mức cam kết trong Biểu cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam chỉ là mức cắt giảm tối thiểu. Trên thực tế, Việt Nam có thể cắt giảm, xóa bỏ thuế mạnh hơn, sớm hơn cho hàng hóa của EU. Tương tự, với cam kết về thuế xuất khẩu, Việt Nam có quyền áp dụng bảo lưu trong Hiệp định, nhưng trên thực tế có thể lựa chọn không áp thuế xuất khẩu hoặc áp thuế thấp hơn. Do đó, để biết mức thuế ưu đãi thuế quan EVFTA áp dụng trên thực tế, doanh nghiệp cần tra cứu Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo EVFTA của Việt Nam, được ban hành theo từng thời kỳ. Khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam đã ban hành Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020 – 2022 tại Nghị định số 111/2020/NĐ-CP ngày 18/09/2020 của Chính phủ. Doanh nghiệp có thể tra cứu mức thuế quan EVFTA áp dụng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của mình trong văn bản này.