Việt Nam - Thụy Sỹ công bố Chiến lược Hợp tác giai đoạn 2017-2020
Theo đó, Chiến lược mới sẽ tập trung vào các lĩnh vực hợp tác phát triển kinh tế do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) thực hiện với tổng cam kết viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam dự kiến là 90 triệu franc Thụy Sỹ (tương đương 92 triệu USD). Chiến lược này bám sát nhu cầu cải cách và những thách thức ngày càng gia tăng của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Cụ thể, nguồn vốn ODA Thụy Sỹ sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính, bao gồm: Hỗ trợ thúc đẩy thể chế và chính sách kinh tế; Hỗ trợ xây dựng khu vực kinh tế tư nhân cạnh tranh và hiệu quả; hỗ trợ phát triển đô thị bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương đánh giá, các dự án ODA do Thụy Sỹ tài trợ đã đem lại hiệu quả thiết thực cho các cơ quan, tổ chức, người dân Việt Nam.
Bà Quốc vụ khanh phụ trách kinh tế của Liêng bang Thụy Sỹ Marie Gabrielle Ineichen Fleisch phát biểu tại lễ công bố
Bà Quốc vụ khanh Liên bang Thụy Sỹ cho biết, giai đoạn tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với biến đổi khí hậu. Thụy Sỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ để Việt Nam đạt được tăng trưởng toàn diện và bền vững giúp cải thiện đời sống của người dân.
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đến nay, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Thụy Sỹ đã phát triển liên tục, không ngừng, nhất là hợp tác kinh tế thông qua hợp tác phát triển. Tổng vốn ODA Thuỵ Sĩ dành cho Việt Nam từ năm 1992 đến nay đạt khoảng 470 triệu USD, chủ yếu viện trợ không hoàn lại.
Các dự án hợp tác giữa hai phía do Cục hợp tác phát triển (SDC) thuộc Bộ Ngoại giao và Thư ký Nhà nước về hợp tác kinh tế (SECO) thuộc Bộ Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ phụ trách đã đem lại hiệu quả thiết thực cho các cơ quan, tổ chức, người dân Việt Nam, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh.