Kinh tế Chile 9 tháng đầu năm 2016 và triển vọng tăng trưởng trong năm nay
Ngày 29 tháng 3 năm 2016, Ngân hàng Trung ương Chile đã hạ dự báo mức tăng trưởng từ 2-3% hồi đầu năm xuống còn 1,25-2,25% và dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 đạt từ 2-3%. Ngày 7 tháng 6 năm 2016, Ngân hàng Trung ương Chile lại tiếp tục hạ dự báo mức tăng trưởng xuống còn từ 1,25-2% cho năm 2016.
Trong khi đó, Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) dự báo tăng trưởng GDP của Chile năm nay sẽ ở mức 1,6%; Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo ở mức 1,5%; Trong báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu ngày 07 tháng 6, Ngân hàng thế giới đã hạ mức tăng trưởng GDP của Chile năm nay từ 2,9% hồi đầu năm xuống còn 1,9%; năm 2017 từ 2,9 xuống 2,1% và năm 2018 là 2,3%.
Hai yếu tố chính của việc hạ tỉ lệ tăng trưởng năm 2016 được Chủ tịch Ngân hàng trung ương Chile Rodrigo Vergara giải thích là do cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài như: nhu cầu nội địa tiếp tục giảm, đầu tư nước ngoài giảm nhất là trong lĩnh vực khai thác và chế biến đồng vì giá đồng tiếp tục đứng ở mức thấp không hấp dẫn các nhà đầu tư, năng suất lao động không được cải thiện, lòng tin của giới doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn tiếp tục ở mức thấp, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, đặc biệt là kinh tế các nước khu vực Nam Mỹ tiếp tục suy thoái.
Những thách thức lớn đối với kinh tế Chile trong trung hạn và dài hạn là xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào các nhóm hàng khoáng sản, đặc biệt là đồng (nhóm hàng này hiện chiếm gần 50% tổng xuất khẩu của Chile hàng năm); thương mại phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Chile, mức tăng trưởng GDP quý I đạt đạt 2,0%; quý II là1,7% và quý III được dự báo là 1,6%. Lĩnh vực đầu tư giảm 1,5%, dự báo năm nay sẽ giảm tiếp ở mức 2,4% và sẽ tăng 0,9% vào năm 2017. Tổng tiêu thụ nội địa dự kiến sẽ tăng 2,1% cao hơn mức của năm ngoái (1,8%) và năm 2017 sẽ tăng lên 2,4%. Lạm phát được dự báo là 3,6%, thấp hơn so với mức 4,4% của năm 2015...
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn, ngày 30 tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành 22 biện pháp để hỗ trợ tăng trưởng. Mục đích chính của gói các biện pháp này là hướng tới tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khuyến khích xuất khẩu dịch vụ và hỗ trợ lập nghiệp.