Tiềm năng quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam – khu vực Nam Á
Vài nét về khu vực Nam Á
Sự đa dạng về quy mô và trình độ phát triển kinh tế của các quốc gia khu vực là một trong những đặc điểm dễ nhận thấy tại các quốc gia khu vực. Trong khi Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất chiếm đến 79% GDP của cả khu vực, Pa-ki-xtan chiếm 11%, Băng-la-đét chiếm 6% thì nền kinh tế của 5 nước còn lại Xri Lan-ca, Áp-ga-ni-xtan, Nê-pan, Man-đi-vơs, Bu-tan chỉ chiếm vỏn vẹn 4% GDP của toàn khu vực. Kinh tế nhiều nước Nam Á trong thời gian qua đã thể hiện sự phát triển năng động với tốc độ tăng trưởng cao, liên tục, nhanh chóng thích nghi và tận dụng được lợi ích của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế (như Ấn Độ, Sri Lanka). Tuy nhiên, các nước Nam Á vẫn chủ yếu là các nước nông nghiệp, có tỷ lệ nghèo đói cao, tình hình chính trị thường xuyên không ổn định, đã gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình phát triển kinh tế của mình. Theo thống kê của ICRIER, khu vực Nam Á là nơi tập trung nhiều người nghèo nhất thế giới, chỉ sau các nước khu vực Châu Phi cận Sahara.
Nam Á được đánh giá là khu vực có tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại rất lớn và đa dạng. Khu vực này có thu nhập ở mức trung bình của thế giới, nhưng sức mua ngày một tăng mạnh nhờ tăng trưởng kinh tế cao trong giai đoạn vừa qua và tầng lớp trung lưu ngày một đông, chỉ tính riêng tại Ấn Độ tầng lớp trung lưu có khoảng 300 triệu người. Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng kinh tế của một số nước chủ chốt trong khu vực, đặc biệt là Ấn Độ, dựa nhiều hơn vào sự tăng trưởng của đầu tư và tiêu dùng nội địa và dịch vụ hơn là dựa vào xuất khẩu đã giúp cho các nước tránh được những biến động kinh tế từ bên ngoài.
Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các nước trong khu vực là khá lớn chỉ tính riếng Ấn Độ, con số này đã lên tới 490 tỷ USD trong năm tài khóa 2012/2013, còn tại Pa-ki-xtan con số này cũng đã đạt mức 39,8 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu của các nước khu vực cũng khá đa dạng, phong phú từ xăng, dầu, thiết bị máy móc tới các các mặt hàng nông nghiệp bông, sợi; cao su, nguyên phụ liệu dệt may, v.v...
Quan hệ chính trị giữa Việt Nam với các nước Nam Á
Việt Nam và các nước Nam Á hiện có mối quan hệ chính trị tốt đẹp. Điển hình cho mối quan hệ đó chính là quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ được thiết lập vào năm 2007. Cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập được mối quan hệ ngoại giao với các nước Nam Á, trừ Bu-tan do đặc thù của nước này thực hiện chính sách đối ngoại thông qua Ấn Độ, tuy nhiên hiện hai bên đang trao đổi để tìm thời gian thích hợp cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong thời gian qua, giữa Việt Nam và các nước Nam Á đã thường xuyên tiến hành trao đổi đoàn các cấp. Tiêu biểu là các chuyến thăm của: Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Băng-la-đét và Pa-ki-xtan (3/2004), Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn phú Trọng thăm Ấn Độ (2/2010). Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Ấn Độ (10/2011), v.v… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đón nhiều đoàn các nước Nam Á thăm Việt Nam như: Thủ tướng Băng-la-đét Khaleda Zia (17 - 19/5/2005), Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka (2/2006), Thủ tướng Sri Lanka Ratnasiri Wickramanayka (26 - 29/11/2006), Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ Somnath Chatterjee (3/2007), Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil (2008), Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa (22 - 24/10/2009), v.v...
Hiện nay, Việt Nam và nhiều nước khu vực Nam Á đã tạo dựng được khuôn khổ pháp lý khá đầy đủ làm cơ sở cho việc phát triển và tăng cường quan hệ hợp tác. Các cơ chế hợp tác chính thức như hoạt động của các Ủy ban hỗn hợp, hợp tác song phương giữa các Bộ, ngành, hợp tác giữa các tổ chức xúc tiến thương mại, v.v... Một số Ủy ban hỗn hợp giữa Việt Nam và 04 nước khu vực Nam Á gồm Ấn Độ, Băng-la-đét, Pa-ki-xtan, Xri Lan-ca đã được thành lập và hoạt động có hiệu quả.
Trao đổi thương mại
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực Nam Á tăng đều trong những năm gần đây (từ 2010-2012 và 6 tháng năm 2013). Năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Nam Á đạt 1,4 tỷ USD. Năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 57% so với năm 2010. Năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4,85 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,41 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2011. Sáu tháng đầu năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,09 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,56 tỷ USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2012.
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và khu vực Nam Á từ 2010 đến 6 tháng 2013
Đơn vị: tỷ USD
Năm | 2010 | 2011 | 2012 | 6T/2013 |
Xuất khẩu | 1,4 | 2,2 | 2,41 | 1,56 |
Nhập khẩu | 1,9 | 2,5 | 2,44 | 1,53 |
Tổng | 3,3 | 4,7 | 4,85 | 3,09 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Trong năm 2012, một số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tính theo kim ngạch bao gồm Ấn Độ (1,7tỷ USD), Băng-la-đét (352 triệu USD), Pa-ki-xtan (174 triệu USD), Xri Lan-ca (95 triệu USD), v.v...
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước Nam Á 2010 - 6T/2013
Đơn vị tính: triệu USD
Thị trường | 2010 | 2011 | 2012 | 6T/2013 |
Ấn Độ | 2.738,8 | 3.865,4 | 3.937,6 | 2.592,2 |
Pakistan | 242,6 | 324,1 | 389,8 | 151,6 |
Bangladesh | 288 | 481,8 | 387 | 259,4 |
Srilanka | 93,2 | 113,1 | 130,8 | 76,8 |
Nepal | 2,4 | 9,1 | 9,2 | 13 |
Maldive | 0,57 | 1,8 | 2 | 2,2 |
Buhtan | 0,008 | 0,04 | 0,2 | 0,1 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nam Á trong năm 2012 gồm: điện thoại các loại và linh kiện (478 triệu USD); máy móc thiết bị, dụng cụ (252 triệu USD); clinke (233 triệu USD); cao su (227 triệu USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện (160,6 triệu USD); xơ, sợi dệt (103,1 triệu USD); hạt tiêu (59,6 triệu USD); hóa chất (58,3 triệu USD); cà phê (57,8 triệu USD); gỗ (47,1 triệu USD); chè (45,2 triệu USD); than đá (40,2 triệu USD).
Các mặt hàng xuất khẩu sang Nam Á có kim ngạch thấp hơn 40 triệu USD gồm chất dẻo nguyên liệu; hạt điều; nguyên phụ liệu dệt may và da giầy, phân bón, sản phẩm bánh kẹo, sản phẩm chất dẻo, sản phẩm cao su, sản phẩm từ giấy, vải, sản phẩm từ thép, xe máy, xi măng, sản phẩm từ gỗ…
Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á gồm Ấn Độ, Băng-la-đét, Pa-ki-xtan, Xri Lan-ca.
Các mặt hàng xuất khẩu sang khu vực Nam Á năm 2010 - 2012
Đơn vị: triệu USD
Tên mặt hàng | 2010 | 2011 | 2012 | Tăng/giảm 2011/12(%) |
Điện thoại các loại và linh kiện | 199 | 372,2 | 478,7 | 28,6 |
Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng | 78,5 | 239,9 | 252,7 | 5,1 |
Clinker | 14,9 | 118,3 | 233,2 | 97,1 |
Cao su | 100,7 | 123,6 | 227,7 | 84,2 |
Máy vi tính, Sản phẩm điện tử & linh kiện | 66,8 | 97,4 | 160,6 | 64,8 |
Xơ, sợi dệt các loại | 56,4 | - | 103,1 | - |
Hạt tiêu | 32,8 | 70,2 | 59,6 | -15 |
Hóa chất | 28,4 | 35,6 | 58,3 | 63,7 |
Cà phê | 24,1 | 45,6 | 57,8 | 26,7 |
Gỗ | 16,6 | 24,5 | 47,1 | 92,2 |
Chè | 50,4 | 34,6 | 45,2 | 30,6 |
Than đá | 78,6 | 39 | 40,2 | 3 |
Chất dẻo nguyên liệu | 27,9 | 23,2 | 23,8 | 2,5 |
Hạt điều | 23,6 | 18,6 | 19,9 | 6,9 |
Nguyên phụ liệu dệt may, da giầy | 0,6 | 13,1 | 15,8 | 20,6 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Tổng số lượng các mặt hàng xuất khẩu sang khu vực Nam Á trong ba năm 2010, 2011, 2012 đã lên tới hơn 77 nhóm mặt hàng. Tuy nhiên, có thể thấy xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Nam Á xét về kim ngạch vẫn còn tập trung vào một số nhóm mặt hàng chủ lực: điện thoại di động; clinke; cao su; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và nông sản. Riêng mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện sản phẩm mới thâm nhập thị trường Nam Á trong vài năm gần đây nhưng có tốc độ tăng trưởng cao và giữ vị trí số 1 về giá trị trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Nam Á (chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực trong năm 2012).
Kim ngạch nhập khẩu từ khu vực Nam Á năm 2012 đạt 2,44 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ khu vực Nam Á năm 2012 gồm: ngô (345,4 triệu USD); nguyên liệu thức ăn gia súc (311,9 triệu USD); dược phẩm (264 triệu USD); bông các loại (215,7 triệu USD); máy móc, thiết bị và phụ tùng (122,1 triệu USD); chất dẻo nguyên liệu (110 triệu USD); nguyên phụ liệu dệt may và da giầy (102 triệu USD); hóa chất (83,3 triệu USD); vải các loại (72,6 triệu USD); xơ, sợi dệt các loại( 70 triệu USD); hàng thủy sản (60,9 triệu USD); sản phẩm hóa chất (50,6 triệu USD), v.v...
Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu tập trung chủ yếu vào 4 nhóm mặt hàng là ngô, thức ăn gia súc và nguyên liệu; dược phẩm; bông các loại; máy móc, thiết bị và phụ tùng với tỷ trọng của cả 4 mặt hàng chiếm tới 46,4% tổng kim ngạch nhập khẩu từ khu vực Nam Á.
Các thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á gồm: Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Xri Lan-ca.
Các mặt hàng nhập khẩu từ khu vực Nam Á năm 2012
Đơn vị tính: triệu USD
Tên mặt hàng | 2010 | 2011 | 2012 | Tăng/giảm 2011/12(%) |
Ngô | 117,5 | 173,7 | 345,4 | 98,8 |
Thức ăn gia súc và nguyên liệu | 426,5 | 611,6 | 311,9 | -49 |
Dược phẩm | 181,2 | 237,3 | 264 | 11,2 |
Bông các loại | 139,6 | 165,4 | 215,7 | 30,4 |
Máy móc, thiết bị và phụ tùng | 115,2 | 199,1 | 122,1 | -38,6 |
Chất dẻo nguyên liệu | 56,2 | 113,5 | 110,8 | -2,3 |
Nguyên phụ liệu dệt may và da giầy | 103,3 | 92,1 | 102,3 | 11 |
Hóa chất | 57,7 | 61,3 | 83,3 | 35,8 |
Vải các loại | 72,7 | 92,1 | 72,6 | -21,1 |
Xơ, sợi dệt các loại | 63,2 | 78,8 | 70 | -11,1 |
Hàng thủy sản | 7,9 | 87,8 | 60,9 | -30,6 |
Sản phẩm hóa chất | 75 | 62,9 | 50,6 | -19,5 |
Sản phẩm từ sắt thép | 15,1 | 23,6 | 21,6 | -8,4 |
Sản phẩm từ dầu mỏ khác | 9,9 | 16,2 | 20,3 | 25,3 |
Sản phẩm chất dẻo | 5,5 | 7,6 | 12,8 | 68,4 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Như vậy, có thể thấy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước Nam Á thời gian qua đã phát triển tương đối khả quan. Tuy nhiên, so với tiềm năng to lớn của hai bên và xu hướng mở rộng quan hệ kinh tế thương mại dưới ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hóa, quan hệ giữa Việt Nam và các nước Nam Á cần phải được tăng cường hơn nữa. Điều này hoàn toàn phù hợp với lợi ích của các bên và mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thương mại mà Việt Nam và các nước Nam Á đã đặt ra.
Riêng với Việt Nam, ta sẽ cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước Nam Á để phù hợp với các cam kết hội nhập của Việt Nam và gia tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường các nước Nam Á, đặc biệt là với các thị trường trọng điểm như Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Băng-la-đét và Xri Lan-ca. Đây là các nước có trình độ phát triển tương đối cao trong khu vực, sức mua lớn, có triển vọng phát triển lâu dài và là những động lực để phát triển toàn khu vực.