Những điều cần biết về thị trường Tuy-ni-di
Về đối ngoại, Tuy-ni-di là thành viên của Liên hợp quốc và của hầu hết các tổ chức quốc tế và khu vực như Khối Maghreb (UMA), Liên minh châu Phi (AU), Phong trào không liên kết, Tổ chức thương mại quốc tế, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, v.v…
Tuy-ni-di là quốc gia đầu tiên ở khu vực Địa Trung Hải đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) (ngày 17/7/1995), theo đó, Tuy-ni-di được hưởng những ưu đãi như Na Uy hay Ai len.
Trong lĩnh vực kinh tế, Tuy-ni-di có nguồn tài nguyên dầu lửa (trữ lượng 1,7 tỷ thùng), khí gas (trữ lượng 77,8 tỷ m3), phốt phát (sản xuất 1 triệu tấn/năm), sắt, chì, kẽm nhưng không nhiều.
Nền kinh tế nước này đa dạng với sự phát triển khá đồng đều cả nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Trong thập kỉ vừa qua, Nhà nước đã giảm sự can thiệp của mình vào các nền kinh tế với việc tư nhân hoá, đơn giản hoá các chính sách thuế khoá.
Tuy-ni-di đạt tốc độ tăng trưởng khá, khoảng 5% từ năm 1987 đến năm 2008. Sự tăng trưởng của du lịch và trao đổi thương mại là một trong những yếu tố chính góp phần vào sự tăng trưởng đều đặn của nền kinh tế Tuy-ni-di. Năm 2012, GDP đạt 44,7 tỷ USD, tăng 2,7%. GDP bình quân đầu người vào khoảng 4164 USD, tỷ lệ lạm phát là 5,9%.
Nông nghiệp thu hút 18,3% lực lượng lao động và đóng góp 8,9% GDP của Tuy-ni-di. Các nông sản chính gồm có quả ô liu, dầu ô liu, cà chua, cam quýt, cây củ cải đường, quả chà là, quả hạnh và ngũ cốc.
Công nghiệp dựa chủ yếu vào dầu mỏ, khai khoáng, dệt, da giầy, kinh doanh nông sản, đồ giải khát. Năm 2012, tỷ trọng của công nghiệp trong GDP là 29,6% góp phần giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 31,9% lao động.
Ngành dịch vụ của Tuy-ni-di khá phát triển, đặc biệt là du lịch đóng góp 61,5% GDP. Tuy-ni-di sở hữu 1298 km bờ biển, là điểm đến ưa thích của du khách châu Âu, ngoài ra còn có các địa điểm khảo cổ nổi tiếng như Carthage, Bulla Regia, Dougga.
Về ngoại thương, năm 2012, Tuy-ni-di xuất khẩu khoảng 17,87 tỷ USD gồm các mặt hàng chính như dệt may, thiết bị máy, phốt phát, sản phẩm hoá học, nông sản, khí hydrocarbon, thiết bị điện, v.v... Các thị trường xuất khẩu chính của Tuy-ni-di là Pháp, Italia, Đức và Tây Ban Nha.
Tuy-ni-di nhập khẩu khoảng 23,49 tỷ USD (2012) với các mặt hàng như dệt may, máy móc thiết bị, hoá chất, thực phẩm, hydrocarbon, v.v...
Quan hệ hợp tác Việt Nam – Tuy-ni-di
Việt Nam và Tuy-ni-di thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/12/1972. Hiện nay, Đại sứ quán Tuy-ni-di tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Li bi kiêm nhiệm Tuy-ni-di.
Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyến thăm và làm việc tại Tuy-ni-di, gần đây nhất là chuyến thăm của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (12/2005) và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (4/2010).
Việt Nam và Tuy-ni-di đã ký các điều ước như: Hiệp định thương mại (18/05/1994), Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kĩ thuật (06/05/1999), Hiệp định khung về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiêp (12/10/2002), Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và đặc biệt, Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực du lịch, Nghị định thư về tham khảo ý kiến giữa 2 Bộ Ngoại giao (2007), Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn thuế thu nhập (04/2010).
Hai nước đã thành lập Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam – Tuy-ni-di: Kỳ họp lần thứ nhất diễn ra tại Tunis vào tháng 12 năm 2002, và lần thứ hai tại Hà Nội vào tháng 12 năm 2010.
Về trao đổi thương mại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây, nhất là năm 2012. Trong cán cân thương mại song phương thời gian qua, Việt Nam thường xuất siêu.
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Tuy-ni-di 2004 – 2012
ĐVT: triệu USD
| 2004 | 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 |
Xuất khẩu | 1,13 | 2,4 | 3,18 | 6,12 | 12,2 | 9,6 | 10,7 | 22,3 | 43,6 |
Nhập khẩu | 5,69 | 5,07 | 9,88 | 1,44 | 28,3 | 5,3 | 5,2 | 4,2 | 7,6 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Nếu như năm 2004, Việt Nam xuất khẩu sang Tuy-ni-di chưa tới 1,1 triệu USD hàng hóa các loại thì đến năm 2011, con số này đã đạt 22,3 triệu USD và tăng lên 43,6 triệu USD năm 2012, tăng gần gấp đôi. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Tuy-ni-di gồm cà phê, hàng thuỷ sản, hạt tiêu, điện thoại các loại và linh kiện, hạt điều, v.v... Những mặt hàng nhập khẩu chính từ Tuy-ni-di gồm hoá chất, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, thức ăn gia súc và nguyên liệu...
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Tuy-ni-di năm 2012
Tên mặt hàng | Giá trị (USD) |
Cà phê | 16.048.888 |
Hàng thủy sản | 11.161.239 |
Hạt tiêu | 4.210.885 |
Điện thoại các loại và linh kiện | 3.938.043 |
Hàng hóa khác | 4.751.443 |
Hạt điều | 2.655.780 |
Bánh, kẹo và Sản phẩm từ ngũ cốc | 104.605 |
Vải các loại | 443.903 |
Linh kiện và phụ tùng xe máy | 216.566 |
Cao su | 155.232 |
Tổng | 43.686.585 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Tuy-ni-di đạt 21,38 triệu USD, với các mặt hàng chính gồm hàng hải sản 8 triệu USD, cà phê chiếm 6,4 triệu USD, hạt tiêu 3 triệu USD, hạt điều 0,9 triệu USD, máy móc thiết bị,dụng cụ phụ tùng 0,7 triệu USD, vải 0,6 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Tuy-ni-di đạt 3,4 triệu USD, với các mặt hàng hóa chất 0,95 triệu USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 0,9 triệu USD, thức ăn gia súc và nguyên liệu 0,75 triệu USD.
Trong chuyến thăm Tuy-ni-di của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2010, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra mục tiêu nâng kim ngạch hai chiều lên con số 100 triệu USD vào năm 2015.
Một số điều cần biết khi thâm nhập thị trường Tuy-ni-di
Chính sách ngoại thương: Chính sách ngoại thương của Tuy-ni-di dựa vào 3 nguyên tắc chính: tự do hoá, đa dạng hoá sản phẩm xuất khẩu và đa dạng hoá đối tác.Tự do hoá: Từ đầu những năm 90, Tuy-ni-di đã lựa chọn hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Sự hội nhập này được thể hiện qua việc tự do hoá dần dần nền ngoại thương và thiết lập các khu vực mậu dịch tự do với nhiều nước.
Cho đến nay, Tuy-ni-di đã ký hiệp định thương mại với 50 nước. Bất chấp những khó khăn do khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới và tác động của Phong trào Mùa xuân Ả rập, Tuy-ni-di vẫn tiến hành chính sách tự do hoá với việc đàm phán các hiệp định thương mại mới, nhất là đàm phán và tự do hoá lĩnh vực dịch vụ, nông sản và chế biến thực phẩm.
Đa dạng hoá hàng xuất khẩu: Với tầm quan trọng của ngoại thương trong nền kinh tế (là động lực tăng trưởng đứng thứ ba sau đầu tư và tiêu dùng), Tuy-ni-di đã lựa chọn việc đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu, trong đó chú trọng vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám cao như công nghiệp cơ khí, công nghiệp hàng không, dịch vụ, dầu ô liu đóng gói, v.v...
Đa dạng hoá đối tác thương mại: Để tránh sự tập trung quá nhiều vào trao đổi với EU, Tuy-ni-di đã bắt đầu một chương trình đa dạng hoá đối tác thương mại bằng cách nỗ lực mở rộng quan hệ thương mại với các nước Bắc Âu, Đông Âu và Trung Âu, với khu vực thương mại tự do A rập và đặc biệt là với châu Phi và châu Á.
Thuế quan: Thuế quan của Tuy-ni-di được tính theo giá trị hàng hóa trên giá CIF của hàng nhập khẩu. Hàng hóa khi được nhập khẩu vào Tuy-ni-di phải chịu thuế từ 0% đến 43% tùy thuộc vào các sản phẩm. Ví dụ: 0% đối với hàng hóa thiết yếu mà sản xuất trong nước không đáp ứng được, đối với trang thiết bị thuế nhập khẩu là 15%, nguyên vật liệu là 36% và các sản phẩm bán thành phẩm là 43%. Ngoài ra còn có thuế VAT có tỷ suất trung bình là 18% (riêng đối với mặt hàng xa xỉ là 29%), thuế tiêu thụ (10%), v.v...
Biện pháp phi thuế quan: Về hàng rào phi thuế, mặc dù Tuy-ni-di đã tự do hoá chế độ nhập khẩu trong khuôn khổ các cuộc đàm phán với WTO, nước này vẫn có một số giới hạn về nhập khẩu. Khoảng 3% hàng hoá đòi hỏi phải có giấy phép nhập khẩu (nông sản, ô tô, dệt may) do Bộ Thương mại cấp. Vẫn áp dụng một số quota nhập khẩu, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng cạnh tranh với ngành công nghiệp địa phương. Để có được những giấy phép này, doanh nghiệp cần xuất trình một số giấy tờ như hợp đồng thương mại (hoặc văn bản tương đương) cũng như những thông tin về các bên ký kết, mặt hàng, xuất xứ, v.v... Các giấy phép về nguyên tắc có giá trị 12 tháng kể từ khi Bộ Thương mại ra quyết định. Tuy nhiên, Bộ này có thể giảm thời gian nói trên đối với một số sản phẩm (nhưng không dưới 2 tháng). Giấy phép này không thể chuyển nhượng được.
Hệ thống phân phối tại Tuy-ni-di: Trong khoảng 5 năm gần đây, hệ thống phân phối hàng hóa phát triển nhanh chóng tại Tuy-ni-di. Sự xuất hiện của 3 nhà bán lẻ quốc tế là Carrefour, Géant và Champion cùng với hệ thống siêu thị của họ đã khiến thói quen tiêu dùng của người Tunisa thay đổi. Mặc dù vậy, hệ thống phân phối có tổ chức mới chỉ chiếm 12% thị phần phân phối của Tuy-ni-di, còn lại vẫn là các nhà buôn bán lẻ địa phương đặc biệt đối với việc kinh doanh các mặt hàng nông sản. Hiện nay, tại Tuy-ni-di có 3 nhà phân phối lớn: đầu tiên là Tập đoàn Mabrouk liên kết với Tập đoàn Casino của Pháp chiếm 36% thị phần, sau đó là Tập đoàn Chaibi ban đầu là chi nhánh của Carrefour sau đó mở rộng thêm liên kết với Champion vf chiếm 31% thị phần; cuối cùng là Magasin Général với 13% thị phần (nhà phân phối này còn tham gia cả hoạt động bán buôn).
Ngoài khu vực thủ đô Tunis nơi có sức mua khá cao, thì các vùng khác đặc biệt ở nông thôn, sức mua thấp, vì thế các tiểu thương vẫn là thành phần quan trọng của đời sống kinh tế Tuy-ni-di.
Một số địa chỉ hữu ích
Đại sứ quán Việt Nam tại Li-bi kiêm nhiệm Tuy-ni-di:
Địa chỉ: Al Hadba Al Khadara – Tripoli, Libya, P.O.Box: 587
Tel: 00 21821 490 1456/ Fax: 00 21821 490 1499
E-mail: [email protected]
Đại sứ quán Tuy-ni-di tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam:
Địa chỉ: 1 San Li Tun Dong Jie, Beijing
Tel: 0086-10-65322435/36; 65325688; 65327688;
Fax: 0086-10-65325818; E-mail: [email protected]
Bộ Thương mại và Thủ công Tuy-ni-di
Địa chỉ: 37 Avenue Kheirddine Pacha 1002 Tunis-Tunisie
Tel: (+216)71904070; Fax: (+216)71901324; Email: [email protected]
Phòng Thương mại và Công nghiệp Tunis:
Địa chỉ: 31, Avenue de Paris - 1000 Tunis - Tunisie
Tel.: (216) 71 247 322
Fax: (216) 71 354 744 - (216) 71 332 968 - (216) 71 247 288
Website : www.ccitunis.org.tn; E-mail : [email protected]