Nghị viện Châu Âu thông qua Nghị quyết không công nhận quy chế Kinh tế thị trường đối với Trung Quốc
Ngày 12 tháng 5 năm 2016, Nghị viện Châu Âu (EP) đã thông qua Nghị quyết không mang tính lập pháp (non-legislative resolution) rằng Liên minh Châu Âu (EU) sẽ không công nhận quy chế Kinh tế thị trường (KTTT) đối với Trung Quốc vào ngày 11 tháng 12 năm 2016 (theo tỷ lệ số phiếu là 546-28 và 77 phiếu trắng) như những cam kết của quốc gia này khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). (Theo Mục 15 Nghị định thư gia nhập WTO của Trung Quốc, Trung Quốc đồng ý một phương pháp tính toán biên độ phá giá cụ thể).
Nghị quyết của EP nhấn mạnh rằng hiện nay nền kinh tế Trung Quốc không phải nền kinh tế thị trường và chưa thỏa mãn được đầy đủ 5 tiêu chí đánh giá nền KTTT theo quy định pháp luật của EU. EP cho rằng, xét về mức độ ảnh hưởng hiện tại của nhà nước đối với nền kinh tế Trung Quốc, các quyết định của các công ty về giá, chi phí, đầu vào và đầu ra không tuân theo các tín hiệu phản ánh cung cầu thị trường. Theo đó, trong khi vẫn chưa đạt được 5 tiêu chí này thì trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, hàng hóa xuất khẩu bị điều tra từ Trung Quốc vẫn sẽ phải áp dụng phương pháp khác trong việc tính toán xác định biên độ phá giá, trợ cấp phù hợp với Điều 15 của Báo cáo gia nhập WTO của Trung Quốc (nghĩa là không sử dụng số liệu do ngành sản xuất trong nước của Trung Quốc cung cấp). EP kêu gọi EC đưa ra đề xuất phù hợp với nguyên tác này. EP cũng cho rằng bất kỳ quyết định nào về cách thức xử lý đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sau thời điểm tháng 12/2016 phải đảm bảo sự phù hợp của luật pháp EU với các quy định của WTO.
Hiện nay, theo số liệu thống kê thì EU đang áp dụng 73 biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó 56 lệnh áp thuế là đối với hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU và EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với lưu lượng thương mại giữa hai bên lên đến hơn 1tỷ euro/ngày. Trong năm 2015, đầu tư từ Trung Quốc vào EU đã lần đầu tiên vượt quy mô đầu tư từ EU vào Trung Quốc và thị trường Trung Quốc là thị trường mang lại lợi nhuận chính cho 1 số ngành và nhãn hiệu của EU.
Bên cạnh đó, Nghị quyết này cũng đề nghị EC phối hợp với các đối tác kinh tế lớn - đặc biệt là trong khuôn khổ cuộc họp thượng đỉnh G7 và G20 tới đây - trong việc đảm bảo rằng các quy định của Điều 15 của Báo cáo gia nhập WTO của Trung Quốc vẫn giữ nguyên hiệu lực pháp lý cho đến sau năm 2016. Đồng thời, Nghị quyết này cũng đề nghị EC phải phản đối các hành động đơn phương nào công nhận quy chế KTTT đối với Trung Quốc.
Nghị quyết của EP đã yêu cầu Ủy ban Châu Âu (EC) cần phải xem xét và cân nhắc kỹ những quan ngại do các ngành công nghiệp, công đoàn và các bên liên quan khác của EU đối với các tác động của việc công nhận quy chế KTTT của Trung Quốc với môi trường, sự phát triển kinh tế bền vững, lao động, việc làm trong tất cả các ngành sản xuất bị ảnh hưởng và các ngành sản xuất nói chung của Liên minh Châu Âu trước khi ra quyết định về vấn đề này và đảm bảo việc bảo vệ công ăn việc làm của EU. EP cho rằng năng suất dư thừa của Trung Quốc đã có ảnh hưởng mạnh đến kinh tế, xã hội và môi trường ở EU, thể hiện ở tác động gần đây tới ngành thép của EU và tác động tới công ăn việc làm của EU nếu công nhận quy chế KTTT cho Trung Quốc sẽ rất lớn.
Trong giai đoạn tiếp theo, Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ đưa ra báo cáo, kiến nghị về vấn đề công nhận KTTT đối với Trung Quốc. EP nhấn mạnh sự cần thiết phải có cải cách chung liên quan đến việc sửa đổi các công cụ phòng vệ thương mại của Liên minh Châu Âu để đảm bảo sân chơi công bằng giữa ngành sản xuất EU với Trung Quốc và các đối tác kinh tế khác, phù hợp với các quy định của WTO. EP kêu gọi Hội đồng châu Âu nhanh chóng đạt được thống nhất với Nghị viện về việc hiện đại hoá các công cụ phòng vệ thương mại của EU.
Nếu EC đề xuất công nhận quy chế KTTT cho Trung Quốc tại quy định pháp luật của EU, Nghị viện EU sẽ có quyền cùng quyết định (co-decision rights) với Hội đồng châu Âu. Trong một cuộc tranh luận gần đây về việc xử lý với hàng nhập khẩu của Trung Quốc như thế nào sau thời điểm ngày 11/12/2016, Uỷ viên châu Âu Vytenis Andriukaitis đã cho EP biết rằng Hội đồng đang nghiên cứu một bộ các quy tắc mới trong đó có bao gồm một hệ thống phòng vệ thương mại mạnh và đảm bảo phù hợp với các quy tắc WTO và Hội đồng sẽ thảo luận điều này “trước kỳ nghỉ mùa hè”.
Tài liệu tham khảo:
Nguồn: Copy link