Đôi nét về quan hệ thương mại Việt Nam - Thụy Điển năm 2012
Thị trường nhà ở trong nước có nhiều rủi ro do ngân hàng phụ thuộc vào nguồn vốn bán buôn ở nước ngoài. Thị trường lao động phát triển chậm và dự báo sẽ diễn biến xấu hơn do sự gia tăng sa thải lao động vì doanh nghiệp phá sản. Kinh tế Thuỵ Điển trong năm 2012 gặp khó khăn tại cả thị trường nội địa và thị trường nước ngoài do cuộc khủng hoảng nợ tại EU. Trong dự luật ngân sách 2013 trình Quốc hội vào ngày 20/9/2012, Chính phủ Thụy Điển dự kiến mức tăng trưởng 1,6% trong năm 2012, 2,7% năm 2013 và 3,7% vào năm 2014. Tuy nhiên, Cục Thống kê Thụy Điển đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng thấp hơn do nền kinh tế Châu Âu vẫn tiếp tục xấu đi và Ngân hàng trung ương Thụy Điển cũng dự kiến mức tăng trưởng trong năm 2012 của nước này chỉ là 0,9% và dự báo mức tăng 0,7% vào 2013.
Trong bối cảnh khó khăn như vậy nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Thụy Điển trong năm 2012 vẫn tăng 33,8% và đạt 914,9 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 673,7 triệu USD, tăng 57,6% so với năm 2011 và kim ngạch nhập khẩu là 241,1 triệu USD, giảm 5,8% so với năm 2011. Một dấu hiệu tích cực là xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Điển tăng đáng kể trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ Thụy Điển lại giảm, làm cho cán cân thương mại của Việt Nam với Thụy Điển ở trong tình trạng xuất siêu.
Hiện nay, thị phần hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Thụy Điển là 0,2%. Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Thụy Điển là giày dép (đạt 53,7 triệu USD, tăng 28,8% so với năm 2011), dệt may (đạt 52,3 triệu USD, giảm 23,6% so với năm 2011), hải sản (đạt 16,2 triệu USD, tăng 24,5%), máy tính và linh kiện (đạt 63,3 triệu USD, tăng 66,5%), v.v... Mặt hàng điện thoại và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu mới, nhưng có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Thụy Điển, với giá trị xuất khẩu đạt 307,7 triệu USD, tăng 160% so với năm 2011.
Mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Thụy Điển là thiết bị viễn thông (đạt 125,2 triệu USD, giảm 15% so với năm 2011), máy móc thiết bị các loại (đạt 32,9 triệu USD, tăng 20,4% so với năm 2011), tân dược (đạt 6,9 triệu USD, giảm 2,8% so với năm 2011), v.v...
Thụy Điển là quốc gia chú trọng và quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, gắn môi trường với thương mại, doanh nghiệp và thông qua đó kêu gọi người tiêu dùng trong nước có sự lựa chọn thông minh đối với hàng hóa để góp phần bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng mở rộng tăng cường các tiêu chuẩn về môi trường áp dụng cho sản phẩm hàng hóa như ISO 14025, 14040, 14044 đến 14067-1/2. Do đó, việc nhận thức và đáp ứng các tiêu chuẩn mới của Thụy Điển là một việc hết sức quan trọng đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam mong muốn tiếp cận và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào thị trường nước này.