Tiềm năng hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Ghi-nê
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2011 trao đổi thương mại song phương đã vượt con số 100 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 94,8 triệu USD hàng hóa các loại, tăng 100% so với năm 2010 và nhập khẩu đạt 12,9 triệu USD, tăng 82%.
Khái quát về Cộng hoà Ghi-nê
Cộng hoà Ghi-nê (Repulic of Guinea) nằm ở khu vực Tây Phi bên bờ Đại Tây Dương, có biên giới chung với Ghi-nê Bít-xao, Xê-nê-gan, Ma-li, Xi-ê-ra Lê-ôn, Bờ Biển Ngà và Li-bê-ri-a. Với diện tích rộng 245.857 km2, Ghi-nê có thủ đô là Cô-na-cri (Conakry), dân số 11 triệu người (tháng 7/2012) trong đó đạo Hồi chiếm 85%, Thiên chúa giáo 8%, tín ngưỡng bản địa 7%. Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Pháp, đơn vị tiền tệ là đồng franc Ghi-nê (1 USD = 6.984 GNF).
Về chính trị, Ghi-nê theo thể chế Cộng hòa Tổng thống. Tổng thống hiện nay là ông Anpha Conde, cầm quyền từ 21/12/2010. Ghi-nê thực hiện chế độ đa đảng với hơn 40 đảng phái khác nhau.
Ghi-nê là thành viên của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS). Mặc dù có vị trí địa lý chiến lược và đã phê chuẩn toàn bộ những thoả thuận được tổ chức này thông qua song Ghi-nê vẫn chưa tích cực trong việc hội nhập khu vực do tình hình bất ổn kinh tế và chính trị. Ngoài ra, Ghi-nê là thành viên của phong trào Không liên kết, của UN, AU, Francophonie, IMF, WB, v.v...
Về kinh tế, năm 1985, Ghi-nê thực hiện cải cách kinh tế theo hướng đẩy mạnh quá trình tư nhân hoá và chuyển sang cơ cấu kinh tế thị trường, Nhà nước chỉ quản lý các ngành kinh tế lớn như năng lượng, viễn thông, khai khoáng. Hiện Ghi-nê đang cố gắng tìm lại hình ảnh và kêu gọi giúp đỡ từ các nhà tài trợ quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các quốc gia khác.
Các nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm đến trữ lượng sắt và bô xít của Ghi-nê, những động lực tăng trưởng của quốc gia Tây Phi này. Tháng 9/2011, Chính phủ Ghi-nê đã đưa ra một Bộ luật mỏ mới bao gồm cả những điều khoản giúp đấu tranh chống tham nhũng, bảo vệ môi trường và xem xét lại tất cả các hợp đồng mỏ trước đó. Ngoài ra, để thu hút viện trợ quốc tế cũng như nguồn vốn FDI, Chính phủ Ghi-nê cam kết cải cách hệ thống ngân hàng, cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Năm 2012, GDP của Ghi-nê đạt 5,74 tỷ USD, tăng 4,8%. Tỷ lệ lạm phát là 15%. Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm 12,8%, công nghiệp 48,5% và dịch vụ 38,7%. Dự báo năm 2013, GDP của quốc gia Tây Phi này tiếp tục tăng trưởng đạt mức 5,5% và tỷ lệ lạm phát giảm xuống còn 10,1%.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Ghi-nê có khoảng 9 triệu ha đất trồng trọt ít chịu ảnh hưởng của sa mạc hoá, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Sản phẩm chính có cà phê, chuối, lúa, ngô, dứa, v.v... Mặc dù Ghi-nê là nước sản xuất lúa lớn thứ hai tại châu Phi sau Nigiêria nhưng sản xuất vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Gạo là thức ăn cơ bản của người dân Ghi-nê. Vì vậy, Chính phủ vẫn duy trì quyền kiểm soát, trợ giá nhập khẩu gạo và giao Bộ Thương mại trực tiếp nhập khẩu mặt hàng này. Mỗi năm, Ghi-nê nhập khẩu từ 350.000 đến 400.000 tấn gạo, trung bình một người dân tiêu thụ gần 100 kg gạo. Phần lớn gạo địa phương được tiêu thụ và kinh doanh dưới dạng gạo đồ. Trên thị trường Ghi-nê có 3 loại gạo chính: gạo đồ của địa phương, gạo trắng địa phương và gạo trắng nhập khẩu. Các nước cung cấp chính là Thái Lan, Ấn Độ, Ai Cập và Việt Nam.
Về công nghiệp, Ghi-nê là nước giàu tài nguyên khoáng sản với trữ lượng bô xít 20 tỉ tấn (trong đó 12 tỷ tấn đã được chứng minh và đứng thứ 2 thế giới về sản xuất bô xít sau Ôt-xtrây-li-a), sắt 13 tỉ tấn, kim cương 25 triệu carats, v.v... Khai thác bô xít là ngành công nghiệp chính của Ghi-nê, sản lượng đạt 13 triệu tấn/năm, ngoài ra còn có hoạt động khai thác vàng, kim cương. Ngành khai thác mỏ chiếm 70% giá trị xuất khẩu của Ghi-nê.
Về ngoại thương, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Ghi-nê đạt 1,785 tỷ USD gồm các mặt hàng bô xít, alumina, nhôm, vàng, kim cương, cà phê, cá, sản phẩm nông nghiệp. Các đối tác xuất khẩu chính gồm Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nga, Ấn Độ, Đức, Ireland, Hoa Kỳ và Ukraina. Ghi-nê nhập khẩu 2,708 tỷ USD năm 2012 gồm sản phẩm dầu khí, kim loại, thiết bị vận tải, dệt may, ngũ cốc và thực phẩm khác. Các đối tác nhập khẩu chính gồm Trung Quốc, Hà Lan, Hoa Kỳ, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ và Ấn Độ.
Lĩnh vực tài chính gồm hệ thống 10 ngân hàng thương mại. Các ngân hàng này cấp tín dụng rất hạn chế: trung bình, tổng số tín dụng dành cho khu vực tư nhân không vượt quá 10% GDP trong khi tại các nước đang phát triển có thu nhập thấp, tỷ lệ này chiếm trên 40%. Tín dụng thư xuất khẩu vẫn chưa được sử dụng rộng rãi. Theo các doanh nghiệp tư nhân, chi phí mở L/C còn rất cao. Ngoài phí hoa hồng 1% ra, lãi suất mà các ngân hàng thương mại áp dụng rất cao do Ngân hàng Trung ương Ghi-nê đưa ra lãi suất chỉ đạo là 25,3%.
Quan hệ với Việt Nam
Ghi-nê là nước dân tộc chủ nghĩa đầu tiên ở châu Phi có quan hệ ngoại giao với Việt Nam (9/10/1958), tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ta. Việt Nam đã lập Đại sứ quán thường trú ở Cô-na-cri năm 1960, đến tháng 12/1986 do khó khăn về tài chính nên đã rút Đại sứ quán. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc kiêm nhiệm CH Ghi-nê và Đại sứ quán Ghi-nê tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.
Hai bên đã trao đổi một số đoàn cấp cao. Về phía Việt Nam có đoàn của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ thăm Ghi-nê (1978); Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (3/1994); Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gặp Phó Tổng thống Ghi-nê bên lề Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ, Canada (10/2008). Về phía Bạn có đoàn của Tổng thống Sekou Toure thăm Việt Nam (1960). Tháng 5/2006, Đoàn Bộ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Doanh nghiệp vừa và nhỏ thăm Việt Nam. Mục đích chuyến thăm nhằm học hỏi kinh nghiệm của ta trong lĩnh vực hợp tác đầu tư với nước ngoài, nông nghiệp và đề nghị được mua gạo của Việt Nam với giá ưu đãi.
Hai nước cũng đã ký kết một số văn bản pháp lý như Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và thương mại, thoả thuận thành lập Uỷ ban về hợp tác giữa hai nước.
Ghi-nê cũng rất quan tâm đến mô hình hợp tác ba bên với Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục. Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp sang giúp Ghi-nê trước năm 1970. Hiện nay có 9 chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp đang làm việc tại Ghi-nê theo dự án hợp tác 3 bên Việt Nam-Ghinê-Nam Phi từ năm 2008.
Về thương mại, Ghi-nê có nhu cầu lớn về một số mặt hàng của Việt Nam như gạo, dệt may, giày dép, nguyên phụ liệu thuốc lá, vật liệu xây dựng, đặc biệt là gạch lát, xi măng, sắt thép. Quan hệ thương mại hai nước trong thời gian qua đã có bước phát triển tích cực. Đây là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam tại khu vực Tây Phi nói riêng và châu Phi nói chung. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2011 trao đổi thương mại song phương đã vượt con số 100 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 94,8 triệu USD hàng hóa các loại, tăng 100% so với năm 2010 và nhập khẩu đạt 12,9 triệu USD, tăng 82%. Việt Nam bán cho Ghi-nê chủ yếu là các mặt hàng gạo, giày dép các loại, mỳ ăn liền, sản phẩm dệt may, mây tre, cói và thảm, sản phẩm gốm sứ, nguyên phụ liệu thuốc lá, sữa và sản phẩm sữa, xe đạp và phụ tùng, v.v... và nhập khẩu gỗ, hạt điều, sắt thép phế liệu.
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã giảm mạnh chỉ đạt 40 triệu USD trong đó gạo chiếm 22,8 triệu USD, sản phẩm dệt may 4 triệu USD, thuốc lá các loại 1,4 triệu USD, sản phẩm từ sắt thép 1,1 triệu USD, sản phẩm hoá chất, linh kiện phụ tùng xe máy, v.v... Nguyên nhân là do xuất khẩu mặt hàng gạo sụt giảm vì đầu năm nay, Ghi-nê chuyển sang mua gạo của Ấn Độ có giá bán rẻ hơn gạo Việt Nam.
Về nhập khẩu, năm 2012, Việt Nam nhập khẩu 16,6 triệu USD tăng 40% so với năm 2011, với các mặt hàng chính là sắt thép phế liệu 12,4 triệu USD, hạt điều 2,4 triệu USD, gỗ 1,6 triệu USD, v.v...
Một số địa chỉ hữu ích:
1. Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc kiêm nhiệm CH Ghi-nê
Địa chỉ : Số 27 Phố Mezzouda, Souissi – Rabat, Vương quốc Ma rốc
Điện thoại : -(00 212) 537 65 92 56/ (00 212) 537 65 92 10
Fax : (00 212) 537 65 92 10
Email : [email protected]
2. Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc
Địa chỉ: Số 240 Đại lộ Zerktouni, 5è étage, Casablanca – Maroc
Điện thoại: (00 212) 522 473 723
Fax: (00 212) 522 270 724
Email: [email protected]
3. Đại sứ quán Ghi-nê tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: No. 2, Xi Liu Jie, San Li Tun, Chaoyang District, Beijing 100600, China
Tel: 86 10 6532 3649; Fax: 86 10 6532 4957
4. Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Ghi-nê
(Chambre de commerce, d'industrie et d'agriculture de Guinée -CCIAG)
Địa chỉ: BP 545 Conakry, Guinea
Tel: +224 41-2994; 224-30-45-4217; Fax: +224 41-2994; 224-30-45-2951
Email: [email protected]; website: