Đôi nét về ngành dệt may của Nam Phi
Nam Phi hiện có khoảng gần 2000 công ty sản xuất hàng dệt may trong đó ngành dệt có trên 400 nhà máy lớn. Mỗi năm, ngành dệt may Nam Phi sản xuất trung bình lượng vải dệt trị giá khoảng 1,76 tỉ USD và sản lượng quần áo may từ nguồn vải này đạt 191 triệu đơn vị.
Trong giai đoạn hiện nay, ngành dệt may Nam Phi đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của hàng nhập khẩu. Các nhà máy trong nước năng suất thấp hơn và không thể cạnh tranh về giá với hàng ngoại nhập khiến cho nhiều nhà máy phải đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất. Hàng dệt may nhập khẩu chiếm tới trên 80% thị phần hàng dệt may tại Nam Phi.
Hiện nay, Nam Phi không áp dụng hạn ngạch đối với hàng dệt may xuất khẩu và Nam Phi cũng tuân theo các Hiệp định Thương mại Tự do với EU, SADC, Zimbabwe… để áp thuế cho mặt hàng dệt may cũng như các mặt hàng khác. Tùy theo từng Hiệp định mà Nam Phi ký kết sẽ áp mức thuế khác nhau, tuy nhiên, mức thuế chung là từ 20% đến 60%.
Các sản phẩm dệt may tại thị trường Nam Phi được tiêu thụ theo mầu da, tầng lớp người tiêu dùng và thị hiếu tiêu thụ. Người da đen (chiếm tới 73% dân số) thích mặc những loại quần áo rẻ tiền, chủ yếu là quần bò, áo bò, áo phông, áo thun... và ưa chuộng chất liệu bền. Họ thích mầu mè, đặc biệt là những màu đậm. Người da trắng (chỉ chiếm 13% dân số) chuộng phong cách Châu Âu, thích tông màu thanh nhã. Giới trẻ ăn mặc theo xu hướng thời trang. Người da mầu (chủ yếu là gốc người Ấn Độ) có kiểu ăn mặc riêng. Nhìn chung, dân Nam Phi da trắng cũng như da đen thích mặc quần bò, áo phông. Họ không câu nệ và quá chăm chút tới ăn mặc, trừ số ít tầng lớp lao động trí thức văn phòng. Những ngày thứ sáu nhân viên đi đến trụ sở trong bộ đồ thông thường (casual).
Ngoài ra, hàng dệt may của Nam Phi còn được phân loại theo mùa và theo vùng. Khí hậu của Nam Phi được chia làm 2 mùa: mùa đông và mùa hè. Mùa hè rõ nét nhất là từ tháng 12 đến tháng 2. Thời tiết bán ôn đới, nóng vào ban ngày nhưng lạnh vào ban đêm. Điều này khiến tầng lớp ít tiền (chủ yếu là người da đen) muốn mua một chiếc áo ấm để có thể khoác vào ban ngày và đủ ấm để mặc vào ban đêm. Mùa đông thời tiết lạnh hơn, ban ngày nhiệt độ có thể xuống tới 140C, tối khoảng –10C. Tuy nhiên đa phần Nam Phi không có tuyết do khí hậu khô. Yếu tố thời tiết ảnh hưởng rất nhiều tới chủng loại hàng may mặc.
Biểu thuế nhập khẩu hàng dệt may Nam Phi
Đơn vị tính: %
Số TT | Nhóm mặt hàng | Biên độ thuế | Thuế Trung bình |
1 | Chương 50 | 0 | 0 |
2 | Chương 51 | 0-22 | 7.9 |
3 | Chương 52 | 0-22 | 18.5 |
4 | Chương 53 | 0-22 | 3.8 |
5 | Chương 54 | 0-22 | 15 |
6 | Chương 55 | 0-22 | 16.1 |
7 | Chương 56 | 0-20 | 14.1 |
8 | Chương 57 | 5-30 | 26.4 |
9 | Chương 58 | 0-25 | 17.2 |
10 | Chương 59 | 0-22 | 10.9 |
11 | Chương 60 | 0-22 | 16.7 |
12 | Chương 61 | 0-40 | 37.6 |
13 | Chương 62 | 0-40 | 36.5 |
14 | Chương 63 | 0-60 | 25.2 |
Nguồn: Tổng Cục Thuế Nam Phi
Trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dệt may của Việt Nam sang Nam Phi đạt khoảng 17,3 triệu USD, tăng gần 20% so với năm 2012 (đạt khoảng 14,5 triệu USD). Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch của nước ta sang thị trường này đạt 13,28 triệu USD (+24%).
Việc doanh nghiệp nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng của người dân cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh tại Nam Phi sẽ góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu về hàng dệt may của đất nước trên 49 triệu người này.