Cảnh báo tình trạng tội phạm CNTT đột nhập hộp thư điện tử của doanh nghiệp để lừa đảo
Trường hợp thứ nhất
Tháng 7/2014 doanh nghiệp A. (Hà Nội) ký hợp đồng xuất khẩu thảm cói cho doanh nghiệp B. (Nam Phi). Hai bên là đối tác với nhau hơn 10 năm nên đã xây dựng được lòng tin về chất lượng sản phẩm và thanh toán. Bỗng dưng, doanh nghiệp B. (Nam Phi) nhận được E-mail của doanh nghiệp A. (Hà Nội) đề nghị thanh toán tiền nhập khẩu qua Western Union, tên người nhận tiền là Xiang Yuang, địa chỉ tại Thổ Nhĩ Kỳ (!). Doanh nghiệp B (Nam Phi) thấy sự việc bất thường nên từ chối thanh toán. Tiếp theo đó doanh nghiệp B. (Nam Phi) liên tiếp nhận được nhiều E-mail với nội dung trình bầy thuyết phục doanh nghiệp B. (Nam Phi) chuyển tiền thanh toán sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng doanh nghiệp B. (Nam Phi) tuyên bố chỉ chuyển tiền thanh toán sang 1 ngân hàng ở Việt Nam. Ngay lập tức, doanh nghiệp B. (Nam Phi) nhận được E-mail từ hộp thư của doanh nghiệp A. (Hà nội) yêu cầu thanh toán cho ngân hàng sau tại Việt Nam:
Account name : Pyo Keun Sung
Account no : 700-003-005873
Bank name : Shinhan Bank Vietnam
Address : 2F. Daeha Business Centre. 360 Kim Ma Str.,
Ba Dinh Dist.. Hanoi City,Vietnam Swift Code : SHBKVNVX
Đồng thời E-mail từ hộp thư của doanh nghiệp A. (Hà Nội) còn yêu cầu doanh nghiệp B. (Nam Phi) thanh toán thêm số tiền hàng sẽ giao trong tháng sau kèm theo lời đe dọa nếu không thanh toán sẽ nhờ các cơ quan pháp luật can thiệp.
Doanh nghiệp B. Nam Phi vô cùng tức giận. Trong khi vì trục trặc trong việc thanh toán mà lô hàng thảm cói nhập khẩu từ Việt nam theo đơn đặt hàng của 1 chủ khách sạn có nguy cơ vi phạm thời gian giao hàng cho kịp ngày khai trương khách sạn mới, thì doanh nghiệp B. (Nam Phi) còn nhận được những lời lẽ xúc phạm và đe dọa. Doanh nghiệp B. (Nam Phi) quyết định tố cáo sự việc đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi trước khi cắt đứt quan hệ với doanh nghiệp Việt Nam vì mất lòng tin.
Chỉ đến lúc đó, với sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán Việt nam tại Nam Phi, sự việc mới được làm sáng tỏ. Hộp thư điện tử của doanh nghiệp A. (Hà Nội) đã bị tội phạm công nghệ đột nhập và khống chế. Hai doanh nghiệp chuyển sang sử dụng hộp thư điện tử dự phòng. Doanh nghiệp A. (Hà Nội) cam kết khắc phục hậu quả, tăng cường công tác an ninh mạng để ngăn chặn thiệt hại, phiền hà đến khách hàng, cộng thêm sự vận động, thuyết phục, đảm bảo của Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, doanh nghiệp B. (Nam Phi) đồng ý nối lại việc nhập khẩu thảm cói từ Việt Nam.
Trường hợp thứ hai
Tháng 6/2014, sau gần 1 tháng giao dịch, đàm phán, thống nhất yêu cầu về chất lượng, giá cả, thẩm tra tư cách pháp nhân, doanh nghiệp Y. (Nam Phi) quyết định chính thức đặt hàng nhập khẩu tinh bôt sắn từ doanh nghiệp X. (Tây Ninh). Ngay sau đó doanh nghiệp Y. (Nam Phi) nhận được Proforma Invoice từ hộp thư điện tử của doanh nghiệp X. (Tây Ninh) trong đó đề nghị thanh toán tiền hàng nhập khẩu vào 1 tài khoản mở tại 1 ngân hàng Vương quốc Anh (!).
Không mảy may nghi ngờ doanh nghiệp Y. (Nam Phi) làm thủ tục chuyển tiền vào tài khoản mở tại ngân hàng Vương quốc Anh. Tuy nhiên, ngân hàng Nam Phi từ chối chuyển tiền vì tên chủ tài khoản không phải là doanh nghiệp X. (Tây Ninh).
Khi doanh nghiệp Y. (Nam Phi) gửi thư thông báo đến hộp thư điện tử của doanh nghiệp X. (Tây Ninh), ngay lập tức doanh nghiệp Y. (Nam Phi) nhận được thư xác nhận đổi tên tài khoản từ tên doanh nghiệp X. (Tây Ninh) sang tên chủ tài khoản mới tại ngân hàng Vương quốc Anh. Vẫn không mảy may nghi ngờ doanh nghiệp Y. (Nam Phi) xuất trình thư xác nhận đổi tên tài khoản cho ngân hàng Nam Phi và chuyển tiền thành công vào tài khoản mở tại ngân hàng Vương quốc Anh.
Sau khi chuyển tiền thành công, doanh nghiệp Y. (Nam Phi) thông báo việc thanh toán cho doanh nghiệp X. (Tây Ninh) và đề nghị giao hàng. Nhưng doanh nghiệp X. (Tây Ninh) chờ mãi, chờ mãi vẫn không thấy tiền về ngân hàng Việt Nam. Đã từng nghe một số thông tin phức tạp về thị trường châu Phi, doanh nghiệp X. (Tây Ninh) dần dần tin rằng phía Nam Phi đang thực hiện 1 âm mưu nào đó. Hai bên bắt đầu lời qua, tiếng lại. Ngẫu nhiên Việt Nam đang vào mùa mưa bão, liên lạc điện thoại thường xuyên bị gián đoạn. Doanh nghiệp Y. (Nam Phi) tìm mọi cách liên hệ với doanh nghiệp X. (Tây Ninh) mà không được nên cũng đi đến kết luận: doanh nghiệp X. (Tây Ninh) cố tình chiếm đoạt tiền thanh toán rồi cắt đứt mọi liên hệ nên đã trình báo sự việc đến Sở Cảnh sát chống lừa đảo Vương quốc Anh, và thông báo sự việc đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi.
Đến đây thì sự việc được làm sáng tỏ: doanh nghiệp X. (Tây Ninh) và doanh nghiệp Y. (Nam Phi) đều là nạn nhân của 1 nhóm tội phạm CNTT, những kẻ đã đột nhập và khống chế hộp thư điện tử của doanh nghiệp X. (Tây Ninh).
Qua 02 vụ việc trên, Thương vụ Nam Phi xin được cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam: cần hết sức cảnh giác với tình trạng tội phạm CNTT đột nhập vào hộp thư điện tử của các doanh nghiệp để lừa đảo.
Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi kiến nghị:
1. Các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp an ninh bảo vệ hộp thư điện tử, thường xuyên thay đổi mật khẩu.
2. Các doanh nghiệp lựa chọn hình thức văn bản giao dịch có độ an toàn cao, khó tẩy xóa, sửa chữa.
3. Các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp xác nhận văn bản khác nhau, kiểm tra chéo.
4. Các doanh nghiệp luôn đề cao cảnh giác, phát hiện bất thường trong giao dịch với khách hàng. Nếu thấy có sự thay đổi trong ngôn ngữ giao dịch, trong thời gian thực hiện nghĩa vụ thanh toán, cần nghĩ ngay đến khả năng hộp thư điện tử mất an toàn.