Xu hướng xe điện "đe dọa" việc làm tại Đức và Nhật Bản
Tại Nhật Bản, sự gia tăng của xu hướng xe điện có thể dẫn đến nguy cơ mất việc làm cho 84.000 người tính đến năm 2050, hơn 10% trong số 686.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô.
Tại Đức và Nhật Bản, các hoạt động sản xuất liên quan đến chế tạo động cơ đốt trong của ô tô đang đứng trước nguy cơ bị loại bỏ. Được thúc đẩy một phần bởi chính sách của chính phủ, sự chuyển dịch toàn cầu sang xe điện sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn việc làm trong lĩnh vực ô tô trong những thập kỷ tới.
Theo nhóm tư vấn Arthur D. Little Japan, riêng tại Nhật Bản, sự gia tăng của xu hướng xe điện có thể dẫn đến nguy cơ mất việc làm cho 84.000 người tính đến năm 2050, hơn 10% trong số 686.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô.
Tính đến thời điểm hiện tại, xu hướng này đã bắt đầu hiện rõ ở một số nhà sản xuất ô tô Nhật Bản. Honda Motor cho biết vào ngày 4 tháng 6, nhà máy sản xuất hệ thống truyền động của họ ở Moka, một thành phố phía bắc Tokyo, sẽ đóng cửa vào năm 2025, theo kế hoạch xoay hướng sang sản xuất xe điện của công ty. Khoảng 900 nhân viên làm việc tại nhà máy này sẽ được chuyển đến các địa điểm sản xuất khác.
Vào tháng 4/2021, Honda lại thông báo rằng các dòng xe ô tô chạy bằng xăng sẽ không còn nằm trong danh sách sản phẩm của hãng vào năm 2040. Tất cả các loại ô tô mới sẽ là xe điện (EV) và xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro, giảm nhu cầu về các bộ phận động cơ.
Dưới những động thái trên, công ty Honda đã đưa ra lựa chọn nghỉ hưu sớm cho nhân viên từ 55 tuổi trở lên vào mùa xuân năm nay và hơn 2.000 người lao động đã chấp nhận đề xuất từ phía công ty. Con số này chiếm khoảng khoảng 5% tổng số nhân viên chính thức của Honda Nhật Bản.
Trên thực tế, trong khi sản xuất một chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong cần 30.000 linh kiện, sản xuất xe EV chỉ cần khoảng một nửa con số đó. Khác biệt chính nằm ở sự phức tạp của việc sản xuất động cơ đốt trong, giống như chế tạo một trái tim cơ học cấu thành bởi các piston, lò xo, cảm biến... theo tiêu chuẩn chính xác về từng chi tiết. Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu luôn kiểm soát chặt chẽ mọi khía cạnh của động cơ, từ R&D cho đến quá trình lắp ráp.
Từ trước đến nay, các công ty ô tô lớn đã duy trì lợi thế cạnh tranh và tỷ suất lợi nhuận của mình bằng việc xây dựng chuỗi cung ứng cấu thành bởi các nhà cung cấp nhiều tầng khác nhau.
Theo Tokyo Shoko Research, tại Nhật Bản hiện có 7.500 nhà cung cấp cấp một cho sản phẩm ô tô. Số lượng các nhà cung cấp cấp hai lên đến 15.000 công ty.
Giống như các công ty trong vùng Mittelstand của Đức, hầu hết các công ty này là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện tại, lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô chiếm 1/5 tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Nhật Bản.
Khác với ô tô chạy bằng động cơ đốt trong, ô tô chạy điện được điều khiển bởi trục e, bao gồm các motor, bộ biến tần và các bộ phận khác. Bởi vì trục điện tử được cấu thành từ ít bộ phận hơn so với động cơ đốt trong, sự lên ngôi của xe điện sẽ làm giảm tầm quan trọng của việc xây dựng một chuỗi cung ứng trong ngành ô tô, cũng như hạ thấp rào cản tham gia ngành với những doanh nghiệp mới từ các lĩnh vực khác.
Thay vì tập trung nguồn lực vào xây dựng và kiểm soát chuỗi cung ứng các nhà sản xuất linh kiện, các nhà sản xuất ô tô, bao gồm cả những doanh nghiệp mới sẽ có thể tập trung vào quá trình thiết kế hoặc phát triển phần mềm, chuyển giao phần lớn hoạt động sản xuất cho các nhà thầu bên ngoài. Mô hình “chuỗi cung ứng” theo chiều ngang này được đánh giá có thể trở thành mô hình kinh doanh mới cho ngành công nghiệp ô tô.
Foxconn, nhà cung cấp Đài Loan của Apple, đã có kế hoạch trở thành một trong những nhà sản xuất xe ô tô điện theo hợp đồng như mô hình trên. Dịch vụ sản xuất theo mô hình này sẽ giúp các thương hiệu xe điện mới gia nhập thị trường khả năng tiếp cận khách hàng mà không cần xây dựng nhà máy sản xuất riêng.
Ông Osamu Suzuki, cựu chủ tịch Suzuki Motor và là người ủng hộ lâu năm về vai trò của ngành công nghiệp ô tô trong việc duy trì các nhà sản xuất vừa và nhỏ ở Nhật Bản, cảnh báo với sự tiến triển của mô hình cung ứng theo chiều ngang, "chuỗi cung ứng công nghiệp hiện tại sẽ sụp đổ".
Sự suy giảm về việc làm trong ngành ô tô đã bắt đầu xuất hiện ở Đức, quốc gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi sang xe điện. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo, có trụ sở tại Munich, đến năm 2030, ít nhất 215.000 việc làm sẽ bị ảnh hưởng bởi xu hướng này. Viện cho biết, có 613.000 việc làm gắn với quá trình sản xuất động cơ đốt trong vào năm 2019, tương đương với việc gần 40% người lao động sẽ bị có nguy cơ mất việc.
Volkmar Denner, Giám đốc điều hành của nhà cung cấp ô tô Đức Robert Bosch cho biết: “Trong khi cần 10 người để tạo ra một bộ phận phun nhiên liệu cho một động cơ đốt trong, thì chỉ cần một người để sản xuất một motor cho xe điện”. Volkswagen và Daimler đã có kế hoạch cắt giảm nhân viên nhà máy theo kế hoạch chuyển hướng sản xuất xe điện của mình.
Ngoài vấn đề việc làm, việc chuyển đổi sang xe điện cũng có thể ảnh hưởng người lao động qua việc gia tăng giá vật liệu công nghiệp. Giá của lithium cacbonat, nguồn cung cấp pin lithium, đã đạt mức cao nhất trong 30 tháng gần đây tại Trung Quốc vào tháng Tư. Hay đồng, một kim loại thiết yếu cho động cơ EV, đã đạt mức cao nhất mọi thời đại lần đầu tiên trong một thập kỷ vào tháng 5 năm nay trên Sàn giao dịch kim loại London.
Giá quốc tế của neodymium, một nguyên tố đất hiếm được sử dụng trong nam châm động cơ, cũng đang có xu hướng tăng vọt. Theo triển vọng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu về xe điện sử dụng neodymium có thể gia tăng gấp sáu lần vào năm 2040 so với năm ngoái. Bên cạnh đó, giá Lithium và đồng lên cao cũng sẽ có ảnh hưởng đến thị trường một loạt các thiết bị điện tử tiêu dùng có sử dụng chung các nguyên liệu này.