Triển khai đồng bộ, sâu rộng các hoạt động phát triển hàng Việt trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Theo thông tin từ Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Cà Mau, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cuộc vận động tiếp tục được triển khai đồng bộ, sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị phối hợp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá thương hiệu các sản phẩm hàng Việt, giúp hàng Việt từng bước tiếp cận được người tiêu dùng. Cuộc vận động đã thu hút được sự quan tâm, đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh (Cuộc vận động) được tổ chức cuối tháng 7 vừa qua. Theo báo cáo của Thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Cà Mau, thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và đại bộ phận người dân trong tỉnh được nâng lên; doanh nghiệp quan tâm phát triển thị trường tại địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; tích cực tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả Cuộc vận động trên phạm vi toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các hoạt động quản lý nhà nước về thị trường có sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan và ngành chức năng tại địa phương nên phát huy hiệu quả tích cực; các hành vi kinh doanh hàng hóa chưa đúng quy định được nhắc nhở, xử lý; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng được quan tâm bảo vệ, góp phần ổn định thị trường và môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa hợp pháp lưu thông phục vụ người tiêu dùng.
Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Cà Mau
Ngoài ra, có những kết quả cụ thệ như: xác nhận cho thương nhân đăng ký thực hiện 09 chương trình khuyến mại, với tổng giá trị giải thưởng khoảng 635 triệu đồng; tiếp nhận 9.768 thông báo thực hiện chương trình khuyến; các thương nhân đã tổ chức 08 hội chợ thương mại; duy trì 15 cửa hàng tiện lợi, 08 điểm trưng bày và bán các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển mở rộng mạng lưới phân phối, bán lẻ hàng Việt Nam dưới hình thức cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, các hình thức bán hàng lưu động.
Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất. Thực hiện rà soát, hướng dẫn 62 sản phẩm/44 chủ thể đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP năm 2023. Trên cơ sở rà soát của các địa phương, hiện có 25 sản phẩm/16 chủ thể đăng ký tham gia nâng hạng năm 2023 từ 03 sao lên 04 sao. Nhân rộng 105 mô hình “Tự hào dùng hàng Việt” do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và Ban công tác Mặt trận ấp, khóm chủ trì xây dựng…
Theo đó, để đạt được những mục tiêu đã đặt ra, trong 6 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động trong tình hình mới và Đề án “Phát triển thị trường trong nước” gắn với Cuộc vận động. Hỗ trợ, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nội địa. Tăng cường các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp với các địa phương, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tổ chức hội chợ triển lãm thương mại, tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn.