Nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm bưởi da xanh Bình Định
Theo UBND huyện Hoài Ân tỉnh Bình Định, toàn huyện có khoảng hơn 300 ha bưởi da xanh, trong đó có 160 ha đã cho quả. Năm 2016, huyện này phối hợp Viện Khoa học nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích khoảng 1.594 ha/10 xã trên địa bàn, trong đó diện tích trồng bưởi da xanh gần 900 ha.
Năm 2016, huyện Hoài Ân bắt đầu triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện gắn với việc phát triển các cây trồng thế mạnh. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp huyện chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng một số mô hình nhằm chuyển giao ứng dụng KHKT, công nghệ cho nông dân. Từ đó đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện 7 mô hình, trong đó có 5 mô hình tập trung cho cây bưởi da xanh như: Ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm cho cây bưởi da xanh; tổ chức sản xuất và chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi da xanh; sản xuất bưởi da xanh theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm; thâm canh cây bưởi theo hướng hữu cơ; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho bưởi Hoài Ân.
Sau khi có chủ trương đầu tư phát triển cây bưởi da xanh trên địa bàn huyện, nhiều hộ nông dân đã tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư trồng mới, tổng diện tích đến nay đạt được trên 320 ha, nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh. Để nghề trồng bưởi da xanh phát triển đúng định hướng, Chính quyền địa phương đã xây dựng 54 mô hình đối với hộ có quy mô trồng từ 0,5 ha trở lên với diện tích 42,8 ha được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ kỹ thuật, cây giống, hệ thống tưới tiêu và quản lý chăm sóc theo quy trình GAP, đảm bảo chất lượng an toàn sinh học. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu đạt diện tích 450 ha, trong đó có trên 350 ha cho sản phẩm, sản lượng hàng năm đạt trên 2.500 tấn.
Hiện nay, UBND huyện Hoài Ân đang ưu tiên phát triển diện tích, hỗ trợ kỹ thuật, vốn... đối với nông dân trồng bưởi da xanh để tạo tiền đề xây dựng thương hiệu “Bưởi da xanh Hoài Ân”. Lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân cho biết, bưởi da xanh Hoài Ân chất lượng tốt nên được thị trường đón nhận tích cực. Đặc biệt, bưởi da xanh Hoài Ân cho quả trái mùa với bưởi trồng ở miền Nam, vì vậy đến vụ thu hoạch chính (từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm), đầu ra của bưởi Hoài Ân rộng lớn, từ thị trường trong tỉnh đến thị trường miền Nam.
Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân, huyện phấn đấu đến hết năm 2023 xây dựng khoảng 100 ha bưởi da xanh hợp chuẩn VietGAP, cùng với đó, huyện sẽ cùng với ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường phối trong việc triển khai các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, đào tạo và tập huấn, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp huyện và các hộ nông dân.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, huyện Hoài Ân còn chú trọng đến mạng lưới thu mua và phân phối sản phẩm, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Thời gian qua đã có 2 Hợp tác xã cây ăn quả được thành lập gồm: Hợp tác xã Thanh niên và Hợp tác xã 19/4. Các Hợp tác xã này có trách nhiệm hướng dẫn bà con nông dân về các biện pháp kỹ thuật, cung ứng vật tư cho sản xuất, thu mua và phân phối sản phẩm “Bưởi Hoài Ân” đến cửa hàng “Nông nghiệp sạch” trên toàn quốc, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước - Nhà nông - Nhà kỹ thuật và Nhà phân phối, góp phần làm cho nghề trồng bưởi da xanh của huyện phát triển bền vững.
Cùng với chủ trương phát triển nhanh và bền vững ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện, nghề trồng bưởi da xanh của huyện Hoài Ân hứa hẹn sẽ tạo nên một hướng đi có nhiều tiềm năng, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống và vươn lên làm giàu của nhân dân trên chính mảnh đất của mình. Đồng thời, việc áp dụng kỹ thuật thâm canh cây bưởi theo hướng VietGAP sẽ giúp các hộ dân tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng. Qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.