Hậu Giang: Khi hàng Việt lên ngôi
Trong suốt 11 năm qua, các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều hình thức, cách làm phù hợp và đạt kết quả thiết thực. Cụ thể là thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp Việt sản xuất, từ đó góp phần thúc đẩy sức mua hàng Việt lên 60-70% trong tổng lượng hàng hóa các loại trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Thậm - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang cho biết, để góp phần đạt được những kết quả trên, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức 21 Phiên chợ hàng Việt tại các địa phương trong tỉnh. Các Phiên chợ này thu hút 2.000 lượt doanh nghiệp tham gia và trên 330.000 lượt khách tham quan, mua sắm; thực hiện trên 150 chuyến hàng Việt về vùng sâu, xa, vùng đi lại khó khăn trong tỉnh. Đồng thời, tổ chức thành công 95 Hội chợ cấp tỉnh, huyện và trên hàng ngàn lượt khuyến mại phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, các mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt” và “Điểm bán hàng Việt” tại các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang được tiếp tục nhân rộng. Từ đó góp phần đưa hàng Việt có chất lượng tốt phục vụ đồng bào nông thôn, quảng bá được sản phẩm thương hiệu và hỗ trợ tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Đáng mừng hơn, Cuộc vận động cũng giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm đến việc cải tiến mẫu mã, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, từ đó tạo chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang cho biết thêm, trong những tháng đầu năm 2020, tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng ít nhiều việc thực thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh, nhiều chuyến đưa hàng Việt về nông thôn của các siệu thị trên địa bàn tỉnh không thực hiện được theo kế hoạch. Tuy nhiên, Hậu Giang đã lồng ghép thực hiện Cuộc vận động thông qua chương trình kích cầu tiêu dùng theo phát động của Bộ Công Thương cũng như thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, việc thực hiện Cuộc vận động đã không bị gián đoạn, tạo đầu ra ổn định cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, cung ứng nguồn hàng dồi dào cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, đơn vị cũng đã phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp áp dụng xúc tiến thương mại trên môi trường thương mại điện tử, giúp doanh nghiệp nhanh chóng thay đổi phương thức kinh doanh, tiếp cận thị trường nội địa một cách hiệu quả hơn.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương Hậu Giang sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng Cuộc vận động, thông tin đến người tiêu dùng về các sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt; Tổ chức các hoạt động hưởng ứng và tiếp tục vận động các doanh nghiệp đưa hàng Việt về nông thôn; Thường xuyên chủ động đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền về Cuộc vận động với các hình thức phong phú, đa dạng. Đặc biệt, kịp thời phản ánh, tuyên truyền các mô hình, điển hình thực hiện tốt Cuộc vận động cũng như đấu tranh, phê phán những hành vi gian lận trong sản xuất kinh doanh để bảo vệ quyền lợi của những doanh nghiệp làm ăn chân chính.