Hàng Việt chiếm lĩnh lòng tin người tiêu dùng
Thông qua việc tuyên truyền sâu rộng đến khu dân cư, từng hộ gia đình đã góp phần nâng cao hiểu biết của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về hàng Việt. Sự quan tâm của người dân trong lựa chọn mua sắm hàng Việt được ưu tiên hơn, ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa ngày càng tốt hơn.
Cùng với công tác tuyên truyền, Ban Chỉ đạo CVĐ thành phố cũng quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. TP đã tiến hành rà soát, sửa đổi cắt giảm thủ tục hành chính phiền hà, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở Công thương thành phố đã tổ chức 2 hội chợ thương mại với sự tham gia của 360 gian hàng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến tham quan, mua sắm, góp phần nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn ước đạt 5.528 tỷ đồng. Song song với đó chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cũng giúp người tiêu dùng biết đến các thương hiệu Việt, tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo CVĐ thành phố Phủ Lý, trong 5 năm qua thành phố đã cấp hơn 3.000 giấy phép sản xuất kinh doanh cho các hộ gia đình, cá nhân; phối hợp tổ chức được 435 cuộc đưa hàng Việt về nông thôn và 16 hội chợ thương mại với hơn 3.000 gian hàng của các doanh nghiệp thu hút được hơn 150 nghìn lượt khách tham quan, mua sắm với số tiền ước đạt trên 150 tỷ đồng.
Ông Đỗ Quốc Hoàn- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Phủ Lý khẳng định, sau 10 năm triển khai thực hiện, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các cấp, các ngành phối hợp triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Hiệu ứng tích cực mà CVĐ mang lại chính là việc người dân, các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình đối với sản phẩm hàng hóa được sản xuất trong nước, tạo thói quen ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa, sản phẩm thương hiệu Việt. Không chỉ có vậy, CVĐ đã tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong quá trình hội nhập quốc tế.
Để CVĐ tiếp tục lan tỏa rộng khắp, ông Đỗ Quốc Hoàn cho biết, trong thời gian tới MTTQ thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền CVĐ theo hướng đi vào chiều sâu, thường xuyên, liên tục, tạo thành phong trào hành động của các cơ quan, đơn vị và nhân dân.
Bên cạnh đó, MTTQ sẽ phối hợp, đề nghị với chính quyền thành phố quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được quảng bá sản phẩm, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng thông qua các hội chợ triển lãm, đưa hàng Việt về nông thôn; tiến hành rà soát, sửa đổi, cắt giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
* Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Phủ Lý, trong 5 năm qua thành phố đã cấp hơn 3.000 giấy phép sản xuất kinh doanh cho các hộ gia đình, cá nhân; phối hợp tổ chức được 435 cuộc đưa hàng Việt về nông thôn và 16 hội chợ thương mại với hơn 3.000 gian hàng của các doanh nghiệp thu hút được hơn 150 nghìn lượt khách tham quan, mua sắm với số tiền ước đạt trên 150 tỷ đồng.