Cua Cà Mau sản vật có giá trị dinh dưỡng cao - lựa chọn của các bà nội trợ Việt
Cà Mau là một trong 13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, có 3 mặt giáp biển nên rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Cua biển là một trong những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, được hầu hết người dân Cà Mau nuôi xen canh với tôm, cá.
Cua biển Cà Mau còn là một loại thực phẩm tươi sống, là món ăn bổ dưỡng cho cả người lớn và trẻ em. Cua biển còn chữa được một số bệnh như thiếu can xi, còi xương, suy dinh dưỡng... Cua biển Cà Mau được xem loại cua biển là ngon nhất nước bởi hàm lượng mỡ thấp, protein cao, dồi dào về khoáng chất và vitamin. Do đó, nhiều nhà hàng, quán ăn hải sản nào tại các thành phố lớn trong cả nước dù bán cua biển nơi đâu, hay ở xứ nào cũng đều quảng cáo là cua biển Cà Mau. Hiện nay, cua biển Cà Mau không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Singapo…
Cua biển có nhiều loại. Cua gạch (cua đã vào giai đoạn sinh sản), cua cốm (cua 2 da - cua sắp lột), cua càng trắng, cua càng đỏ, cua càng sen, cua yếm vuông (còn gọi là cua trinh nữ - cua cái nhưng chưa có cua đực ôm, chưa được giao phối).
Cua biển Cà Mau có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon và hấp dẫn như cua nướng, cua luộc, rang muối, rang me, nấu bánh canh, lẩu riêu… Tùy thuộc vào cách chế biến của từng món ăn mà chọn cua cho phù hợp. Tuy nhiên, cua gạch son thì chế biến vào bất kỳ món ăn nào cũng ngon và hấp dẫn. Ngon nhất có lẽ có dùng để nấu bánh canh, luộc, nướng mọi, rang muối, rang me.
Ngoài việc chế biến các món ăn tại chỗ, cua biển còn là đặc sản của vùng Đất Mũi Cà Mau để làm quà tặng cho bạn bè, người thân.
Ngày 08/6/2022, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2576/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00116 cho sản phẩm cua “Cà Mau”. Điều này một lần nữa cho thấy sự hấp dẫn của loài cua này đối với người tiêu dùng, không chỉ được được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Cà Mau có chiều dài bờ biển trên 254km, chiếm 1/3 chiều dài bờ biển vùng ĐBSCL, bằng 7,8% chiều dài bờ biển của cả nước và có nhiều cửa sông ăn thông ra biển như: Gành Hào, Bồ Ðề, Ông Ðốc, Ông Trang, Bảy Háp, Khánh Hội...Trên biển có đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Buông và Hòn Đá Bạc, rất thuận tiện cho tàu thuyền neo đậu, trú bão, phát triển kinh tế biển. Biển Cà Mau có diện tích thăm dò khai thác rộng khoảng 71.000 km2, được đánh giá là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại. Trữ lượng cá nổi ước khoảng 320 ngàn tấn, cá đáy 530 ngàn tấn, với 661 loài, 319 giống, thuộc 138 họ. Nhiều loại tôm cá có giá trị và sản lượng lớn như tôm, mực, ghẹ, cá hồng, cá sạo, cá thu, cá chim, cá mú, cá bớp… Vùng mặt nước ven biển có khả năng nuôi các loại thủy sản như nghêu, sò huyết, hàu, tôm nước mặn… có giá trị kinh tế cao. Sản lượng khai thác, đánh bắt thuỷ sản khoảng 300 ngàn tấn/năm.
Nuôi trồng thuỷ sản ở Cà Mau phát triển mạnh, với tổng diện tích trên 266.735ha. Trong đó, chủ yếu nuôi quảng canh truyền thống, quảng canh cải tiến, công nghiệp, bán công nghiệp, với các mô hình chuyên tôm, tôm - rừng, tôm – lúa kết hợp. Nuôi tôm công nghiệp đạt năng suất từ 5 tấn/ha/vụ. Cà Mau sản xuất khoảng 8 tỷ con giống mỗi năm, đã giải quyết một phần về nhu cầu con giống cho nghề nuôi trồng thuỷ sản. Nhu cầu về con giống thực tế cần khoảng 12 tỷ con giống mỗi năm.
Biển Cà Mau tiếp giáp với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, gần tuyến hàng hải quốc tế nên có nhiều thuận lợi giao lưu, hợp tác kinh tế bằng đường biển, phát triển kinh tế biển, khai thác dầu khí và tài nguyên khác trong lòng biển.
Cua Cà Mau được đánh giá cao do được nuôi theo hình thức quảng canh trong hệ sinh thái mặn lợ, giàu nguồn thức ăn nên có chất lượng tốt, chắc thịt, vị ngọt đậm, thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao, thị trường tiêu thụ ổn định, các thương lái tìm đến tận nơi sản xuất thu mua với giá cạnh tranh, rất hấp dẫn đối với người tiêu dùng, được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu sang các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.
Cua Cà Mau có kích thước lớn, cua gạch có chiều dài thân 11,3 – 13,14 cm, chiều rộng thân 7,92 – 9,66 cm, chiều dầy thân 3,37 – 4,95 cm, trọng lượng từ 0,26 – 0,39 kg/con; cua thịt có chiều dài thân 9,84 – 13,66 cm, chiều rộng thân 6,68 – 9,96 cm, chiều dầy thân 3,2 – 4,7cm, trọng lượng từ 0,22 – 0,46 kg/con. Ngoài ra, cua Cà Mau còn có hàm lượng Protein và Lipid (béo) cao trong thịt và gạch cua. Cua gạch Cà Mau có hàm lượng Protein trong thịt cua là 14,06 – 19,99%, hàm lượng Lipid (béo) trong thịt cua là 0,46 – 2,1% và hàm lượng Lipid (béo) trong gạch cua là 5,64 – 10,62%. Cua thịt Cà Mau có hàm lượng Protein trong thịt cua là 14,34 – 18,75%, hàm lượng Lipid (béo) trong thịt cua là 0,44 – 1,92%.
Cua Cà Mau có những tính chất, chất lượng đặc thù như vậy một phần là nhờ có các điều kiện tự nhiên đặc thù, thích hợp tập tính sinh sống của cua biển. Khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý “Cua Cà Mau” có nền nhiệt độ trung bình 27,1ºC (cao nhất tháng 4 và thấp nhất tháng 1), chênh lệch giữa các tháng trong năm không quá 5ºC. Nền nhiệt độ này hoàn toàn phù hợp cho cua biển sinh trưởng và phát triển. Nước trong khu vực địa lý có độ pH trung bình là 7,36, độ mặn dao động không lớn, từ 7,00 – 36,10‰. Mặt khác, khu vực địa lý ít chịu ảnh hưởng của bão nên hoạt động sinh lý của cua ít bị biến động mạnh.
Bờ biển phía Đông từ cửa sông Gành Hào (huyện Đầm Dơi) đến vùng cửa sông Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) bị xói lở, có nơi mỗi năm bị xói lở trên 20 mét. Ngược lại, vùng Bãi Bồi Mũi Cà Mau hàng năm được phù sa bồi đắp từ 50 đến 80 mét. Khi triều xuống, mực nước vùng bãi bồi rút ra xa hàng trăm mét, lộ ra bờ biển khá bằng phẳng được cấu thành từ cát, bột sét, mùn bã thực vật và xác vỏ của các loài giáp xác, tạo thuận lợi cho nuôi hải sản nói chung và cua biển nói riêng. Các khu vực bồi tụ được hình thành với tốc độ nhanh ở phía cửa sông như Rạch Gốc, Gành Hào mang theo các vật liệu phù sa mịn chảy vào. Đây là nơi sinh sống thích hợp cho các loài thủy sinh vật và cây rừng ngập mặn là môi trường thuận lợi để cua biển sinh trưởng và phát triển.
Do tập tính sinh sống của cua biển, trong giai đoạn trưởng thành, cua biển sống vùi dưới đáy ao nên các yếu tố liên quan đến đáy bùn ao cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng, phát triển và chất lượng sản phẩm cua Cà Mau. Các chỉ số của bùn đáy ao nuôi cua phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cua Cà Mau. Trong đó, chỉ số pH ổn định (trung bình 7,6) tạo môi trường thuận lợi cho cua và tổng số muối hòa tan (trung bình 2,8%) tạo nên sự rắn chắc của cua trong quá trình sinh trưởng. Khu vực địa lý được đánh giá có năng suất sinh học cao nhất trong các hệ sinh thái ven biển Đông Nam Việt Nam, từ các loài thuỷ hải sản cho đến các sinh vật phù du nhỏ bé. Tại vùng nuôi cua Cà Mau có đa dạng các loài động vật đáy và động vật nổi với số lượng cao, ảnh hưởng tốt đến quá trình sinh trưởng và phát triển cho cua biển, do các loài động vật này là thức ăn cho cua trong quá trình sinh trưởng và phát triển.
Ngoài các điều kiện tự nhiên, kỹ năng sản xuất cua của người dân tại khu vực địa lý cũng có vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng của cua Cà Mau. Ao nuôi có bờ bao chắc chắn, không bị rò rỉ, độ cao bờ bao phải đảm bảo cao hơn mực nước cao nhất trong năm từ 0,5 – 0,8m trở lên, có đường cấp và thoát nước. Môi trường nước luôn được đảm bảo có độ mặn: 15 – 25‰; độ pH: 7,5 – 8,5; nhiệt độ nước: 28 – 32oC; độ kiềm: 80 – 160 mg/l; Oxy hoà tan: > 4 mg/l; độ trong: 30 – 40 cm. Nước có màu nâu nhạt hoặc xanh vỏ đậu. Ngoài ra, người dân còn nạo vét bùn đáy sau 2-3 vụ nuôi để cải tạo, giải phóng độ phì của đất.
Cua mang chỉ dẫn địa lý Cà Mau là giống cua xanh (tên khoa học là Scylla paramamosain) được khai thác tự nhiên hoặc sinh sản nhân tạo tại các trại sản xuất cua giống trong tỉnh Cà Mau, được thả với mật độ 1 – 2 con/macó kết hợp với các loài thủy sản khác như tôm, sò huyết... để bổ sung thức ăn tự nhiên cho cua. Ngoài ra, cua còn được cho ăn bổ sung là các loại cá tạp và động vật nhuyễn thể khai thác tại chỗ, được bổ sung khoáng, vitamin, men tiêu hóa. Mỗi ngày cho cua ăn 2 lần, lượng thức ăn bằng 5 – 7% trọng lượng thân/ngày. Sau thời gian hơn 4 tháng nuôi thì tiến hành thu tỉa những con cua đạt kích cỡ thương phẩm để cua có kích thước, chất lượng đồng đều.
Khu vực địa lý: Gồm các xã, phường và thị trấn thuộc tỉnh Cà Mau, cụ thể: - Thị trấn Rạch Gốc và các xã Đất Mũi, Tam Giang Tây, Tân Ân Tây, Tân Ân, Viên An Đông, Viên An thuộc huyện Ngọc Hiển; - Thị trấn Năm Căn và các xã Đất Mới, Hàm Rồng, Hàng Vịnh, Hiệp Tùng, Lâm Hải, Tam Giang, Tam Giang Đông thuộc huyện Năm Căn; - Thị trấn Cái Đôi Vàm và các xã Nguyễn Việt Khái, Phú Mỹ, Phú Tân, Phú Thuận, Rạch Chèo, Tân Hải, Tân Hưng Tây, Việt Thắng thuộc huyện Phú Tân; - Thị trấn Đầm Dơi và các xã Ngọc Chánh, Nguyễn Huân, Quách Phẩm, Quách Phẩm Bắc, Tạ An Khương, Tạ An Khương Đông, Tạ An Khương Nam, Tân Dân, Tân Đức, Tân Duyệt, Tân Thuận, Tân Tiến, Tân Trung, Thanh Tùng, Trần Phán thuộc huyện Đầm Dơi; - Thị trấn Cái Nước và các xã Đông Hưng, Đông Thới, Hòa Mỹ, Hưng Mỹ, Lương Thế Trân, Phú Hưng, Tân Hưng Đông, Tân Hưng, Thạnh Phú, Trần Thới thuộc huyện Cái Nước; - Thị trấn Sông Đốc và các xã Lợi An, Phong Điền, Phong Lạc thuộc huyện Trần Văn Thời; - Các xã Hồ Thị Kỷ, Tân Lộc, Tân Lộc Đông, Tân Lộc Bắc thuộc huyện - Phường Tân Thành và các xã An Xuyên, Định Bình, Hòa Tân, Hòa Thành, Tắc Vân, Tân Thành thuộc thành phố Cà Mau./. |