Doanh nghiệp hợp tác, ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau, tăng thị phần hàng Việt
Việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như thỏa thuận ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau đã giúp nhiều doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tăng thị phần tại thị trường trong nước của các sản phẩm từ các tập đoàn, tổng công ty…
Tại Hội nghị các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức mới đây, ông Hồ Xuân Trường - Phó Bí thư Đảng ủy Khối, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương - cho biết, triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối ưu tiên sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau, trong 3 năm (2020-2022), có 24/38 doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đã ký kết 149 lượt thỏa thuận, hợp tác sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau, với 1.543 hợp đồng đã ký kết, tổng giá trị hợp đồng khoảng 1.403 tỷ đồng.
Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp nội địa. Theo báo cáo của TKV, hàng năm, các đơn vị sản xuất chính trong tập đoàn đã mua các sản phẩm trong TKV sản xuất với giá trị khoảng trên 2.000 tỷ đồng/năm. Đối với các doanh nghiệp trong Khối doanh nghiệp trung ương (DNTW), bình quân hàng năm, TKV đã ký hợp đồng mua sắm trên 220.000 m3 xăng, dầu Diezel của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) với giá trị khoảng trên 2.200 - 2.500 tỷ đồng/năm.
Một số đơn vị TKV đã chủ động trong việc cung ứng thép chống lò của Tổng công ty Thép Việt Nam; cung ứng xi măng của Tổng công ty Xi măng Việt Nam; cung ứng thiết bị cao su của Tập đoàn Cao Su Việt Nam; phối hợp tốt với các ngân hàng nhà nước trong việc huy động vốn cho các dự án cũng như công tác quản lý tài chính, chi trả lương, thưởng qua tài khoản cho công nhân, cán bộ, người lao động...
Hay với ngành dệt may, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) – cũng chia sẻ, thực hiện Cuộc vận động các doanh nghiệp điển hình của tập đoàn đã cung ứng sản phẩm ra thị trường nội địa với doanh thu toàn hệ thống đạt hơn 2.000 tỷ đồng/năm.
Nhóm cung cấp sản phẩm đồng phục công sở đã đạt thỏa thuận cung ứng trong 7 năm cho Vietnam Airlines và 03 năm cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam với doanh thu tổng cộng hàng năm khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài ra còn nhiều đồng phục cho các doanh nghiệp thành viên ngành điện, dầu khí,… Riêng Tổng công ty Đức Giang đã cung ứng khoảng 400 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, sản xuất nguyên liệu, sợi, vải bán cho doanh nghiệp trong nước dệt vải và may mặc với doanh thu bình quân đạt khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh việc cung cấp cho khách hàng, doanh nghiệp các sản phẩm nội địa, hiện nay, trong toàn Vinatex, các đơn vị cũng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm trang thiết bị văn phòng, công sở. Xây dựng kế hoạch dùng hàng nội địa khi thực hiện mua sắm công và thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất. Chủ động sử dụng nguồn vật tư, nguyên liệu trong nước thay thế hàng nhập ngoại.
Để tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động, ngay trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp trong khối cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Đơn cử, Vinatex đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post).
Theo thỏa thuận đã ký với Vietnam Airlines, Vinatex và Vietnam Airlines sẽ khuyến khích cán bộ nhân viên, khách hàng của mỗi bên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của đối tác, cũng như áp dụng các chương trình ưu đãi hợp tác giữa hai bên. Cùng với đó, Vietnam Airlines và Vinatex sẽ phối hợp tuyên truyền quảng bá hình ảnh, thương hiệu của nhau trên các phương tiện truyền thông do hai bên quản lý.
Sự hợp tác giữa hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng không và dệt may được kỳ vọng sẽ mang đến những lợi ích mới mẻ, đột phá cho khách hàng và cán bộ nhân viên của cả hai bên, cũng như góp phần xúc tiến chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển sản phẩm, dịch vụ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, vươn tầm thế giới.
Hay VNPT và Vietinbank cũng hợp tác phát triển tài chính số và chuyển đổi số. Theo thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2022- 2026 vừa được ký kết, VNPT sẽ triển khai 5 giải pháp chuyển đổi số cho Vietinbank. Vietinbank sẽ cung cấp 6 sản phẩm dành cho VNPT. Trên cơ sở tận dụng thế mạnh hiện có của mỗi bên, VNPT và Vietinbank sẽ hợp tác để cung cấp ra thị trường 5 sản phẩm tích hợp dịch vụ ngân hàng và dịch vụ viễn thông như Thẻ đồng thương hiệu, Tài khoản liên kết, Gói tài khoản đẹp… Hai bên cùng đưa ra các ưu đãi cho người dùng để mở rộng tập khách hàng và hệ sinh thái của VNPT – Vietinbank, đồng thời sẽ hợp tác cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng tại mạng lưới, điểm giao dịch của 2 bên…
Với thỏa thuận hợp tác giữa Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Vietnam Post sẽ phối hợp VIMC cung cấp dịch vụ Logistics toàn trình dựa trên thế mạnh công đoạn của mỗi bên với các dịch vụ kho bãi, hạ tầng, phương tiện của hai bên, phù hợp với nhu cầu của khách hàng như vận tải đường biển, đường bộ, kho ngoại quan, trung tâm phân phối hàng hóa, kho hàng thương mại điện tử. Đặc biệt, đối với dịch vụ vận tải FCL, LCL trên các địa bàn, tuyến đường mà Vietnam Post có thế mạnh, khai thác mạng lưới, độ phủ của hệ thống Vietnam Post trải rộng khắp Việt Nam và dịch vụ vận tải hàng không quốc tế. Vietnam Post và VIMC sẽ phối hợp triển khai các dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, đường bộ nội địa và quốc tế cũng như các dịch vụ về cảng biển trên toàn quốc.
Ông Chu Quang Hào - Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, mục tiêu chung của 3 doanh nghiệp đều là đem lại những giá trị tốt nhất cho đối tác, cộng đồng, xã hội. Việc ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Vietnam Post với 2 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực dệt may và hàng hải góp phần thực hiện chủ trương của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương về việc sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau và hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế hợp tác và chia sẻ tại Việt Nam cũng như trên thế giới”.