Khoai mỡ Bến Kè ngày càng hiện diện trong bữa cơm của người Việt
Sản phẩm củ khoai mỡ không chỉ được phân phối trong phạm vi khu vực nhỏ hẹp của địa phương mà còn vươn mình đến tận khu vực Châu Âu, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật và Cambodia, mang lại niềm tự hào của vùng đất Thạnh Hóa, Long An.
Bến Kè là tên gọi của một trong 4 ấp thuộc xã Thủy Đông được hình thành từ khá sớm so với lịch sử khai phá vùng Đồng Tháp Mười (Theo địa bạ triều Nguyễn thành lập năm 1836), nằm ở vùng rìa của lòng chảo Đồng Tháp Mười. Từ xa xưa, nơi đây là vịnh biển ăn sâu vào đất liền, do sự tác động của hiện tượng biển thoái từ cách đây 6.000 năm, khu vực này được bồi lấp bởi phù sa, trầm tích của sông Tiền, sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.
Từ năm 1975, Bến Kè được biết đến là vùng đất của củ khoai mỡ. Cây khoai mỡ với giống bản địa được người dân địa phương đưa vào cơ cấu cây trồng chủ lực của địa phương nhằm góp phần đa dạng hóa cây trồng địa phương và gia tăng sản xuất. Đến nay, toàn bộ huyện Thạnh Hóa đã tập trung sản xuất khoai mỡ với hơn 2.799 ha với năng suất trung bình 15 tấn/ha, sản lượng 41.506 tấn, giá bán bình quân 8.000đ/kg, lợi nhuận thấp nhất là 40 triệu đồng/ha.
Sản phẩm củ khoai mỡ không chỉ được phân phối trong phạm vi khu vực nhỏ hẹp của địa phương mà còn vươn mình đến tận khu vực Châu Âu, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật và Cambodia, mang lại niềm tự hào của vùng đất Thạnh Hóa. Cứ mỗi năm vào mùa khoai mỡ từ tháng 11 đến tháng 7 hằng năm, khi có dịp ghé ngang qua vùng Thạnh Hóa – Long An theo đường quốc lộ N2 nối từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh Miền Tây và quốc lộ 62 nối từ thành phố Tân An đi biên giới Cambodia thông qua cửa khẩu Bình Hiệp, đâu đâu cũng thấy cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền đầy ắp khoai mỡ đang chờ được thương lái vận chuyển đi các địa phương và đến các nhà máy tiêu thụ.
Cục Sở hữu trí tuệ ngày 5/8/2022 ban hành Quyết định số 3333/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00118 “Bến Kè” cho sản phẩm khoai mỡ. Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An) là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Theo Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế, củ khoai mỡ Bến Kè có hình trụ tròn, dài thuôn đều, ít phân nhánh, trọng lượng củ lớn (1,7 – 2,5 kg/củ với khoai mỡ trắng, 0,9 – 1,7 kg/củ với khoai mỡ tím), thân củ có nhiều rễ phụ, bề mặt cắt nhớt, có nhiều chất nhầy, hạt tinh bột có hình tròn phân bố đều, có ranh giới rõ. Củ khoai mỡ trắng Bến Kè có hàm lượng nước: 66,2 – 69,6%; hàm lượng tinh bột: 24,4 – 27,9%; hàm lượng Kali: 3,1 – 4,9 mg/100g; hàm lượng Mangan: 1,9 – 8,4 mg/100g. Củ khoai mỡ tím Bến Kè có hàm lượng nước: 70,3 – 72,8%; hàm lượng tinh bột: 17 – 22,2%; hàm lượng Kali: 2,1 – 4,9 mg/100g; hàm lượng Mangan: 1,6 – 10,5 mg/100g.
Khoai mỡ Bến Kè có những tính chất, chất lượng đặc thù như vậy là nhờ có điều kiện tự nhiên đặc trưng của khu vực địa lý. Khu vực địa lý có mùa lũ từ tháng 9 đến tháng 11 dương lịch. Nước lũ từ thượng nguồn theo các chi lưu, kênh rạch đã dâng lên và làm ngập lụt hầu hết diện tích canh tác của một số xã tại huyện Thạnh Hóa, trừ các gò cao. Sự xâm nhập của lũ hằng năm theo chu kỳ đã mang lại nhiều nguồn lợi đáng kể, trong đó phải kể đến nguồn phù sa màu mỡ, khoáng chất bồi tụ làm giàu dinh dưỡng cho đất, hạn chế sự phát triển của các dịch hại tác động đến cây trồng. Ngoài ra, thời vụ sản xuất khoai mỡ của người dân tại Bến Kè cũng chịu ảnh hưởng từ mùa lũ, dẫn đến sự khác biệt với các khu vực sản xuất khoai mỡ khác. Người dân Bến Kè sẽ bắt đầu xuống giống vào tháng 12, chăm sóc cây khoai từ tháng 12 tới tháng 5 và thu hoạch từ tháng 6 tới tháng 8. Khi mùa lũ về vào tháng 9, đất sản xuất sẽ được để hoang, ngập lũ cho đến hết mùa lũ vào tháng 11.
Khu vực địa lý cũng có địa hình thấp trũng khó thoát nước, khuynh hướng địa hình thấp dần theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Địa hình thấp: cao độ < 0,9m chiếm khoảng 95,1% diện tích đất tự nhiên toàn địa bàn. Nơi thấp nhất có cao độ < 0,6m chiếm khoảng 5,3% diện tích. Địa hình trũng thấp khiến cho thổ nhưỡng của khu vực địa lý có sự hiện diện đồng thời của cả phèn và mùn. Đất trồng khoai mỡ có thành phần cơ giới đất phèn và hơi chua: pH H2O từ 3,53 – 3,77, pH KCl từ 3.15 – 3,99. Hàm lượng Fe trao đổi tầng mặt: 0,68%; tầng 20 – 40cm: 0,67%; hàm lượng Al trao đổi ở tầng mặt: 0,78%; tầng 20 – 40cm: 0,69%; hàm lượng chất hữu cơ (mùn): tầng mặt 0 – 20cm: 8,37%; tầng từ 20 – 40cm: 3,57%. Các ion H+; Fe3+; Al3+ có sẵn trong đất đã giúp cố định và cân bằng lượng P và Mg trong đất phù hợp với như cầu P, Mg thấp của cây. Điều này làm cho cây khoai mỡ không bị thiếu hụt hay dư thừa các dưỡng chất quan trọng giúp cây sinh trưởng tốt, hấp thu dinh dưỡng đầy đủ, nhờ đó thành phần dinh dưỡng khoai mỡ Bến Kè tích lũy tối đa, củ khoai mỡ Bến Kè giàu tinh bột, hàm lượng nước thấp, giàu khoáng chất. Ngoài ra, lượng mùn cao trong đất đã tạo nên một kết cấu tơi xốp, khắc phục hiện tượng đất bị dí chặt, đất giữ nước và duy trì độ ẩm ổn định. Điều này hoàn toàn có lợi cho sự phát triển của cây có củ nói chung và khoai mỡ nói riêng.
Ngoài các điều kiện tự nhiên đặc thù, người dân Bến Kè cũng có những bí quyết sản xuất riêng, góp phần tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù của củ khoai mỡ. Giống khoai mỡ được sử dụng là giống khoai mỡ trắng Mộng Linh, khoai mỡ tím than và tím bông lau bản địa. Các củ giống được chọn được cắt thành các khối nhỏ với kích thước 6 – 8 cm. Phần mặt cắt sau khi cắt được thấm qua xi măng khô (trừ phần vỏ củ), xi măng sẽ hấp thụ phần nước từ mặt cắt làm giảm độ ẩm, ức chế sự hoạt động của các loại nấm gây hại, giúp cho bề mặt củ không bị thối hỏng trong quá trình ủ giống và cuối cùng gia tăng tỷ lệ nảy mầm. Ngoài ra, khác với các vùng trồng khoai mỡ khác, vùng trồng khoai mỡ Bến Kè tại huyện Thạnh Hóa là vùng thấp trũng, chịu ảnh hưởng của lũ từ các hệ thống sông hằng năm nên để thích nghi với điều kiện tự nhiên vốn có bà con tiến hành lên liếp trồng. Sau khi lũ rút, ruộng khoai mỡ được xới xáo lên các liếp song song với bề mặt rộng từ 3 – 4m, xen giữa các liếp là các mương nước rộng từ 2 – 3,5m, sâu 60 – 70cm. Mực nước trong mương được giữ cố định cách bề mặt liếp từ 20 – 30 cm để duy trì độ ẩm cần thiết của ruộng khoai mỡ. Thêm vào đó, sau khi trồng, người dân đia phương còn sử dụng các loại cỏ mọc xung quanh các mương nước phơi khô và phủ một lớp mỏng trên bề mặt luống phủ trước hoặc ngay sau khi trồng, tạo lớp che phủ cho khoai mỡ giai đoạn đầu và tạo lớp ngăn chống tiếp đất giữa dây khoai và bề mặt đất.
Khu vực địa lý: Thị trấn Thạnh Hóa và các xã Thủy Tây, Thủy Đông, Thạnh An, Thuận Bình, Tân Hiệp, Tân Tây, Tân Đông, Thuận Nghĩa Hòa, Thạnh Phú, Thạnh Phước thuộc huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An./.