Tình hình kinh tế Gambia đầu năm 2021
Ngân hàng Phát triển châu Phi đánh giá, thời kỳ hậu Covid-19, các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và xây dựng cơ sở hạ tầng (năng lượng và đường xá) sẽ là những động lực tăng trưởng chính. Ngành thương mại sẽ được thúc đẩy bởi việc khánh thành mới đây cây cầu xuyên Gambia. Bên cạnh đó, nước này sẽ thu hút được nhiều đầu tư hơn thông qua hội nhập kinh tế khu vực như Hiệp định tự do mậu dịch toàn châu Phi và việc đưa vào sử dụng đồng tiền chung Tây Phi (Eco) dự kiến trong năm 2021.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, đầu tháng 3/2021, Bộ trưởng Nông nghiệp Gambia đã phát động triển khai dự án trồng lúa trị giá 30 triệu USD do Ngân hàng Phát triển Hồi giáo và Ngân hàng Ả rập phát triển kinh tế châu Phi tài trợ. Mục tiêu của dự án là nâng cao sản lượng lúa, tăng thu nhập cho các hộ nông nghiệp nhỏ và giảm nhập khẩu gạo, hiện chiếm tới 81% lượng gạo tiêu thụ của nước này.
Gạo là thực phẩm cơ bản của nước này với mức tiêu thụ trung bình 117 kg/người/năm, cao hơn 106% so với mức trung bình thế giới là 56,9 kg. Nước này tiêu thụ mỗi năm khoảng 215.000 tấn gạo trong đó chỉ sản xuất được 36.000 tấn. 179.000 tấn còn lại phải nhập khẩu, với tổng giá trị 74 triệu USD.
Về hợp tác thương mại Việt Nam-Gambia, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước còn khiêm tốn và tăng giảm thất thường. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 35,71 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 7,9 triệu USD gồm các mặt hàng phân NPK, hạt tiêu, rau quả, gạo... và nhập khẩu 27,7 triệu USD, chủ yếu là hạt điều thô, thức ăn gia súc và nguyên liệu, dầu mỡ động thực vật...