Dự báo tình hình kinh tế Mali năm 2021
Theo IMF, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Mali năm 2021 sẽ đạt 4% trong khi năm 2020 là -2%. Dự báo này chủ yếu dựa trên giả thiết các kết quả tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp nhờ tiếp tục các chính sách và cải cách nông nghiệp. Bên cạnh đó là sự năng động cùa các lĩnh vực vận tải, viễn thông và thương mại.
Tuy nhiên, viễn cảnh kinh tế vĩ mô của Mali cũng bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 cũng như của khủng hoảng an ninh đang diễn ra.
Để kiềm chế lạm phát, trong quý 1, chính phủ đã tạm ngừng đánh thuế VAT đối với việc nhập khẩu và mua hạt bông trong nước. Cuộc khủng hoảng y tế không chỉ ảnh hưởng đến ngành bông mà còn tác động tiêu cực đến việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho Mali, làm tăng giá thực phẩm, nhất là dầu cọ, đường và lúa mì.
Về sản xuất vàng, một trong 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực (cùng với bông) của Mali, Bộ Mỏ, Năng lượng và Nước cho biết, bất chấp tình hình dịch bệnh và bất ổn chính trị, sản xuất vàng của Mali vẫn ổn định năm 2020, thậm chí tăng 0,1 tấn, đạt 65,2 tấn. Năm 2021, dự báo sản xuất kim loại quý này sẽ khá thuận lợi với việc những mỏ mới được đưa vào khai thác hoặc đầu tư trong những tháng tới, nhất là tại khu vực Morila.
Trong lĩnh vực điện, ngày 10/3/2021, Hội đồng Bộ trưởng Mali đã thông qua việc phê chuẩn hợp đồng tài trợ của Ngân hàng đầu tư châu Âu (BEI) cho dự án lắp đặt đường điện cao áp phía Bắc thủ đô Bamako với tổng giá trị 45 triệu euro. Việc triển khai dự án sẽ góp phần cải thiện năng lực cung cấp điện cho thủ đô và các vùng phụ cận.
Mali là nước cung cấp lớn thứ hai thế giới về hạt mỡ (karité) chỉ sau Nigeria, đáp ứng 20% nhu cầu của thị trường quốc tế. Ngày 11/3/2021, Công ty Mali Shi đã khai trương nhà máy chế biến hạt mỡ đầu tiên tại Senou, phía Đông Nam Bamako. Với công suất 14 nghìn tấn bơ làm từ hạt mỡ mỗi năm, nhà máy sẽ tạo 128 việc làm trực tiếp và mua nguyên liệu từ 120.000 người thu gom trong vùng.
Nhằm phát triển cơ sở hạ tầng vận tải, ngày 1/3/2021, Mali đã khánh thành cây cầu thứ hai tại thành phố Kayes trên sông Senegal. Công trình nằm trên trục đường chiến lược, là tuyến hành lang nối liền Dakar (thủ đô Senegal) với Bamako (thủ đô Mali). Cầu dài 500m, nếu tính cả đường vào lên tới 17 km sử dụng ngân sách quốc gia với tổng số vốn 88,6 triệu euro do Công ty điện, lạnh và xây dựng Mali (Somafrec) và công ty Trung Quốc (Covec) thực hiện. Thủ tướng Mali đã tới dự và khánh thành cây cầu, đồng thời giao Bộ trưởng Giao thông và Cơ sở hạ tầng nước này khẩn trương thực hiện kế hoạch phục hồi tuyến đường sắt nối liền Bamako và thành phố Kayes.
Về hợp tác thương mại Việt Nam-Mali, theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 67,43 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 38,9 triệu USD gồm các mặt hàng dầu thô (27 triệu USD), xi măng (10,5 triệu USD), hải sản, hạt tiêu, gạo, sản phẩm chất dẻo…và nhập khẩu 28,49 triệu USD, với các mặt hàng bông các loại (chiếm tới 28 triệu USD), hạt điều, đồng,…