Tìm hiểu về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP
Để giải quyết tình trạng “bát mì ống” của quy tắc xuất xứ trong các FTA trước đó đang gây khó khăn cho doanh nghiệp trong khu vực, thúc đẩy chuỗi cung ứng khu vực và bảo đảm rằng các nước CPTPP sẽ là những người hưởng lợi chính của Hiệp định, các nước CPTPP đã thống nhất một bộ quy tắc xuất xứ chung để xác định xuất xứ của một hàng hóa cụ thể để được hưởng thuế quan ưu đãi trong CPTPP.
Các cam kết này được quy định chung tại lời văn Chương 3 về Quy tắc xuất xứ và các thủ tục chứng nhận xuất xứ và quy định cụ thể tại Phụ lục 3-D của Chương 3 về Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng.
Hiệp định CPTPP quy định 3 phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa, bao gồm: (i) hàng hóa có xuất xứ thuần túy (Wholly Obtained - WO); (ii) hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu trong khu vực CPTPP (Produced Entirely from originating materials - PE); và (iii) quy tắc cụ thể mặt hàng (Product Specific Rules - PSR).
Ảnh minh họa
Theo đó, một sản phẩm hàng hóa sẽ được coi là đáp ứng yêu cầu về xuất xứ và được hưởng ưu đãi nếu thuộc một trong ba trường hợp sau đây:
Hàng hóa có xuất xứ thuần túy là hàng hóa được trồng, thu hoạch hoặc đánh bắt ở trong khu vực các nước đối tác CPTPP. Ví dụ: Cây trồng, hoa màu như lúa gạo, tiêu, cà phê…; động vật sống như lợn, gà, bò, cừu, tôm, cá…
Trường hợp 2: Sản xuất hoàn toàn từ nguyên liệu trong khu vực các nước CPTPP.
Một sản phẩm hàng hoá có thể được sản xuất từ các nguyên liệu có nguồn gốc khác nhau. Quy tắc cộng gộp trong Hiệp định CPTPP cho phép các nước CPTPP được coi nguyên liệu của một nước CPTPP như là nguyên liệu của nước mình khi sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất ra một hàng hóa có xuất xứ CPTPP.
Ví dụ: Tivi được sản xuất tại Việt Nam từ linh kiện điện tử ở Việt Nam, màn hình ở Ma-lai-xi-a, thiết bị điều khiển ở Nhật Bản (Nhật Bản, Việt Nam và Ma-lai-xi-a đều là các nước tham gia CPTPP) nên Tivi được coi là có xuất xứ CPTPP.
Trường hợp 3: Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng (PSR) Đây là trường hợp phổ biến nhất hiện nay vì có rất nhiều sản phẩm được cấu thành từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau, và các nguyên liệu đó được sản xuất ở các chuỗi cung ứng toàn cầu tại nhiều quốc gia khác nhau để năng cao năng suất và tiết kiệm chi phí.
Theo Hiệp định CPTPP, hàng hóa được sản xuất tại các nước CPTPP không sử dụng nguyên liệu có xuất xứ hoàn toàn từ các nước CPTPP nhưng đáp ứng được quy tắc quy định trong Phụ lục 3-D của Chương 3 về Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng (PSR) thì vẫn được coi là hàng hoá có xuất xứ CPTPP và được hưởng ưu đãi.
Đối với sản phẩm giày dép, doanh nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ các nước không phải là thành viên CPTPP, do đó phương pháp xác định xuất xứ hàng hóa phổ biến trong khuôn khổ CPTPP đối với sản phẩm này là quy tắc cụ thể mặt hàng.
Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) PSR yêu cầu nguyên liệu phải trải qua quá trình thay đổi mã số hàng hoá (Change in Tariff Classification - CTC), trải qua công đoạn gia công, chế biến của hàng hoá (Production Process), đáp ứng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực (Regional Value Content - RVC) hoặc kết hợp giữa các tiêu chí nêu trên. PSR là xu hướng chung trong đàm phán các FTA hiện nay bởi nó được đánh giá là một cơ chế cụ thể, minh bạch và thân thiện để sử dụng tra cứu.
Các phương pháp xác định PSR Đối với các sản phẩm giày dép sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ CPTPP, Hiệp định CPTPP quy định việc xác định xuất xứ hàng hoá áp dụng theo PSR bao gồm: (i) Quy tắc chuyển đổi mã hàng hoá (CTC), bao gồm Chuyển đổi Chương và Chuyển đổi Nhóm; và (ii) Quy tắc hàm lượng giá trị khu vực (RVC), theo đó tỷ lệ RVC đối với sản phẩm giày dép là 55% với cách tính RVC gián tiếp và 45% với cách tính RVC trực tiếp.
Quy tắc chuyển đổi mã số HS hàng hoá (CTC) Quy tắc CTC yêu cầu tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất hàng hóa phải có mã HS khác với mã HS của thành phẩm mà chúng tạo nên, tức là các nguyên liệu này phải trải qua quá trình sản xuất tại các nước CPTPP ở mức đủ làm chuyển đổi bản chất của chúng.
Các cấp độ chuyển đổi mã số HS Tùy vào từng mặt hàng cụ thể, mức độ chuyển đổi mã số HS sẽ khác nhau, về cơ bản gồm 3 cấp độ: Chuyển đổi Chương (CC – Change in Chapter); Chuyển đổi Nhóm (CTH – Change in Tariff Heading); Chuyển đổi Phân nhóm (CTSH – Change in Tariff Subheading).
Quy định về CTC đối với sản phẩm giày dép bao gồm 2 cấp độ:
- Chuyển đổi chương - CC (cấp 2 số): là cấp độ chặt nhất của CTC, có nghĩa nguyên liệu không có xuất xứ phải trải qua quá trình sản xuất làm thay đổi mã HS từ chương này sang chương khác.
- Chuyển đổi nhóm – CTH (cấp 4 số): là cấp độ vừa phải của CTC, nguyên liệu không có xuất xứ phải trải qua quá trình sản xuất làm thay đổi mã HS từ nhóm này sang nhóm khác.
Một số ngoại lệ
- “CTC ex from” là việc loại trừ một số mã HS nhất định khi áp dụng phương pháp CTC. Nếu mã HS của nguyên liệu trùng với mã HS được liệt kê tại cụm từ “loại trừ một số mã HS nhất định” hoặc “ex from” thì phương pháp CTC không được áp dụng trong trường hợp này. Nguyên liệu đó buộc phải chứng minh có xuất xứ trong các nước CPTPP để được hưởng ưu đãi.
- “De Minimis” là “tỷ lệ không đáng kể nguyên liệu không đáp ứng được tiêu chí CTC” nhưng thành phẩm vẫn được coi là có xuất xứ nếu tỷ lệ đó không vượt quá ngưỡng quy định, cụ thể là 10% đối với Hiệp định CPTPP. Điều này có nghĩa trong quá trình sản xuất sản phẩm giày dép, nguyên liệu không đáp ứng được quy tắc CTC chỉ được chiếm nhiều nhất là 10% giá trị của sản phẩm này. Mấu chốt của quy tắc linh hoạt De minimis là hàng hóa thành phẩm vẫn phải trải qua quá trình “chuyển đổi cơ bản” thông qua quy tắc CTC, tức là doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu về để sản xuất thực.
Vì lý do nào đó, một phần nguyên liệu không đáp ứng được quy tắc CTC thì hàng hóa thành phẩm vẫn đạt xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP. Cần lưu ý thêm rằng quy tắc này không áp dụng cho quy tắc hàm lượng giá trị khu vực (RVC).
Quy tắc hàm lượng giá trị khu vực (RVC)
Quy tắc hàm lượng giá trị khu vực quy định một tỷ lệ nhất định, theo đó nguyên liệu hàng hoá đáp ứng được tỷ lệ này sẽ được coi là đáp ứng yêu cầu xuất xứ hàng hoá và được hưởng ưu đãi theo CPTPP.
Hiệp định CPTPP quy định 4 công thức tính RVC, bao gồm: Công thức tính giá trị tập trung (Focused Value Method), công thức tính chi phí tịnh (Net Cost Method), công thức tính gián tiếp (Build-down Method) và công thức tính trực tiếp (Build-up Method).
Đối với sản phẩm giày dép, 2 cách tính RVC được áp dụng là cách tính gián tiếp và trực tiếp.
- Cách tính gián tiếp (Build-down Method): Dựa trên trị giá nguyên liệu không có xuất xứ RVC = Trị giá hàng hoá - Trị giá nguyên liệu không có xuất xứ Trị giá hàng hoá x 100
- Cách tính trực tiếp (Build-up Method): Dựa trên trị giá nguyên liệu có xuất xứ.
Xác định nguyên liệu không có xuất xứ Việc xác định nguyên liệu không có xuất xứ cần lưu ý một số điểm sau:
- Nếu nguyên liệu không có xuất xứ trải qua quá trình sản xuất tiếp theo, thoả mãn các quy định của chương Quy tắc xuất xứ trong CPTPP, thì hàng hóa được coi là có xuất xứ;
- Với nguyên liệu không có xuất xứ nhưng được sử dụng để sản xuất ra hàng hoá, những trị giá được tính vào thành phần có xuất xứ khi xác định hàm lượng giá trị khu vực hàng hoá đó là: trị giá của quy trình chế biến và trị giá của các nguyên liệu có xuất xứ được sử dụng để sản xuất nguyên liệu phụ liệu không có xuất xứ diễn ra tại lãnh thổ của các nước CPTPP.
Cách xác định trị giá của nguyên liệu:
- Đối với nguyên liệu được nhập khẩu bởi người sản xuất hàng hóa, bao gồm:
+ Trị giá giao dịch của nguyên liệu tại thời điểm nhập khẩu, và
+ Các chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển quốc tế của hàng hóa
Đối với nguyên liệu mua tại lãnh thổ nơi hàng hóa được sản xuất, là:
+ Giá do nhà sản xuất đã thanh toán hoặc sẽ thanh toán tại Nước thành viên nơi nhà sản xuất có trụ sở;
+ Trị giá được xác định cho nguyên liệu nhập khẩu; hoặc
+ Giá đầu tiên đã hoặc sẽ thanh toán tại lãnh thổ của Nước thành viên.
- Đối với nguyên liệu tự sản xuất, bao gồm:
+ Tất cả các chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất nguyên liệu, kể cả các chi phí chung; và
+ Một khoản tương đương với lợi nhuận được tính thêm vào quá trình giao dịch thông thường, hoặc tương đương với lợi nhuận thể hiện trong việc bán hàng hóa cùng loại hoặc cùng kiểu mà nguyên liệu tự sản xuất được tính.
Điều chỉnh trị giá nguyên liệu
Điều chỉnh tăng các trị giá cho các nguyên liệu có xuất xứ và điều chỉnh giảm các nguyên liệu không có xuất xứ với các chi phí sau:
- Chi phí vận chuyển, bảo hiểm, đóng gói, và tất cả các chi phí khác phát sinh trong quá trình vận chuyển nguyên liệu tới nơi sản xuất hàng hóa;
- Các loại thuế và chi phí môi giới hải quan cho nguyên liệu đã thanh toán tại lãnh thổ của một hoặc các Bên, trừ các loại thuế đã được miễn, được hoàn, có thể hoàn hoặc có thể thu hồi khác, bao gồm cả tín dụng đối với thuế hoặc thuế đã trả hoặc có thể trả; và
- Chi phí chất thải và sự hư hỏng do việc sử dụng nguyên liệu trong quá trình sản xuất hàng hóa, trừ đi trị giá của phế liệu có thể sử dụng lại hoặc bán thành phẩm.
Nguyên tắc tra cứu Việc tra cứu PSR đối với các mặt hàng giày dép trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Xác định đúng và đầy đủ các nguyên liệu không có xuất xứ CPTPP, bao gồm mã HS và trị giá của các nguyên liệu đấy;
- Chỉ áp dụng ngoại lệ de minimis đối với quy tắc chuyển đổi mã số hàng hoá (CTC). De minimis không được áp dụng trong quy tắc RVC.